Cắt bỏ ruột thừa làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson?

Thứ hai - 01/07/2019 11:32
Một số protein được tìm thấy trong não của bệnh nhân Parkinson cũng được tìm thấy trong ruột thừa của người không bị bệnh này.
Có mối liên hệ giữa ruột thừa và nguy cơ phát triển bệnh Parkinson
Có mối liên hệ giữa ruột thừa và nguy cơ phát triển bệnh Parkinson
Phát hiện này khiến các nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa ruột thừa và nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.

Một nghiên cứu phát hành vào tháng 10 - 2018 cho thấy cắt bỏ ruột thừa có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển bệnh này. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây lại cho thấy kết quả trái ngược: Cắt bỏ ruột thừa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson - kết quả này đã được báo cáo tại một hội thảo khoa học về bệnh đường tiêu hóa trong Tuần lễ Bệnh đường tiêu hóa tháng 5 qua.

Nghiên cứu phân tích dữ liệu trên hơn 62 triệu bệnh nhân, sử dụng dữ liệu ghi nhận từ 26 hệ thống y tế khắp nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu xác định nhóm bệnh nhân vị viêm ruột thừa, được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa và quan sát khả năng phát triển Parkinson ở những người này trong thời gian ít nhất là 6 tháng sau đó.

Kết quả cho thấy trong số 488.000 người cắt bỏ ruột thừa thì 4.470 người (0,9%) sau đó phát triển bệnh Parkinson. Trong 61,7 triệu bệnh nhân còn lại không bị viêm ruột thừa, chỉ có 177.000 người (0,3%) phát triển bệnh sau đó.

Các phát hiện này gợi ý rằng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson cao hơn gấp 3 lần ở người bị viêm ruột thừa bất kể tuổi tác, giới tính hay chủng người - so với người không bị viêm ruột thừa.

Tuy vậy, đây không phải mối quan hệ mang tính nhân - quả; có nghĩa là nghiên cứu không chứng minh cắt bỏ ruột thừa do viêm ruột thừa sẽ gây ra bệnh Parkinson.

Một sự giải thích cho mối liên hệ này là: Trong quá trình cắt bỏ ruột thừa, một tác nhân đặc biệt - các protein được gọi là alpha-synuclein được phóng thích vào cơ thể và di chuyển đến não. Các protein này hình thành các khối, được gọi là các thể Lewy - dấu hiệu của bệnh Parkinson. Tuy nhiên, lý giải này cũng chỉ mang tính phán đoán, các chuyên gia nói rõ.

Một nghiên cứu năm 2016 phát hành trên tạp chí Movement Disorders cũng có phát hiện tương tự như nghiên cứu mới này: cắt bỏ ruột thừa có liên quan đến nguy cơ cao gấp 10 lần với bệnh Parkinson sau 10 năm phẫu thuật. Nhưng nguy cơ này lại nhỏ hơn nhiều theo nghiên cứu mới này.

Tác giả nghiên cứu nhấn mạnh: Có mối liên hệ giữa phẫu thuật ruột thừa và nguy cơ phát triển bệnh Parkinson nhưng nguy cơ này rất thấp, chưa tới 1% người bị bệnh Parkinson từng cắt bỏ ruột thừa. Và cũng không phải vì lý do này mà bệnh nhân khăng khăng không chịu phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa khi bị viêm ruột thừa.
Trần Trọng Hiếu (theo Live Science)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây