Theo y học cổ truyền, thịt quả trắng của mãng cầu xiêm vị dịu, hơi ngọt, chua giống mùi na, có tính giải khát, bổ dưỡng. Quả xanh làm săn da. Hạt sát trùng. Lá làm dịu. Để làm thuốc theo kinh nghiệm dân gian thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Ví dụ như: Thịt quả pha thêm nước và đường, rồi đánh như đánh trứng gà làm thành một loại sữa dùng để giải khát, bổ mát và chống hoại huyết. Cũng thường dùng tươi làm kem sinh tố với các loại quả khác. Quả xanh, phơi khô tán bột dùng trị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa và cắt sốt rét.
Một số bài thuốc kinh nghiệm dân gian:
- Phòng ngừa tăng huyết áp: Lấy lá mãng cầu xiêm 20g rửa sạch, để ráo nước hãm uống thay trà hàng ngày rất tốt giúp ngừa huyết áp.
- Giảm đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết: Lấy một nắm lá mãng cầu rửa sạch giã nát đắp lên chỗ đau nhức sau đó băng lại, 3 tiếng thay băng một lần, đắp liền 3 ngày.
- Chữa mất ngủ: Lá non mãng cầu xiêm có thể dùng làm gia vị nấu ăn hoặc hãm uống vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ ngủ ngon.
- Trừ chấy rận: Lấy hạt mãng cầu giã nhỏ lấy nước gội đầu, gội liền 3 ngày.
- Hỗ trợ điều trị sốt rét: Lá mãng cầu xiêm 10-15 lá, giã vắt lấy nước cốt uống một lần. Ngày uống 4 lần.
Thời gian gần đây, một số thông tin cho rằng mãng cầu xiêm chữa được ung thư nhưng chưa thấy tài liệu nào đề cập về vấn đề trên. Vì vậy, bà con không nên tùy tiện áp dụng.
Trước khi áp dụng các bài thuốc từ thảo dược cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, nhà chuyên môn có kinh nghiệm để tránh những tác dụng ngoài mong muốn.
Nguồn tin: Bác sĩ Nguyễn Thị Hương
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự