Nghiên cứu tiến hành trên 200 người trưởng thành khỏe mạnh, áp dụng các chế độ ăn với mức chất béo khác nhau trong 6 tháng như: chế độ ăn có hàm lượng béo thấp, chế độ ăn có hàm lượng chất béo vừa phải và chế độ ăn có hàm lượng chất béo cao.
Kết quả cho thấy nhóm người có chế độ ăn với hàm lượng chất béo cao có “những thay đổi không mong muốn” về số lượng các vi khuẩn đường ruột và các hợp chất do vi khuẩn đó sản xuất ra, các nhà nghiên cứu cho biết.
Những thay đổi đó đưa đến hậu quả xấu về lâu về dài như tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và gây bệnh tiểu đường tuýp 2. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Đường ruột giữa tháng 2 qua.
Kết quả nghiên cứu này đặc biệt có liên quan đến Trung Quốc và các quốc gia khác với chế độ ăn ngày càng “Tây hóa” so với chế độ ăn truyền thống của quốc gia; có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia phát triển có chế độ ăn giàu chất béo từ thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
Các tiền nghiên cứu cho thấy chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn đường ruột và béo phì có liên quan đến sự sút giảm các loại vi khuẩn đó.
Sau 6 tháng tham gia nghiên cứu, người có chế độ ăn ít chất béo có mức tăng các lợi khuẩn Blautia và Faecalibacterium so với khi mới bắt đầu nghiên cứu; ở nhóm có chế độ ăn hàm lượng béo cao thì các lợi khuẩn này bị giảm xuống về số lượng. Hai lợi khuẩn nói trên giúp sản xuất axit béo butyrate, là nguồn năng lượng quan trọng cho các tế bào và chứa các thành phần kháng viêm - theo các chuyên gia.
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra nghiên cứu, nhóm có chế độ ăn giàu chất béo lại có gia tăng các vi khuẩn Bacteroides và Alistipes có liên quan đến tiểu đường tuýp 2. Và ở nhóm người này cũng có sự gia tăng các chuỗi axit béo được cho là kích thích viêm nhiễm trong cơ thể.
Huệ Trần (theo Live Science)