Chứng ra mồ hôi quá nhiều là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, để lâu không chữa ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của trẻ. Sau đây xin giới thiệu một số món ăn, bài thuốc có tác dụng phòng trị.
Nếu trẻ đêm ngủ thường ra nhiều mồ hôi, khi sờ thấy nóng, tiểu vàng, cầu táo là do âm hư nội nhiệt (đạo hãn). Phép trị chủ yếu bổ âm liễm hãn. Tốt nhất nên ăn món ăn bài thuốc có tác dụng dưỡng âm huyết liễm mồ hôi như sau:
- Bài 1 (canh trai lá dâu): Lá dâu non 30g, thịt trai đồng khoảng 30g, gia vị mắm muối vừa đủ, tuần ăn vài lần.
- Bài 2 (cháo canh trai): Thịt trai đồng 50g, gạo nếp 50g, gia vị vừa đủ nấu ăn.
- Bài 3 (cháo lươn): Thịt lươn làm sạch 50g, gạo nếp sao thơm 50g, gia vị vừa đủ nấu nhừ ăn.
- Bài 4 (ngọn bí xào): Ngọn bí 100g, cật heo làm sạch 50g, gia vị vừa đủ xào ăn.
- Bài 5 (vịt tiềm bài lục vị): Thục địa 12g, hoài sơn 12, sơn thù 10g, phục linh 10g, đơn bì 8g, trạch tả 6g tiềm ăn hoặc sắc uống.
Ngoài ra, tăng cường ăn các món chế biến chủ yếu như hoa lý, bông, ngọn bí, nhộng tằm, rau ngót, đậu đen, mè đen, nấm mèo, lá dâu, trái cây dâu tằm, dâu tây, măng cụt, táo là vị bổ âm liễm hãn đều tốt.
Nếu trẻ khi khi ngủ hoặc chơi đùa mồ hôi chảy đầm đìa, người lạnh, da nhợt nhạt do dương hư (tự hãn), phép trị chủ yếu bổ dương liễm mồ hôi. Tốt nhất nên ăn món bổ dương liễm hãn gồm:
- Bài 1 (cật heo nấu cháo): Cật heo làm sạch thái lát 50g, gạo nếp 50g, thêm gia vị vừa đủ nấu cháo ăn tuần vài lần.
- Bài 2 (thịt dê tiềm): Thịt dê 50g, cà rốt 50g, khoai mài 50g tiềm ăn.
- Bài 3 (chim sẻ nấu cháo): Chim sẻ làm sạch 2 - 3 con, gạo nếp 50g nấu cháo ăn.
- Bài 4 (bông bí quấn thịt dê): Bông bí 50g, thịt dê 50g, cà rốt 50g thêm hành, gừng băm nhỏ nhồi vào bông bí hầm nhừ ăn.
- Bài 5 (chim cút hầm đậu đen): Chim cút làm sạch 1 con, đậu đen xanh lòng 50g, gừng nướng 12g tiềm ăn.
- Bài 6 (thận heo hầm liên tu): Thận heo 1 cái bổ đôi bỏ gân trắng 50g, liên tu (tua hoa sen) 10g, ngũ vị tử 10g, khiếm thực 10g ,gia vị bỏ vào giữa khâu lại tiềm nhừ ăn.