1. Cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ sau khi ăn
Hầu như mọi thức ăn đều có chứa một lượng glucose nhất định. Rất nhanh sau khi thức ăn vào dạ dày, số glucose này sẽ đi vào máu và phát tín hiệu cho tuyến tụy tiết ra thêm insulin - một hormone giúp đưa glucose vào tế bào. Nhưng quy trình này sẽ bị rối loạn khi lượng đường mà bạn ăn vào quá nhiều, khi đó tế bào sẽ từ chối tiếp nhận và gần như trơ với insulin, trong khi tụy vẫn tiếp tục tiết insulin. Tình trạng quá tải này gây hiệu ứng ức chế lên hệ thần kinh dẫn tới cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ. Nếu cảm giác này xuất hiện thường xuyên sau mỗi bữa ăn, chính là dấu hiệu cho thấy đã có hiện tượng kháng insulin lặp lại.
Xử trí: Bạn có thể giảm sự quá tải về chuyển hóa glucose theo hai cách. Đầu tiên, tránh ăn những thực phẩm chứa quá nhiều đường đơn glucose (bánh kẹo, mứt, nước ngọt). Thay vào đó, bạn nên ăn những thực phẩm tự nhiên (như hạt ngũ cốc, rau cải, trái cây), nhằm trì hoãn sự phân hủy đường khi tiêu hóa. Cách khác là tạo ra thói quen vận động nhẹ sau bữa ăn: thay vì nằm yên một chỗ xem tivi, bạn có thể đi bộ hoặc rửa chén…
2. Cảm giác ghiền ăn vặt
Những thức ăn vặt như khoai chiên, bánh snack, sôcôla… đều rất ngon miệng và kích thích sự thèm ăn, bạn sẽ càng muốn ăn nhiều hơn. Nhưng chúng cũng chứa rất nhiều đường. Sự kết hợp giữa hai yếu tố: thói quen ăn liên tục và lượng đường cao sẽ tạo nên vòng lặp lẩn quẩn của chuỗi đáp ứng “tăng đường – tăng insulin” trong máu. Cơ thể phải liên tục trải qua những cơn “no đường” thoáng qua, rồi nhanh chóng bị “đói đường” dẫn tới thèm ăn vặt nhiều hơn nữa.
Xử trí: Bắt buộc phải bỏ thói quen ăn quà vặt, dù đây là một thử thách với các bạn. Bạn có thể vượt qua cơn ghiền bằng cách thay thế những món ăn đó với những thứ cùng kích thước và mùi vị nhưng an toàn hơn cho sức khỏe, ví dụ trái cây, đậu, cà rốt tươi…
3. Thừa cân
Sự liên hệ giữa béo phì và bệnh tiều đường là một điều xưa như trái đất, nhưng sự thật là đa số người ăn kiêng chỉ chú tâm đến lượng calorie trong bữa ăn chứ chưa hiểu được quan hệ tương tác giữa đường và mỡ. Khi tế bào không dung nạp đường nữa, cơ thể sẽ chuyển sang năng lượng từ mỡ, và tích trữ mỡ là khó tránh khỏi.
Xử trí: Khi bạn bị thừa cân, không nên quá lo lắng về việc giảm cân, thực ra bạn không cần phải làm biến mất ngay lập tức số cân nặng này. Chỉ cần giảm được 5-7% trọng lượng là có thể giảm 60% nguy cơ của bệnh tiểu đường.
4. Hình dáng cơ thể
Kiểm soát cân nặng dĩ nhiên là quan trọng, nhưng có lẽ ít người biết sự tích trữ mỡ cục bộ trên một số vùng của cơ thể có sự liên hệ nhiều hơn với tình trạng kháng insulin và tiền tiểu đường. Thật vậy, tăng lượng mỡ ở vùng eo và bụng sẽ nguy hiểm hơn là mỡ ỡ những vùng thấp hơn như đùi và chân. Những người có nhiều mỡ bụng thường có nguy cơ bị cao huyết áp, bệnh tim mạch và tiểu đường.
Xử trí: Ngoài việc ăn kiêng, nên tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày để tránh nguy cơ tiểu đường, đặc biệt các bài tập ở bụng. Tập thể dục có lợi ích kép là làm giảm mỡ và phát triển cơ bắp, làm tăng lượng enzyme chuyển hóa glucose cho tế bào cơ.
5.Cao huyết áp
Phần lớn người có triệu chứng cao huyết áp thường chỉ lo nghĩ về vấn đề tim, mạch máu của họ, nhưng không biết rằng có sự liên hệ giữa lưu thông mạch máu và rối loạn chuyển hóa đường. Tăng inslulin và đường huyết là một yếu tố bệnh lý góp phần tạo ra tình trạng viêm trong mạch máu, làm thay đổi cấu trúc và tính đàn hồi của mạch máu tạo cản trở cho dòng máu lưu thông. Vì vậy, tăng huyết áp có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Nguồn tin: PNO
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự