Theo cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, thì dành dành là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.
Dành dành có tên gọi khác là Chi tử.
Tên khoa học: Gardenia augusta (L.) Merr.
Họ thực vật: Cà phê- Rubiaceae.
Đặc điểm hình thái: Cây bụi phân cành nhiều, cao1-2m, phần thân và cành già có vỏ màu nâu, nứt nẻ; cành non nhẵn.
Lá có cuống ngắn, mọc đối hay vòng 3; phiến lá hình mác, thuôn dần về gốc, đầu tù, nhẵn cả 2 mặt, kích thướ 5-9 x 2-3 cm. Lá kèm gần hình ống, mỏng.
Hoa to, mọc đơn độc ở đầu cành, màu trắng và có mùi thơm. Đài 6 cánh tồn tại cùng quả. Tràng hoa hình ống, đầu xẻ thành 6 cánh hoa hình mác ngược. Nhị 6 đính ở miệng ống tràng; bầu thuôn.
Quả hình trứng đều, có 6 gờ dọc, khi chín màu vàng, cơm quả màu đỏ. Hạt dẹt, nhiều, màu vàng. Một số loài Dành dành khác (Gardenia annamensis Pitard; G. obtusifolia Roxb. ex Kurz; G. stenophylla Merr...) cũng được dùng.
Mùa hoa quả: Hoa tháng 3 - 5; Quả tháng 7 - 9.
Mùa thu hái vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu, khi quả già bắt đầu chín vàng.
Cách thu hái: Hái cả quả, đem về ủ cho chín đều, sau dùng dao tách bỏ vỏ, lấy khối hạt đem phơi hay sấy khô (ở 50 - 60°C). Có trường hợp phơi quả còn cả vỏ, khi dùng mới tách bỏ vỏ.
Phân bố và sinh thái: Ở Việt Nam, cây vốn phân bố tự nhiên rải rác ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra, nhưng nay được trồng ở nhiều nơi khác nhau.
Trên thế giới, dành dành có ở Nam Trung Quốc, Lào và Campuchia... Cây ưa ẩm và ưa sáng. Trong tự nhiên, loài này thường mọc lẫn với các cây bụi nhỏ ở ven bờ ao, bờ kênh rạch, lùm bụi quanh làng hay ở ven đồi cây 28 bụi.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Tái sinh tự nhiên bằng hạt và mọc cây chồi từ gốc sau khi bị chặt. Trồng được bằng hạt và giâm cành.
Bộ phận dùng: Khối hạt hay cả quả khô (Fructus Gardeniae).
Thành phần hóa học: Glucosid tạo ra màu vàng của chi tử là gardenin, khi thủy phân cho phần genin là gardenidin có công thức cấu tạo tương tự như croxitin, hoạt chất của vị thuốc hồng hoa.
Nhóm chất chính và quan trọng trong chi tử là iridioid glycosid như gardosid, shanzhisid, geniposid, acid geniposidic, genipingentiobiosid, scandosid và gardenosid. Ngoài ra chi tử còn chứa tinh dầu.
Công dụng: Dùng Sinh chi tử (quả Dành dành khô) trong các trường hợp sốt cao, co giật, mắt đỏ sưng đau, tiểu ít, nước tiểu đỏ.
Dùng Chi tử (quả dành dành khô) sao vàng để điều trị viêm gan, vàng da, viêm túi mật.
Dùng Tiêu chi tử (quả Dành dành sao đen) trong các trường hợp nôn ra máu, cháy máu cam, tiểu tiện ra máu, đại tiểu tiện ra máu.
Tính vị, quy kinh: Khổ, hàn. Vào kinh Tâm, Phế, Tam tiêu.
Tác dụng: Thanh nhiệt giáng hỏa, lợi tiểu, lương huyết chỉ huyết. Liều lượng, cách dùng: 6 - 9 g/ngày, sắc uống.
Chú ý: Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, tiêu hóa kém, tiêu chảy.
Dành dành là dược liệu có tác dụng hạ đường huyết, chống xơ vữa động mạch, kháng viêm, kháng ung thư, chống oxy hóa, chống huyết khối, kháng khuẩn, chống trầm cảm, bảo vệ thần kinh, gan, dạ dày, võng mạc, thận, da...
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - khuyến cáo, người dân khi muốn sử dụng các loại dược liệu, thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.
Nguồn Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự