Cách đối đãi với quà biếu của người xưa

Thứ năm - 23/01/2020 09:43
Biếu quà, hối lộ là hành vi đã có từ thời cổ xưa. Nhưng trong lịch sử có rất nhiều bậc quan lại, tướng lĩnh nhận thức rõ ràng được sự nguy hại của hành vi này mà cự tuyệt, không nhận.
Cách đối đãi với quà biếu của người xưa

Sở dĩ họ có thể làm được như vậy là bởi vì có tầm nhìn xa trông rộng và thấu hiểu đạo lý cũng như lẽ “được, mất” nơi thế gian. Dưới đây là một số câu chuyện về cách ứng xử với quà biếu, hối lộ của quan lại thời xưa được ghi chép trong sử sách:

Đại phu Tử Hãn từ chối ngọc

Rất nhiều người thời xưa đã thông qua lời nói khéo léo mà chối từ việc người khác hối lộ, biếu tặng quà cáp cho mình.

Trong “Tả truyện” có ghi chép lại rằng, vào năm Tống Tương Công 15, có một người sau khi có được một miếng ngọc trắng không tì vết liền mang đến tặng cho đại phu Tử Hãn.

Đại phu Tử Hãn nói: “Miếng ngọc là bảo bối của ngươi, “không tham” là bảo bối của ta. Nếu như ta nhận bảo bối của ngươi thì hai ta đều bị mất bảo bối rồi. Ngươi hãy cầm đi đi!”

Tể tướng nước Lỗ từ chối nhận quà biếu

Thời Chiến Quốc, Công Tôn Nghi là tể tướng nước Lỗ do vua Lỗ Mục Công trị vì. Ông đặc biệt thích ăn cá. Vì vậy, nhiều người khi đến tìm ông để nhờ việc thường rất hay mang cá đến theo. Nhưng họ đều bị Công Tôn Nghi một mực từ chối.

Một người đệ tử của ông không hiểu nên đã hỏi: “Ngài từ trước đến nay đặc biệt thích ăn cá, vậy tại sao ngài lại một mực không nhận cá mà người khác mang tặng?”

Công Tôn Nghi đáp: “Ăn mấy con cá thì tất nhiên là chuyện nhỏ không có vấn đề gì. Nhưng nếu như ta nhận cá của người khác mang đến tặng thì tất sẽ phải nhân nhượng cho họ. Như thế sẽ làm hủ bại luật pháp, sau cùng cũng sẽ bị cách chức tước vị. Đến lúc đó, ta còn muốn ăn cá thì thử hỏi những người này có còn mang cá đến tặng ta không? Bây giờ, ta không nhận cá của người khác thì tự mình vẫn có thể an ổn làm thừa tướng, vẫn có thể thường xuyên mua được cá về ăn. Chẳng phải thế sao?”

Công Tôn Nghi thèm cá mà lại không nhận cá người khác biếu tặng, quả thực là rất sáng suốt. Nếu như người khác tặng cá mà lại không chối từ thì hậu quả chắc chắn sẽ như lời ông nói, chẳng những tước vị của ông bị tước bỏ mà ngay cả cá cũng sẽ không có mà ăn.

Bao Chửng từ chối quà của Hoàng đế

Vào ngày mừng thọ 60 tuổi của Bao Chửng, ông kiên quyết không nhận lễ vật mà bất kỳ ai mang đến tặng. Nhưng ông không ngờ người đầu tiên đến chúc mừng và tặng lễ vật cho ông lại chính là Hoàng đế đương triều Tống Nhân Tông. Trên thiếp, Thái giám có ghi bốn câu có ý:

“Đức cao vọng trọng nhất phẩm khanh
Ngày đêm vất vả giống Ngụy Trưng
Hôm nay Hoàng Thượng đem lễ tặng
Cự lễ ngoài cửa lễ bất thông”.

Bao Chửng sau khi đọc bốn câu thơ xong, ông liền hồi đáp bằng bốn câu có ý là:

“Thiết diện vô tư lòng son trung
Làm quan tối kỵ nhắc đến công
Vất vả vốn là trong phận sự
Cự lễ vì khai liêm khiết phong”.

Bao Chửng đã dùng thơ để cự tuyệt lễ vật, vừa thể hiện được đức tính liêm chính, khéo léo của mình lại nhận được sự khen ngợi của Hoàng Thượng cũng như sự kính trọng của quan tướng trong triều đình.

Quan phủ đến khi từ quan vẫn không nhận quà

Vào năm vua Càn Long triều nhà Thanh, ở Hà Nam có vị tuần phủ Diệp Tồn Nhân đã làm quan trong mấy thập kỷ và đều giữ được đức tính thanh liêm.

Thời điểm ông cáo lão về quê sinh sống, nhiều quan viên trong triều đến tiễn ông nhưng lại lên thuyền muộn hơn so với ông. Mãi đến lúc trăng đã sáng, ông đột nhiên phát hiện một chiếc thuyền nhỏ đi tới. Hóa ra là đám thuộc hạ đem lễ vật của những vị quan viên kia tới tặng ông làm quà cáo biệt. Bởi vì sợ có người biết nên họ đã đi muộn.

Diệp Tồn Nhân bèn lấy giấy bút ra và viết mấy câu thơ:

“Nguyệt bạch phong thanh dạ bán thì
Biển chu tương tống cố trì trì
Cảm quân tình trọng hoàn quân tặng
Bất úy nhân tri úy kỷ tri”.

Tạm dịch:

“Trăng thanh gió mát lúc nửa đêm
Thuyền nhỏ đưa tiễn cố tình chậm
Cảm động tình quân còn tặng quà
Không sợ người biết sợ mình biết”.

Viết xong mấy câu này, ông liền gửi họ và trả lại toàn bộ lễ vật không lấy một món nào.

Câu chuyện của Tổng đốc Trương Bá Hành

Trương Bá Hành là Tổng đốc Giang Nam trong năm Khang Hy triều nhà Thanh. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, luôn nghiêm khắc tự hạn chế mình. Ông cho rằng đối với quan lại, ngoài lương bổng ra thì nhận một văn tiền chính là tham ô.

Để cự tuyệt hối lộ, quà biếu của mọi người, Trương Bá Hành đã treo một tấm biển trước cửa nha môn: “Một tơ một hạt, danh dự và tiết tháo của ta. Một li một hào, mồ hôi nước mắt của dân. Cho đi một phân, dân được lợi một phân. Thủ lấy một văn, ta là người chẳng đáng một văn”.

Trong sử sách còn ghi lại rất nhiều tấm gương người xưa cự tuyệt nhận quà biếu tặng, nhận hối lộ. Họ dùng những cách thức khéo léo khác nhau vừa bảo trì được nhân cách cao quý lại vừa làm hài lòng những người mang tặng. Đây thực sự là bài học đáng suy ngẫm cho người thời nay.

Nguồn tin: Trithucvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây