Nhân duyên Phật chế giới không sát sinh

Thứ sáu - 20/12/2019 10:37
Trong mười hai năm đầu, đức Phật chưa chế ra giới vì trong Tăng đoàn chưa có chuyện gì xảy ra. Vào mùa Hạ thứ mười ba, Tỳ-kheo Tu-đề-na ân ái, qua lại với người vợ cũ của mình nên từ đó, đức Phật chế ra giới luật. Mỗi khi đức Phật chế giới, Ngài đều nói ra mười điều lợi ích của giới.
Nhân duyên Phật chế giới không sát sinh
Giới này là một trong bốn giới nặng mà đức Phật quy định. Người nào phạm vào giới này sẽ không còn tư cách và đạo đức của người xuất gia, sẽ bị trục xuất khỏi Tăng đoàn. Lúc bấy giờ, có một số Tỳ-kheo tu theo quán bất tịnh để dứt lòng ái dục. Khi thấy thân thể mình nhơ nhớp, hôi hám, chứa đầy phân, tiểu, bất tịnh… nên tìm cách hủy diệt cơ thể này. Các vị Tỳ-kheo ấy nói: “Nếu ai giúp chúng tôi giải thoát khỏi kiếp sống này thì người ấy sẽ được quả phước lớn”. Có một Tỳ-kheo tên là Vật-lực-già-nan-đề, là một Sa-môn mới xuất gia, nghe các vị Tỳ-kheo kia nói vậy nên đã rút con dao ra “đâm chém” các vị đó, với ý nghĩ sẽ giúp các vị này giải thoát.

Sau mùa an cư, các vị Tỳ-kheo về hội họp bên đức Phật. Ngài thấy số lượng chúng giảm đi đáng kể. Thế là Ngài cho người đi tìm hiểu sự việc, mới ra lẽ là có sáu mươi vị Tỳ-kheo đã bị một tân Tỳ-kheo cầm dao giết chết. Nhân đó còn bị các gia chủ gièm pha, chê trách rằng Sa-môn Thích tử tu hành mà giết hại lẫn nhau tàn nhẫn. Đức Phật nói rằng: “Ta dạy chánh pháp mà họ hành tà pháp”. Từ nhân duyên ấy, Ngài chế định ra giới cho các Tỳ-kheo không được giết hại mạng người, nếu không, phạm tội Ba-la-di, tức tội “đứt đầu” vậy.

Đối với xã hội hiện nay, khi phạm vào giới này cũng đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật. Với con người, ta không giết đã đành, mà cho đến các loài vật, các sinh mạng khác, không những không được sát sinh mà còn phải biết phóng sanh để nuôi dưỡng lòng từ bi. Thế mới đúng là người đệ tử Phật.

Trong kinh Thập Thiện dạy rằng, người không sát sinh sẽ được mười thứ công đức:

1. Đối với chúng sinh cùng khắp bố thí pháp vô úy.

2. Thường khởi lòng đại từ đối với chúng sinh.

3. Dứt sạch tất cả tập khí giận hờn.

4. Thân thường không bệnh.

5. Mạng sống lâu dài.

6. Được phi nhân ủng hộ.

7. Thường không ác mộng, thức ngủ đều an vui.

8. Diệt trừ oán nghiệp, oán thù tư giải.

9. Không sợ sa đường dữ.

10. Khi chết sinh về thiện thú, thiên giới.

Do vậy, chúng ta cũng thấy rằng việc giữ giới quan trọng đến dường nào. Chúng ta bỏ được một nghiệp ác, tức là chúng ta đã bỏ được rất nhiều phiền não mà lại đạt được rất nhiều công đức, phước báu.

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây