Sài Gòn mùa giãn cách: Tu sĩ trẻ dấn thân tiếp thực giúp dân

Thứ sáu - 03/09/2021 10:52
90 ngày qua, đúng 8g30 mỗi ngày là Đại đức Thích Pháp Tịnh, quản tự chùa Pháp Huyền (Hóc Môn) lái xe khắp các khu vực để chuyển rau, lương thực cho người dân.
Đại đức Thích Pháp Tịnh chở yêu thương sẻ chia với người dân trong những ngày giãn cách
Đại đức Thích Pháp Tịnh chở yêu thương sẻ chia với người dân trong những ngày giãn cách

Từ ngày 31-5, TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách, cũng là lúc thầy Pháp Tịnh gắn bó với việc làm này. Trong những ngày đầu, thầy chỉ cho rau cho các khu vực cách ly, phong tỏa. Nhưng đi nhiều, chứng kiến nhiều cảnh khổ và lắng nghe lời “kêu cứu” của bà con xin gạo, mì, mười ngày sau đó, thầy đã quyết định tặng cả hai: rau và lương thực cho người đang trong hoàn cảnh khó ngặt.

1
Những phần quà tiếp sức đong đầy yêu thương.

Dìu nhau bước qua những ngày dịch bệnh

Thầy nhớ lại, có lần gặp bà cụ 65 tuổi vô gia cư, lượm ve chay, cụ giăng dây, phủ tấm bạt góc cột điện để làm chỗ che mưa che nắng. Khi được tặng cho 5 kg gạo, mì, trứng và rau, cụ xúc động khóc, chấp tay xá chào cảm ơn, không nói lên lời.

Có nhiều người bán vé số chạy ăn từng bữa không đi bán được; công nhân thất nghiệp không có tiền đóng trọ, tiền ăn cũng không, con nhỏ không có cơm ăn, khóc sữa nhắn tin lúc 12g đêm cầu cứu… Hôm sau nhận được quà mừng, họ vui như Tết. Đó cũng là lý do, dù một mình lái xe, đi cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới chùa, thầy vẫn vui và tâm niệm muốn giúp mọi người nhiều hơn.

1
Đại đức Thích Pháp Tịnh mua rau với giá ưu đãi về tặng cho người dân khó khăn trong thời gian Sài Gòn giãn cách xã hội.

Từ ngày bắt đầu trao quà như thế này cho người dân, chưa một ngày nào thầy ngơi nghỉ. Những tin nhắn, điện thoại xin giúp đỡ nối dài, đồng nghĩa thời gian thầy dành cho bản thân ngắn lại. Lý do đơn giản để thầy thực hiện việc này, chỉ gói gọn trong bốn chữ: “Thương, chịu không nổi”.

Có những hoàn cảnh đơn lẻ cá biệt, ở xa lắc xa lơ nhưng nghe điện thoại trình bày: “Thầy ơi, chỗ con khổ quá, con ở tỉnh lên, con thất nghiệp, con 3 đứa nhỏ táo bón hết vì ba ngày ăn mì gói”. Thương quá, vậy là thầy ưu tiên, lái xe chạy xa mười mấy km chỉ để đi tặng một phần quà.

1
Với những hoàn cảnh đặc biệt, thiếu gạo trong nhiều ngày, thì những chuyến quà 0 đồng xuất phát từ lúc sáng sớm, khi những vũng nước mưa từ đêm qua còn chưa khô, rút hết nước.

Thầy Pháp Tịnh chia sẻ: “Xót xa nhất là khi gặp những hoàn cảnh bị Covid-19, người thân mất, các gia đình có con nít năm, ba tuổi. Nhiều người nghĩ nhắn tin xin gạo là cầu may, vì không chắc là thầy có tới hay không. Nên khi nhận được quà, có cụ già xin cho quỳ lạy để cảm ơn. Trước những cảnh này, mình cũng muốn xuống nước mắt”.

Đó cũng là lý do thầy luôn cố gắng kiểm tra tin nhắn kỹ mỗi ngày. Vì biết, những hoản cảnh nhắn tin, điện thoại cho thầy rất khó khăn, là tận cùng khổ đau và có thể với họ phần quà này chính là chiếc phao cứu đói trong hoàn cảnh này.

Biết nỗi lòng của họ trông chờ vào hồi âm, những phần quà được giúp đỡ, thế nên thầy không muốn bỏ sót ai. Với ai được trao quà, danh sách luôn được thầy ghi rõ, đăng trên trang facebook cá nhân, về thời gian để mọi người theo dõi và để ý điện thoại, khi thầy gọi đến, ra nhận quà.

1
Những hộ khó khăn, dù trong hẻm sâu, khi đã hứa sẽ tặng quà, quà luôn đến đúng hẹn.

Trên tinh thần sẻ chia, tiếp sức, dù xa thế nào, thầy đã nhận lời đều ráng cố gắng đến sớm nhất, để bà con không phải chờ lâu. Với suy nghĩ đơn giản: “Đến sớm một ngày thì bà con đỡ khổ một ngày, niềm vui sẽ thay thế cho cái khổ đang hiện diện”.

Có những ngày, trời sụp nắng, màn đêm buôn xuống nhưng đã hứa cho quà, thầy ráng đi đến. Có hộ gia đình nhận được điện thoại của thầy nhắn ra trước cửa lấy quà, họ chạy ra nhìn thấy gạo, rau ngồi khuỵa xuống, điện thoại cảm ơn trong niềm hạnh phúc.

“Nhà con hôm nay có bữa no rồi thầy ơi” - đó là câu nói mà thầy Pháp Tịnh nhận lại thường xuyên sau những chuyến xe nghĩa tình, chở những phần quà 0 đồng như thế này.

1
Một hoàn cảnh khó khăn, khi nhận được quà của thầy Pháp Tịnh đã rưng rưng vì không nghĩ mình được thầy đến tận nhà trao quà tận tay và động viên, an ủi.

Những sẻ chia ấm lòng

Trong thời gian đi tặng quà, điều thầy cảm thấy ấm lòng nhất, đó là “trong những hoàn cảnh khó khăn nhưng người khó, người nghèo vẫn chia sẻ, nhường cho nhau bữa no, sự sống”. Có nhiều trường hợp có gạo, họ chỉ xin rau. Thầy có ngỏ ý cho thêm gạo để đôi, ba ngày nữa nhà hết gạo thì có cái để dùng, nhưng nhiều bà con xin nhường lại phần gạo đó cho người cần hơn, khi nào mình thiếu thì điện thoại xin. Thầy Pháp Tịnh gọi đó là sự tử tế, là chân tình.

Vì sự thật thà, tấm lòng ngay thẳng, chân chất đó của người dân mà trong những thời điểm chùa hết gạo, không thể mua thiếu hay trả góp thêm được nữa, khi người dân xin giúp đỡ nhiều, không chịu nổi, thầy quyết định bán luôn chiếc xe máy của mình. “Bán được 24 triệu, nhưng chỗ mua xe biết mình bán để mua gạo cho người nghèo nên họ cúng dường thêm 5 triệu. Mình mua được gần 2,5 tấn gạo cho bà con”, thầy vui vẻ cho biết.

Biết thầy đi tặng quà, tặng rau cho những hoàn cảnh khó khăn trong lúc dịch bệnh, biết thầy hết tiền, có chủ vườn rau bán rau cho thầy giá rẻ. Có chủ vườn rau vừa bán, vừa tặng để đem niềm vui đến nhiều người.

1
Các hộ gia đình neo đơn, bệnh nền nhiều và lớn tuổi. Chưa bao giờ thầy khước từ khi họ điện thoại xin giúp đỡ...

Có chủ vườn là Phật tử, gọi cho thầy xin được tiếp sức, tặng ruộng rau muống để chia sẻ người dân khu cách ly, phong tỏa. Với những vườn rau được tặng thế này, sau thời công phu khuya, trời vừa ửng sáng là thầy đi cắt rau, 7 giờ về đến chùa phân chia từng phần, 8 giờ đi phát đến mọi người.

Vậy chứ, tối khi đến giờ nghỉ ngơi, khi người dân trên địa bàn nhắn xin chở đi cấp cứu, hoặc xin giúp bình ô-xy, giúp được ai là thầy giúp. “Khi mình đã tiêm vắc-xin, xe mình di chuyển được cấp giấy tờ thì phương tiện mình có, mình không thể dửng dưng viện lý do làm ngơ được. Lúc cuộc đời cần mình, người dân cần mình, thì đối với người tu sĩ có gì hạnh phúc bằng được phụng sự”, thầy trải lòng.

Cứ như vậy mà những phần quà sẻ chia cứ nối tiếp nhau được thầy trao đến tay người dân đang cần. Trong suy nghĩ của thầy, sẽ đi đến chừng nào rơi vào trường hợp bất khả kháng không thể đi nữa, không còn khả năng mua gạo, rau thì thầy mới dừng lại, hoặc hết giãn cách mọi người mua đồ được thì mới thôi.

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây