Thực chất, thuốc bảo vệ thực vật là các loại hoá chất do con người sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng. Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật cũng có rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người kể cả khi sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Chết ngay tức khắc
Đó là khi con người tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu như uống để tử tự thì sẽ gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là chết ngay tức khắc nếu không phát hiện và sơ cứu kịp thời.
Thực tế đã chứng minh, không hiếm những vụ chỉ vì ức chế công việc hay bất mãn với chuyện tình cảm mà dùng thuốc trừ sâu để tự tử và dẫn đến cái chết đau lòng. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đ.D. (17 tuổi, quê Thanh Hóa) chỉ vì bố cho thiếu 100.000 đồng đã tìm đến thuốc diệt cỏ tự tử.
Ông Nguyễn Đình C. – bố bệnh cho biết, do nghèo khó, gia đình chỉ còn 400.000 đồng cho con mua đồ dùng chuẩn bị năm học mới nhưng cháu nhất quyết không nghe, đòi bằng được 500.000 đồng. Trong lúc tức giận, anh C. buột miệng mắng con, không ngờ D. nghĩ quẩn, tìm đến cái chết. Sáng 29/7, trong lúc không có ai ở nhà, D. vào bếp lục trong đống thuốc trừ sâu lấy ra hai gói thuốc diệt cỏ uống. Bố mẹ phát hiện, tá hỏa đưa D. đi cấp cứu ở BV tỉnh, sau đó chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).
Thông tin từ Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, gần đây số ca nhập viện vì ngộ độc hóa chất trừ sâu, hóa chất diệt cỏ có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói là tình trạng ngộ độc các loại hóa hầu hết là nam nữ thanh niên có ý định tự tử do buồn bã chuyện tình cảm, chán đời vô cớ hay cờ bạc, cá độ dẫn đến nợ nần túng thiếu, tuyệt vọng...
TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, hóa chất diệt cỏ paraquat được xếp vào nhóm chất cực độc, tỷ lệ tử vong rất cao. Song, tình trạng ngộ độc loại hóa chất này lại có chiều hướng gia tăng và “thủ phạm” tiếp tay cho các ca tự tử ngày càng gia tăng cũng bắt nguồn từ việc quản lý, sử dụng bừa bãi hóa chất trừ sâu.
Không những thế, người nào may mắn cứu chữa kịp thời thì cũng phải chịu đựng những tổn thương rất lớn về gan, thận, đặc biệt là biến chứng xơ phổi. Hiện nay, các phương pháp điều trị được áp dụng là lọc máu hấp phụ độc chất phối hợp uống các thuốc ức chế miễn dịch chống xơ phổi. Tuy nhiên, với những nạn nhân nhập viện muộn hoặc uống nhiều thì gần như vô phương cứu chữa (tỉ lệ tử vong của loại bệnh này vẫn lên tới 80%).
Cái chết từ từ
Những người tự tử bằng thuốc trừ sâu có thể mất mạng ngay tức khắc, nhưng con số này thực tế không nhiều. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu ra môi trường rồi gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người thì lại là một điều đáng báo động. Tuy không gây ra cái chết ngay tức khắc nhưng đây là cái chết từ từ và chết nhiều thế hệ.
Điển hình gần đây nhất đang khiến dư luận hết sức bất bình là việc Công ty CP Nikotex Thanh Thái (Thanh Hóa), chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất nhiều năm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân sống quanh khu vực này.
Thùng phuy hóa chất trừ sâu Công ty CP Nikotex Thanh Thái chôn dưới lòng đất. Ảnh: Lao Động
Nói về mức độ nguy hiểm đến sức khỏe của việc chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) trả lời trên báo Lao Động cho biết: “Tất cả các loại thuốc BVTV được phép sử dụng ở VN đều rất độc hại nếu không được xử lý đúng quy trình. Nếu bị phát tán ra môi trường, đặc biệt khi bị chôn dưới lòng đất sẽ dễ dàng ngấm vào nguồn nước hoặc dễ dàng phát tán trong không khí, gây ô nhiễm không khí.
Khi trực tiếp tiếp xúc với da sẽ gây kích ứng da, gây dị ứng hoặc các bệnh lý về da liễu rất phức tạp. Nhưng trên hết vẫn là sự nguy hiểm về ô nhiễm nguồn nước, bởi khi đã ngấm vào nguồn nước thì rất khó xử lý và gây tác hại khủng khiếp, khôn lường đến sức khỏe người dân về lâu dài”.
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Hồng, GS-TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, khẳng định: “Việc chọn thuốc trừ sâu dưới lòng đất sẽ gây rò rỉ và nhiễm độc nguồn nước dưới đất, ảnh hưởng nguy hiểm đến thủy sinh và lan truyền theo mạch nước ngầm vào nguồn nước cấp sinh hoạt cho dân cư cả vùng rộng lớn. Nhiễm độc thuốc trừ sâu - nhất là những kho thuốc không xử lý tiêu hủy đúng cách - có thể gây nguy hiểm lâu dài, nhiều thế hệ”.
Đối với những người nông dân, khi trực tiếp tiếp xúc với thuốc trừ sâu cũng phải hết sức cẩn thận, vì khi phun nếu hít phải chất độc từ thuốc sẽ rất dễ gây ngộ độc qua đường hô hấp hoặc kích ứng da.
Bởi thế, khi sản xuất, sử dụng và tiêu hủy thuốc trừ sâu cần phải có quy trình, có khoa học sử lý vừa để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng vừa nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.