Thực phẩm bổ sung ngày càng được nhiều người lựa chọn nhưng đôi lúc nó lại phản tác dụng và gây ra những hậu quả khôn lường như trường hợp của ông Jim McCants, đến từ Dallas, Texas, Mỹ.
Ông Jim vốn là một người đàn ông khỏe mạnh. Ngoài độ tuổi 50, ông Jim vẫn không ngừng cải thiện lối sống và giảm cân, tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe.
Thế nhưng, ngay sau lễ tốt nghiệp của con trai, ông Jim đã phải nhập viện vì nghi ngờ bị tổn thương gan. Để rồi đây, ông Jim phải ngồi trên giường bệnh, ngắm nhìn bằng tốt nghiệp trung học của cậu con trai út với những cảm xúc lẫn lộn.
Con đường từ thực phẩm bổ sung tới hỏng gan, hư thận
Quay ngược thời gian ngày ông Jim cùng vợ là Cathleen tới lễ tốt nghiệp của con trai. Ngồi trong giảng đường chưa bao lâu, bà Cathleen quay sang nhìn chồng và vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy sắc mặt khó coi của chồng.
"Cô ấy nói ‘Anh có ổn không?’ Tôi nói ‘Anh ổn mà, sao em lại hỏi như vậy?’ Vợ tôi nói rằng da mặt tôi có màu vàng, đôi mắt cũng màu và trông thật khủng khiếp. Khi tôi nhìn vào gương, tôi cũng bị khuôn mặt đó làm cho khiếp sợ", ông Jim nhớ lại.
Ngay sau lễ tốt nghiệp của con trai, ông Jim đã phải nhập viện do nghi ngờ bị tổn thương gan. Tuy nhiên, khi xác định nguyên nhân gây tổn thương gan của ông Jim, khả năng do bia rượu gây ra đã bị loại bỏ đầu tiên.
"Trong 30 năm qua, tôi uống 6 lon bia trong 1 năm và không hề đụng tới giọt rượu nào. Vì vậy, bia rượu không thể là một phần trong cuộc sống của tôi", ông Jim nói.
Thuốc uống theo toa cũng bị loại bỏ vì ông không dùng và ông cũng chưa bao giờ hút thuốc. Sau đó, bác sĩ chuyên khoa về gan hỏi ông Jim về thuốc bổ không được kê đơn. Đến lúc này, nguyên nhân khiến ông Jim hỏng gan mới được phơi bày.
Theo đó, cho tới thời điểm bị chẩn đoán hỏng gan, ông Jim đã sử dụng một chất bổ sung chiết xuất từ trà xanh được khoảng 2-3 tháng, vì nghe nói rằng nó có lợi cho tim mạch.
Chất bổ sung này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây và liên tục được quảng cáo, vì lợi ích chống oxy hóa và khả năng hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa ung thư.
Ông Jim chia sẻ: "Tôi cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt. Tôi đi bộ hoặc chạy bộ 5-6 ngày/tuần và mỗi lần kéo dài từ 30-60 phút. Tôi tham gia 2-3 lớp học vào ban đêm hoặc cuối tuần.
Điều này quả thật là một cú sốc đối với tôi vì tôi trước đó chỉ nghe về những lợi ích của thực phẩm bổ sung này. Ngoài ra, tôi không hề biết thêm thông tin gì khác".
Sau khi nhập viện, ông Jim luôn trong trạng thái lo âu, thấp thỏm khi phải chờ đợi kết quả của một loạt các xét nghiệm máu để xác định mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan. 3 tuần sau khi phát hiện thấy bệnh, bác sĩ thông báo tin dữ tới ông Jim rằng ông cần phải được ghép gan khẩn cấp.
"Điều này phải diễn ra nhanh chóng. Anh có vài ngày để tiến hành phẫu thuật nhưng không quá một tuần", ông Jim dẫn tới bác sĩ.
Nhưng may mắn mỉm cười với ông Jim khi chỉ sau một ngày nhận được thông báo từ bác sĩ, ông đã tìm được gan phù hợp để cấy ghép. Ca ghép gan thành công và cứu được mạng sống của ông Jim.
Thế nhưng, 4 năm sau đó, ông Jim vẫn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe bao gồm cả bệnh thận, có thể ông sẽ phải chạy thận và cấy ghép thận trong tương lai. Hiện ông Jim phải đi khám gan và thận định kỳ 2 lần/năm và sống với những cơn đau bụng kinh niên.
"Cuộc sống của tôi trước đây khá tích cực nhưng bây giờ, tôi ít vận động hơn và phải vật lộn với sự mệt mỏi mỗi ngày", ông Jim than thở.
Hiện ông Jim đang theo đuổi vụ kiện chống lại công ty Vitacost của Mỹ, công ty đã bán thực phẩm bổ sung chiết xuất từ trà xanh mà ông đã mua. "Tôi hy vọng họ sẽ đặt một nhãn cảnh báo lên sản phẩm, trên trang web để mọi người biết và cân nhắc trước khi mua", ông Jim nói.
Công ty Vitacost không muốn bình luận về vụ kiện này và vụ kiện vẫn chưa có hồi kết. Thế nhưng, cuộc đời ông Jim đã phải bước sang một trang mới tồi tệ hơn kể từ khi ông uống thực phẩm bổ sung chiết xuất từ trà xanh của công ty này.
Nguyên nhân khiến thực phẩm bổ sung chiết xuất từ trà xanh gây tổn thương gan
Nguyên nhân khiến thực phẩm bổ sung chiết xuất từ trà xanh có thể gây hại khi sử dụng một liều lượng nhất định cho một số người là điều mà các nhà khoa học cũng không thể trả lời chắc chắn được.
Bởi cách đây hàng ngàn năm đã có người bị say trà, các chất bổ sung dưới dạng cô đặc của trà xanh được quy đinh ở Châu Âu và Châu Mỹ là một loại thực phẩm, chứ không phải thuốc men.
Điều này có nghĩa là các thử nghiệm cụ thể về tính an toàn vẫn chưa được yêu cầu, vì vậy bằng chứng nói rằng uống thực phẩm bổ sung chiết xuất từ trà xanh gây ảnh hưởng đến sức khỏe là chưa đủ.
Giáo sư Herbert Bonkovsky, trưởng khoa gan tại trường đại học Y Wake Forest ở Bắc Carolina, cho biết: "Nếu bạn uống một lượng trà xanh vừa phải thì chắc chắn sẽ rất an toàn. Nguy cơ mắc bệnh xảy ra ở nhóm đối tượng dùng các chất chiết xuất cô đặc hơn".
Sau đó, mối quan tâm được tập trung vào một thành phần có khả năng độc hại được gọi là Epigallocatechin-3-gallate hoặc EGCG. Đây là hợp chất trong trà xanh, có đặc tính chống oxy hóa và được gọi là catechin.
Mới đây, Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) đã tiến hành đánh giá sự an toàn của trà xanh từ các nguồn thực phẩm. EFSA kết luận rằng catechin từ đồ uống chiết xuất trà xanh là an toàn, nhưng khi dùng như thuốc bổ sung catechin liều cao hơn 800mg mỗi ngày "có thể gây ra những vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe". Tuy nhiên, các quan chức cũng không thể xác nhận liều an toàn.
Theo bbc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự