Cao tăng Thiếu Lâm tiết lộ 5 trở ngại trong cuộc đời

Thứ bảy - 18/07/2020 15:42
Shi Heng Yi - chưởng môn Thiếu Lâm tự châu Âu chia sẻ về 5 trạng thái tinh thần phá hủy niềm vui trong cuộc sống và cách chống lại điều đó.
Shi Heng Yi - chưởng môn Thiếu Lâm tự châu Âu
Shi Heng Yi - chưởng môn Thiếu Lâm tự châu Âu

Vị chưởng môn này cho biết, trong hành trình trở thành một cao thủ Thiếu Lâm, ông đã trải qua gần 30 năm nghiên cứu và thực hành sự tương tác giữa tâm trí và cơ thể. Đây là một phần tất yếu của văn hóa và triết lý võ thuật Thiếu Lâm, có lịch sử hơn 1.500 năm.

Một trong những giáo lý quan trọng nhất, chính là 5 chướng ngại của việc tự làm chủ. Đây là những trạng thái tinh thần cốt lõi, ngăn cản chúng ta nhìn rõ, đưa ra những quyết định thông minh, đạt được mục tiêu và sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, hài hòa hơn.

Ham muốn

Ham muốn là những khoái cảm, nó nảy sinh khi chúng ta khát khao một thứ gì đó đến mức kích thích một hoặc nhiều trong số 5 giác quan của chúng ta: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác.

Hãy tưởng tượng bạn dành cả tuần để luyện tập cho một giải chạy. Nhưng vào tuần thứ hai, bạn bị chiếc smartphone "quyến rũ". Bạn nhượng bộ và dành thời gian cho chiếc điện thoại. Thời gian mà bạn dành để tập luyện trong tuần trước giờ đây trở nên lãng phí. Bạn đã lạc đường.

Ham muốn không phải lúc nào cũng xấu, tuy nhiên bất kỳ mong muốn nào, dù lành mạnh hay không lành mạnh cũng có thể bị biến thành nỗi ám ảnh, thậm chí là nghiện, làm chúng ta mất tập trung vào các mục tiêu của mình.

Cách duy nhất để thực sự chống lại một cám dỗ là suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận về hậu quả cuối cùng của việc đầu hàng những ham muốn đó. Lần tới, khi một ham muốn xuất hiện, hãy tự hỏi: Điều này có ích cho mình hay có hại, về lâu về dài?

Ác tâm

Ác tâm trái ngược với ham muốn. Đó là trạng thái tinh thần không muốn một cái gì đó, vì không thích, hoặc thậm chí là ghét. Nó có thể liên quan đến một hành động, một tình huống, hoặc một con người.

Ví dụ, để hàn gắn mối quan hệ với một người bạn, bạn sẽ cần phải ngồi lại và trò chuyện về vấn đề gây ảnh hưởng đến mối quan hệ. Tuy nhiên, bạn ghét sự đối đầu nên né tránh cuộc nói chuyện.

Những cảm xúc tiêu cực (tức giận, sợ hãi, thất vọng) là một phần tự nhiên của cuộc sống. Nhưng việc để chúng khống chế sẽ khiến bạn không thể tiến về phía trước mà luôn bị mắc kẹt trong trạng thái cảm xúc đó.

Cách khắc phục: Thay vì bỏ qua ác tâm của mình, bạn nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc của nó. Nếu bạn không thích đối đầu, hãy tự hỏi: tại sao? Có thể lý do chính là vì bạn chưa bao giờ thành công trong việc tìm giải pháp cho các xung đột. Hãy nghĩ về những trải nghiệm quá khứ: Điều gì là sai lầm? Điều gì có thể thay đổi? Hãy coi đây là cơ hội để học hỏi nhiều hơn về bản thân, thông qua việc từ bỏ những cách thức cũ kỹ và thử những điều mới mẻ.

Lười biếng

Trạng thái không hành động dẫn đến sự lười biếng. Đó là kết quả của việc bạn có năng lượng thấp, thiếu động lực. Sự biếng lười cũng có thể xuất hiện dưới hình thức tự thương hại bản thân, suy nghĩ vô dụng, trầm cảm, trống rỗng...

Bạn có thể trải qua những cảm xúc này sau những thăng trầm trong sự nghiệp, khiến bạn cảm thấy không có động lực cho công việc mình làm, hoặc bạn nghĩ mình không đủ tốt, không đủ giỏi.

Trong Phật giáo, điều này được mô tả như sự tù đầy. Càng cho phép những cảm xúc đó chi phối tâm trí và thể xác, bạn càng để những bức tường đó khóa chặt mình lại.

Cách vượt qua sự lười biếng: Bạn phải xác định những gì đã dẫn mình đến với trạng thái tinh thần này. Sau đó, bạn nhắc nhở bản thân về mục tiêu của mình và những gì truyền cảm hứng cho mình trong những bước đầu tiên. Sau đó, bạn thực hiện các bước để "đẩy" các bức tường giam bạn, chúng có thể nhỏ và đơn giản như đi bộ, hay gặp những người có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên...

Bồn chồn

Đây là kết quả của một tâm trí bất ổn. Điều này thường xảy ra với những người thường xuyên lo lắng, bất an về tương lai, những người hay tự phán xét mình.

Trong Phật giáo, người có tâm bồn chồn được gọi là "tâm khỉ", giống con khỉ liên tục nhảy từ nhánh này sang nhánh khác mà không thể nào tập trung. Trong thời gian tâm lý bồn chồn, chúng ta dễ bị tổn thương bởi hành động theo cách mà sau này chúng ta có thể hối hận.

Thực hành vượt qua sự bồn chồn: Nên quan sát sự bồn chồn của bạn khi nó đang diễn ra. Tâm trí của bạn có thể đang bị khuấy động bởi sự thất vọng về điều gì đó mà bạn rất hối tiếc là mình đã làm. Hãy thừa nhận cảm giác đó, hiểu nó, và sau đó là buông bỏ cảm giác ấy. Thiền là một trong những cách hiệu quả để vượt qua sự bồn chồn đó, chúng giúp bạn giải tỏa tâm trí, để bạn có thể tìm thấy sự bình yên, tĩnh trí trong hiện tại.

Nghi ngờ

Sự nghi ngờ, hồ nghi dẫn đến sự do dự và không ngừng đặt câu hỏi về khả năng của bản thân, về những người xung quanh mình...

Thực hành vượt qua sự nghi ngờ: Đôi khi sự hồ nghi có thể là đồng minh của bạn. Nó cho thấy bạn cần lùi lại để xem xét các lựa chọn của mình. Điều quan trọng chính là thách thức những nghi ngờ của bạn. Hãy tự hỏi: Lý do đằng sau sự nghi ngờ của tôi có ý nghĩa gì? Hay nó chỉ là rào cản, ngăn cản tôi kết nối với những mục tiêu của chính mình?

Theo CNBC

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây