Cập nhật thông tin đa chiều là cách chúng ta trang bị kiến thức để chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, không ai có thể kiểm chứng hết độ chính xác mà hiệu quả của những lời khuyên mang lại.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày
Bác sĩ Đồng Văn Thành, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết mùa hè với nền nhiệt cao khiến nhiều người mệt mỏi, khó chịu. Cơ thể phải tiết nhiều mồ hôi dẫn đến nguy cơ mất nước, mất điện giải và gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Thông thường, mỗi người nên uống 1-1,5 lít nước, song mùa hè phải gấp đôi, tùy vào cơ địa từng người.
Tuy vậy, bạn cũng có thể thay thế với các loại canh, trái cây, sữa, rau quả giàu vitamin C giúp cơ thể giữ nước. Các loại đồ uống mùa hè như nước dừa, nước chanh có thể giúp cơ thể giảm nóng. Tránh uống cà phê và trà. Ăn nhiều rau xanh. Hạn chế uống các chất lỏng chứa cồn hay nước chứa nhiều đường khiến cơ thể thêm mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày, khiến hệ miễn dịch yếu đi.
Do đó, nếu cơ thể bạn không quá khát, biểu hiện ở màu nước tiểu trong suốt gần như màu nước thì không nên quá cứng nhắc áp dụng lời khuyên trên.
Uống nhiều cà phê sẽ gây hại
Cà phê là thức uống ưa thích của nhiều người, song có nhiều nghiên cứu mâu thuẫn nên người dân khó chọn lọc thông tin. Ví dụ như một công trình đăng tải trên The American Journal of Clinical Nutrition chỉ ra uống từ 6 cốc cà phê trở lên mỗi ngày làm tăng 22% nguy cơ mắc bệnh tim. Nguyên nhân được cho là caffeine dẫn đến cao huyết áp.
Ngược lại, Viện William Harvey từ Đại học Queen Mary (Anh) công bố kết quả nghiên cứu mới về tác động của cà phê đến sức khỏe cho thấy cả người uống ít lẫn uống nhiều cà phê đều không xuất hiện dấu hiệu xơ cứng động mạch hay những vấn đề liên quan đến tim mạch.
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM, cà phê có tác dụng kích thích thần kinh, tăng sự tỉnh táo, giảm mệt mỏi, cải thiện trí óc. Tuy nhiên, nếu người dùng lạm dụng có thể gây ra nhiều tác hại trầm trọng cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ em.
Do đó, bạn có thể uống cà phê ít nhất một lần mỗi ngày, trừ khi có chỉ định riêng của bác sĩ do tình trạng cơ thể.
Thực phẩm tươi tốt hơn thực phẩm đông lạnh
Hầu hết mọi người cho rằng thực phẩm tươi luôn tốt hơn thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, bảo quản đông lạnh đúng cách vẫn an toàn vì dinh dưỡng đã được giữ lại bằng hình thức cấp đông.
Lưu ý khi bảo quản không nên để nhiệt độ tủ lạnh quá ấm bởi trên 4 độ C là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Trữ thức ăn thừa trong hộp có nắp.
Rửa sạch trái cây và rau trước khi cất trong tủ lạnh làm chúng nhanh hư hỏng nếu còn ẩm và tủ lạnh dễ bị ô nhiễm. Nên rửa sạch, thấm khô bằng khăn giấy hoặc vải sạch trước khi cho vào tủ lạnh.
Nên vệ sinh tủ mỗi tháng một lần để tiêu diệt vi khuẩn. Quy trình vệ sinh tủ lạnh, đầu tiên là lấy tất cả thực phẩm ra ngoài và lau sạch bề mặt tủ bằng nước xà phòng ấm. Sau đó, sử dụng giấm hoặc baking soda để vệ sinh, rồi lau khô bằng khăn giấy hoặc khăn bếp sạch.
Trứng làm tăng hàm lượng cholesterol
Nhiều người lo ngại rằng lượng cholesterol và chất béo có ở lòng đỏ trứng khi vào cơ thể sẽ có hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều này là sai lầm.
Cholesterol là chất không thể thiếu trong cơ thể, nó có tác dụng sản sinh hormon steroid cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể người, trong đó bao gồm cả hormon giới tính nam và nữ. Ngoài ra cholesterol còn là thành phần cấu trúc của các tế bào, tạo mật, tăng cường khả năng miễn dịch.
Cholesterol trong thức ăn hoàn toàn khác cholesterol trong máu, vì vậy ăn nhiều thức ăn chứa cholesterol không liên quan đến việc tăng hàm lượng cholesterol trong máu.
Với chất béo cũng vậy, có những chất béo tốt và có chất béo gây hại. Chất béo có trong lòng đỏ trứng là chất béo không bão hòa. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc dự trữ năng lượng, điều hoà hoạt động và giúp làm giảm lượng cholesterol thay thế cho chất béo bão hòa trong chế độ ăn hàng ngày.
Ăn trứng đúng cách giúp cơ thể hấp thu nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh: Webmd
Bác sĩ Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết, trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu. Tỷ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu biết cách chế biến đúng. Ngoài ra lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như sắt, vitamin A, kẽm... Vì vậy trứng là một thức ăn bổ dưỡng.
Ngoài ra, khi ăn trứng gà sống, tỷ lệ hấp thu và tiêu hóa chỉ được 40%; ở trứng luộc là 100%; trứng rán chín tới 98,5%; trứng rán già 81%; trứng ốp la 85%; trứng chưng 87,5%. Do đó tốt nhất nên ăn trứng luộc chín tới, vừa bảo đảm được chất dinh dưỡng như protein, lipid, khoáng chất... mà các vitamin cũng ít mất đi.
Cảm lạnh là do lạnh
Thông thường, các bà mẹ giải thích việc bị cảm lạnh là do lạnh. Tuy nhiên, lạnh không làm tổn thương khả năng miễn dịch, trừ khi nhiệt độ lạnh đến nỗi cơ chế bảo vệ của bạn bị phá hủy. Nguyên nhân chính của bệnh cảm lạnh là do bạn mắc các bệnh truyền nhiễm, hệ hô hấp tổn thương, tiếp xúc với các virus gây cảm lạnh, thiếu ngủ và thiếu chất dinh dưỡng.
Bác sĩ Nguyễn Bá Đăng, Cục Y tế dự phòng, khuyến cáo trẻ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Nên tiêm văcxin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Ngoài ra, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
Thùy An (VnExpress)