Thông thường, người ta không thể giữ mãi một tư thế ngủ suốt đêm, kết quả thống kê cho thấy: mỗi đêm, người ta thường trở mình từ 20 - 45 lần. Tuy nhiên, theo thói quen, mỗi người vẫn có một tư thế nằm ngủ chủ đạo, có người nằm thẳng đơ, có người thích nằm sấp úp mặt vào gối, có người nằm co như con tôm hoặc nằm giang tay duỗi chân hoặc khoanh tay lên ngực mà ngủ. Vậy, tư thế nằm ngủ nào là có lợi nhất cho sức khỏe?
Dân gian có câu: “Đứng như tùng, ngồi như chuông, nằm như cung”, nghĩa là dù bất cứ trong trạng thái nào người ta cũng phải giữ được cho mình một tư thế tốt nhất. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử đã khuyên là “tầm bất thi” (không nằm như xác chết). Sách Thiên kim yếu phương cũng viết: “Co gối nằm nghiêng, lợi cho khí lực”. Theo các nhà dưỡng sinh cổ truyền, tư thế nằm ngủ tốt nhất là nằm ngiêng về bên phải, thân thể co tự nhiên. Bởi lẽ, với tư thế này cơ bắp toàn thân được thư giãn triệt để, các cơ quan tạng phủ luôn được giữ trong vị trí tự nhiên, khí huyết lưu thông được dễ dàng nhất, rất có lợi cho việc giải trừ mệt mỏi, phục hồi và nâng cao sức khỏe.
Nếu nằm ngủ ở tư thế ngửa hay sấp, thân mình và hai chân luôn ở vị trí duỗi thẳng, khi đó cơ bắp không được thư giãn đầy đủ. Vả lại, khi ngửa mặt lên, lúc ngủ say, cuống lưỡi sẽ hạ xuống, nước bọt dễ lọt vào khí quản gây ho sặc hoặc tạo ra tiếng ngáy rất khó chịu cho người khác. Khi nằm sấp, ngực bị đè ép khiến cho hoạt động của tim và phổi không được thuận lợi, mũi bị gối lấp kín buộc người ta phải nghiêng đầu sang một bên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh chứng lạc chẩm (vẹo cổ, đau gáy). Với trẻ em, tư thế nằm sấp khi ngủ trong một thời gian dài khiến cho xương mặt dễ bị biến dạng ảnh hưởng đến thẩm mỹ do xương mặt và vòm họng của chúng chưa phát triển đầy đủ. Nếu nằm nghiêng bên trái, tim bị đè nén ảnh hưởng đến tuần hoàn và với người có bệnh lý dạ dày thì bệnh lâu khỏi, thậm chí có thể nặng lên.
Tuy nhiên, tư thế nằm ngủ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố sinh bệnh lý. Ví như, phụ nữ có thai không nên nằm ngửa vì với tư thế này tử cung sẽ đè lên các tĩnh mạch làm cho lượng máu về tim giảm đi khiến lượng oxy cung cấp cho não cũng theo đó suy giảm làm phát sinh các chứng tức ngực, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, thậm chí tụt huyết áp; người bị bệnh tim nặng, viêm khí phế quản, hen phế quản chỉ có thể chọn tư thế nửa nằm nửa ngồi; người bị bệnh viêm gan cấp tính có triệu chứng đau âm ỉ vùng hạ sườn phải thì buộc lòng phải chọn tư thế nằm ngủ nghiêng về bên trái...
Hướng nằm ngủ thế nào là tốt nhất?
Theo Đông y, để làm đúng phép dưỡng sinh, trước hết cần tránh nằm ngủ đầu quay về hướng bắc. Bởi lẽ, phương bắc là dương ở trong dương, thuộc hành thủy, chủ hàn, trong khi đó đầu người lại là nơi hội tụ của các kinh dương, nơi chứa đựng nguyên thần. Nếu nằm quay đầu về hướng bắc thì khí âm hàn sẽ làm tổn thương phần dương của cơ thể. Chương Đạo tâm dưỡng sinh sách Thiên kim yếu phương viết: “Đừng nằm quy đầu về hướng bắc và chớ đặt giường phía tường bắc”. Sách Lão lão hằng ngôn cũng viết: “Chớ nằm quay đầu về hướng bắc nhằm tránh khí âm”.
Thứ nữa, theo quan điểm “thiên nhân tương ứng” của y học cổ truyền phương Đông, nên chọn hướng nằm ngủ theo mùa mà thuận theo tự nhiên. Ví như, khí của mùa xuân vượng ở phương đông thì mùa này nên nằm ngủ nên quay đầu về hướng đông. Tương tự như vậy, mùa hè nằm đầu quay về hướng nam, mùa thu quay về hướng tây và mùa đông quay về hướng bắc.
Cuối cùng, như sách Bảo sinh tâm giám viết: “Nằm ngủ, xuân hè nên quay đầu về hướng đông, thu đông nên quay về hướng tây. Cơ sở của lý thuyết này dựa theo nguyên tắc dưỡng sinh trong y thư cổ Hoàng đế nội kinh: “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa xuân và mùa hè, dương khí thịnh vượng, khí dương bốc lên, mà phương đông thuộc dương chủ thăng, đầu quay về hướng đông nhằm ứng với khí bốc lên mà dưỡng dương. Mùa thu đông thuộc âm, âm khí thu tàng, tiềm ẩn, mà phương tây thuộc âm chủ về giáng, nằm quay đầu về phía tây nhằm ứng với khí thu về mà dưỡng âm.
Giấc ngủ có ý nghĩa như thế nào?
Theo Đông y, giấc ngủ chính là một trong những nhân tố hết sức quan trọng để duy trì cân bằng âm dương trong nhân thể. Ban ngày thức là dương, ban đêm ngủ là âm, ngày đêm âm dương cân bằng thì mới đem lại sức khỏe sinh lý cho con người. Nhờ đó mà cơ thể mới mới sinh trưởng đầy đủ, các tạng phủ được nghỉ ngơi, giải trừ mệt mỏi, khôi phục sức khỏe sau một ngày hoạt động và làm việc mệt mỏi. Nếu dương thịnh gây mất ngủ, âm thịnh gây ngủ nhiều, vệ khí vận hành trái thường đều trái với quy luật của tự nhiên, khiến khí huyết, cơ quan tạng phủ, đặc biệt là tạng tâm và não, lâm vào tình trạng rối loạn, từ đó là khởi nguồn phát sinh các tật bệnh khác nhau.