Nhiều nhà cung cấp vitamin E bổ sung thì cho rằng loại vitamin này có tác dụng phòng ngừa ung thư, bệnh tim mạch và bệnh Alzheimer cũng như tốt cho thị lực và da.
Các nghiên cứu trước đây chưa được thiết kế và tiến hành một cách kỹ lưỡng, cho rằng vitamin E bổ sung (vitamin E supplements) có tác dụng chủ yếu là giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Một vài nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sau này cho thấy liều dùng bổ sung vitamin E cao có thể gây hại cho cơ thể.
Dưới đây là một vài nghiên cứu quan trọng về tác dụng của vitamin E đã được các chuyên gia tiến hành, cụ thể là:
1 - Về tác dụng đối với bệnh tim mạch và đột quỵ của vitamin E bổ sung
Năm 2008, nghiên cứu do tổ chức Physicians’ Health tiến hành trên 14.000 nam bác sĩ với liều dùng bổ sung vitamin C hoặc E cao trong 8 năm. Kết quả cho thấy cả 2 sự bổ sung này đều không có tác dụng giúp giảm đột quỵ hoặc các bệnh tim mạch.
Trái lại, vitamin E còn làm tăng nhẹ nguy cơ đột quỵ do xuất huyết (hemorrhagic strokes). Một nghiên cứu khác sau đó, vào năm 2010 khẳng định nguy cơ gia tăng này là khoảng 22%.
2 - Vitamin E bổ sung có giúp sống lâu?
Theo các thống kê từ nghiên cứu trên gần nửa triệu người, thì các bổ sung chống oxy hóa như vitamin E, beta carotene, vitamin C và selenium không giúp kéo dài tuổi thọ hay bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Theo một nghiên cứu do Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) tài trợ năm 2007, các vitamin bổ sung trong đó có vitamin E không có tác dụng bảo vệ cơ thể. Người hút thuốc lá bổ sung viên vitamin E có thể có nguy cơ mắc ung thư phổi. Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng các bác sĩ khuyên người nghiện thuốc lá nên cẩn trọng khi uống bổ sung vitamin.
3 - Tác dụng chống ung thư tiền liệt tuyến
Năm 2011, NCI cũng tài trợ kinh phí cho một nghiên cứu để xác quyết xem vitamin E có tác dụng chống ung thư tiền liệt tuyến hay không. Theo kết quả từ các nghiên cứu trước đó, các chuyên gia không tìm thấy lợi ích hay tác hại nào từ việc dùng bổ sung vitamin E.
Tuy nhiên, nghiên cứu này gây ngạc nhiên vì 35.533 nam giới khỏe mạnh dùng bổ sung vitamin E thật sự có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn các nam giới khác. Nói chung, có ít thử nghiệm lâm sàng khẳng định tính hiệu quả của vitamin E bổ sung đối với cơ thể. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy kết quả tiêu cực hoặc không đi đến kết luận.
Lời khuyên từ các chuyên gia
Tuy nhiên, có một vài trường hợp có thể thảo luận với bác sĩ xem có cần bổ sung vitamin E hay không. Nghiên cứu cho thấy vitamin E bổ sung có thể giúp giảm sự phá hủy gan gây ra do viêm nhiễm từ bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu (NAFLD) mà do béo phì. Tuy nhiên, vẫn chưa có chuẩn điều trị cho bệnh này. Liệu pháp vitamin E cho thấy sự cải thiện với các bệnh nhân có triệu chứng tăng triển nhưng không mắc tiểu đường hoặc xơ gan (cirrhosis).
Đối với các đối tượng bị thoái hóa điểm vàng (nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người trưởng thành) thì vitamin E giúp làm chậm quá trình của bệnh này. Hai thử nghiệm lâm sàng lớn do Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ cho thấy, sự kết hợp các vitamin C, E, beta carotene, lutein và zeaxanthin giúp giảm nguy cơ tăng triển bệnh này lên đến 25%.
Các chuyên gia vẫn khuyên tốt nhất nên hấp thụ vitamin E một cách tự nhiên từ thực phẩm như trong đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại rau cải có lá xanh.
Nếu bạn mắc bệnh NAFLD hay có nguy cơ cao với thoái hóa điểm vàng, hãy xin ý kiến bác sĩ xem có nên dùng vitamin E bổ sung hay không để tránh các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
Trần Trọng Hiếu
(Theo Live Science)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự