Tu như vậy có đúng?

Thứ ba - 17/12/2019 04:02
HỎI: Tôi đang thọ trì đọc tụng suốt đời kinh Pháp hoa, kinh A Di Đà, hàng ngày niệm 108 lần danh hiệu Phật A Di Đà. Xin hỏi, tôi tu vậy có đúng pháp môn Tịnh độ?
(ĐINH PHẠM, dinhpk134…@gmail.com)
Pháp thức tu tập của Tịnh Độ tông, căn bản là thực hành Tín-Hạnh-Nguyện
Pháp thức tu tập của Tịnh Độ tông, căn bản là thực hành Tín-Hạnh-Nguyện
ĐÁP: Bạn Đinh Phạm thân mến!
 
Bạn phát nguyện trì tụng kinh (kinh Pháp hoa, kinh A Di Đà) cùng với hàng ngày niệm 108 biến danh hiệu Phật (Nam-mô A Di Đà Phật) đến trọn đời là một sự nỗ lực mạnh mẽ, bạn có thiện căn vì không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề sự tu tập như thế đã đúng với tôn chỉ, mục đích, pháp thức của tông Tịnh Độ hay chưa? Xin trả lời, bạn tu tập như thế mới đáp ứng được phần lớn của điều kiện cần, còn thiếu một số điều kiện đủ nữa mới đúng với tôn chỉ, mục đích, pháp thức của tông Tịnh Độ.
 
Tôn chỉ tu tập của Tịnh Độ tông (cũng như các tông phái khác) là thành Phật, giác ngộ và giải thoát. Mục đích tu tập của Tịnh Độ tông là xuất ly Ta-bà uế độ, thành tựu vãng sinh Tây phương tịnh độ (từ đây tiếp tục tu tập cho đến khi thành Phật). Pháp thức tu tập của Tịnh Độ tông, căn bản là thực hành Tín-Hạnh-Nguyện.
 
Tại sao phải vãng sinh Tây phương? Tịnh Độ tông quan niệm, vì Ta-bà là uế độ, khổ đau, sinh tử. Mặc dù, ngay Ta-bà vẫn có thể tu thành Phật nhưng vì ở đây có quá nhiều chướng nạn nên chỉ cần lơ đễnh, sơ suất một chút thì có thể trở ngại muôn trùng. Còn Tây phương Tịnh độ thì có vô số thắng duyên, nhất là thắng duyên “bất thoái chuyển”; đã đến được đây rồi thì chỉ có tu lên, lên cao mãi cho đến ngày thành Phật.
 
Bạn đã có Hạnh và Tín, thiển nghĩ bạn cần gia thêm Nguyện. Ba cột trụ của Tịnh tông là Tín thâm, Nguyện thiết và Hạnh chuyên. Muốn tin sâu trước phải thấu hiểu, phải thấy con đường hay nắm được phương hướng rồi mới nên đi. Tin càng sâu, vững chắc vào Phật A Di Đà, vào cảnh giới Cực lạc thì dụng công hành trì, Hạnh mới tinh chuyên. Hành trì siêng năng bền bỉ rồi phải cần phát Nguyện để làm động lực, nguyện lực càng lớn và tha thiết sẽ thúc đẩy hành giả càng nhanh về phía Tây phương tịnh độ.
 
Hạnh gồm có chánh hạnh và trợ hạnh. Chánh hạnh là niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Mỗi ngày bạn niệm được 108 biến danh hiệu Phật là quá tốt, niệm nhiều hơn nữa lại càng hay, quan trọng nhất là niệm đến “nhất tâm bất loạn từ 1 cho đến 7 ngày” (kinh A Di Đà). Có thể xem nội dung kinh A Di Đà nói đến nhất tâm bất loạn đây là tiêu chí, là chuẩn mực cho thành tựu vãng sinh. Thế nên, chúng ta có niệm Phật bao nhiêu đi nữa mà không thành tựu “nhất tâm” thì vãng sinh vẫn chưa được dự phần.
 
Về trợ hạnh là làm tất cả các pháp lành trong khả năng có thể. Đọc tụng kinh điển là một trong những trợ hạnh. Nếu được thì ngoài kinh Pháp hoa và kinh A Di Đà, bạn có thể tụng đọc thêm kinh Vô lượng thọ và kinh Quán Vô lượng thọ. Làm được bao nhiêu trợ hạnh đều hồi hướng công đức phước báo về Tây phương, trang nghiêm Tịnh độ.
 
Cần lưu ý là, giáo điển Tịnh Độ tông hậu kỳ có thuyết “đới nghiệp vãng sinh”. Đới nghiệp vãng sinh là mang theo khối nghiệp thiện ác của Ta-bà sinh về một nơi biên địa của hạ phẩm hạ sinh (phẩm thấp nhất của chín phẩm Tây phương). Thuyết đới nghiệp vãng sinh hiện vẫn đang còn tranh luận giữa các nhà Tịnh độ. Thuyết này có ưu điểm là dù tu ít, nhưng đủ nhân duyên được hộ niệm thì có thể thành tựu “bất thoái chuyển”. Tuy nhiên, nếu xem xét sự tu hành, sám hối gian khó của người đới nghiệp vãng sinh phải trải qua một thời gian lâu xa thì giải pháp tu hành tinh tấn trong hiện tại để thành tựu vãng sinh các phẩm cao hơn nơi Tịnh độ vẫn là lựa chọn cần thiết, cần được ưu tiên.
 
Chúc bạn tinh tấn!

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây