Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng (Phó khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim Hà Nội), cho biết số lượng người mắc bệnh ngày càng có chiều hướng gia tăng theo từng năm và trẻ hóa về độ tuổi. Trước kia, bệnh lý thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên ngoài 40. Hiện tại, nhiều đối tượng mắc bệnh ở độ tuổi rất trẻ.
Tắc động mạch vành là một tổn thương mạch máu mạn tính, tiến triển theo thời gian. Mạch vành chính là mạch máu nuôi tim. Thực tế, mỗi người đều có 3 loại mạch máu: động mạch liên thất trước, động mạch mũ, động mạch vành phải. Về cơ bản các động mạch này cấp máu độc lập với nhau cho mỗi vùng cơ tim. Theo thời gian kết hợp với các bệnh lý thứ phát như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc mỡ máu, các mạch máu sẽ dần dần biến đổi từ bình thường, hẹp nhẹ, hẹp vừa, hẹp nặng đến tắc hoàn toàn.
Khi tắc mạch, vùng cơ tim chi phối sẽ không được nuôi dưỡng, dẫn đến chết cơ tim. Bác sĩ Hưng nhấn mạnh nếu không tái thông mạch máu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị rối loạn nhịp gây nguy hiểm tính mạng hoặc suy tim.
Thậm chí, sau khi vượt qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân vẫn có thể phải gánh những hậu quả nghiêm trọng do bệnh tiến triển thành suy tim, trở thành gánh nặng lớn và dai dẳng cho gia đình và xã hội, đặc biệt là những bệnh nhân trong độ tuổi lao động.
Vì vậy, việc phòng, tránh và phát hiện sớm đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là ưu tiên hàng đầu. Thực đơn gồm cá, rau, củ, quả luộc hoặc hấp sẽ giúp trái tim khỏe mạnh
Theo bác sĩ Hưng, bữa ăn cần phối hợp nhiều loại thực phẩm nhưng phải cân đối 4 nhóm: đạm, đường, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Cụ thể:
- Ăn nhiều rau, quả và ngũ cốc. Tuy nhiên, riêng với hoa quả, nên hạn chế chọn loại có độ đường cao.
- Tăng cường các loại thực phẩm tươi. Ăn nhiều rau củ, giảm thịt, ưu tiên các loại thủy sản.
- Ăn các loại cá, có chứa Omega 3. Đối với thịt, nên chọn loại thịt trắng, không có mỡ. Thịt gia cầm nên bỏ da vì chứa nhiều cholesterol.
- Tránh nội tạng động vật, tiết canh và đồ ăn nhanh.
- Nên ăn giảm mặn, giảm mỡ, tăng các món luộc và hấp, giảm các món xào và nấu.
- Thay thế dầu động vật bằng dầu thực vật trong chế biến.
- Hạn chế tối đa sử dụng các loại nước ngọt, nước có ga, đồ uống chứa cồn.
- Không ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều năng lượng, đặc biệt là những loại chứa hàm lượng đường cao như bánh, mứt, kẹo.
- Thay đổi lối sống để phòng tránh hẹp, tắc động mạch vành nuôi tim.
Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng. Ảnh: BSCC
Ngoài ra, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý. Cân nặng nên có BMI ở ngưỡng 20; 22 là tốt nhất. Chỉ số BMI được tính bằng cách lấy trọng lượng cơ thể theo kilogam chia cho bình phương chiều cao tính theo mét.
"Hút thuốc lá, thuốc lào cũng làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch. Do đó, muốn phòng bệnh, chúng ta buộc phải bỏ thói quen có hại cho sức khỏe này và tránh hút thuốc lá thụ động, nhất là những bệnh nhân đã làm can thiệp hoặc mở động mạch vành", bác sĩ Hưng cho hay.
Căng thẳng trong cuộc sống và công việc cũng là một yếu tố khiến mạch máu dễ tổn thương hơn, dễ trở nên mất ổn định dẫn đến tình trạng tắc mạch vành cấp cứu. Do đó, chúng ta nên làm những công việc giúp giảm căng thẳng như tìm niềm vui trong âm nhạc, thay đổi không khí hay tham dự lớp yoga để nâng cao khả năng chịu đựng stress và nâng cao tinh thần.
Bên cạnh đó, hãy tập thể dục đều đặn, vừa sức. Những hoạt động như chơi đá bóng, bơi, tennis giúp mình giao lưu, giải tỏa căng thẳng và tăng cường kết nối với mọi người.
Luyện tập thể dục, thể thao sẽ cải thiện độ nhạy cảm của insulin, giúp kiểm soát chỉ số đường huyết, làm cơ rắn chắc và cải thiện chức năng tim mạch. Nếu muốn biết mức độ như thế nào là phù hợp, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được kiểm tra và nghe tham vấn cụ thể. Tuy nhiên, đối với những người khỏe mạnh, bạn nên tập khoảng 30 phút mỗi ngày đối với một bài tập trung bình và tập ít nhất 3-5 lần/tuần.
"Mọi người nên thăm khám định kỳ. Nếu còn trẻ, thời gian có thể là 6 tháng/lần. Trong khi đó, trung niên là 3-6 tháng/lần. Đặc biệt, nếu cơ thể có những triệu chứng như cơn đau thắt ngực và đau khi gắng sức nhưng nghỉ ngơi thì hết đau, mọi người phải đến các trung tâm tim mạch khám, chụp và chẩn đoán về hình ảnh học động mạch vành để có hướng xử lý phù hợp", vị chuyên gia cho lời khuyên.
Đối với những người mắc bệnh huyết áp, tiểu đường hoặc mỡ máu, cách tốt nhất là điều trị những bệnh lý nền theo đúng quy trình đạt tiêu chuẩn. Chúng ta cần cố gắng để môi trường mạch máu của mình ổn định và an toàn theo những khuyến cáo chuyên môn.