Sống lành mạnh có giúp phòng ngừa ung thư 100%?

Thứ hai - 12/10/2020 21:11
Phần lớn mọi người đều cho rằng ung thư là do môi trường và lối sống không lành mạnh. Tuy nhiên có nhiều người thực hiện kiêng cữ tuyệt đối, thể dục thể thao thường xuyên nhưng vẫn mắc bệnh.
Sống lành mạnh có giúp phòng ngừa ung thư 100%?

Chỉ 29% nguyên nhân ung thư do yếu tố môi trường

Việc duy trì một lối sống khoa học với chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý là cần thiết để có được cơ thể khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh trong đó có ung thư. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta miễn nhiễm hoàn toàn với các bệnh ung thư.

Trên thực tế, có nhiều người thực hiện kiêng cữ tuyệt đối, thể dục thể thao thường xuyên, cả đời không hút thuốc, uống rượu nhưng vẫn mắc ung thư.

Theo nghiên cứu mới nhất từ Trung tâm Ung bướu Kimmel Johns Hopkins (Hoa Kỳ), khi tính toán trên 32 loại ung thư thì chỉ 29% nguyên nhân ung thư do yếu tố môi trường còn lại 66% là do lỗi sao chép các ADN ngẫu nhiên và 5% do đột biến di truyền. 

Do đó, với bệnh ung thư, bên cạnh lối sống lành mạnh, chơi thể thao, suy nghĩ tích cực, tránh xa rượu bia thuốc lá, thì khám sàng lọc và phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ý nghĩa của việc phát hiện sớm ung thư

Nếu phát hiện sớm, hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Đối với giai đoạn rất sớm, người bệnh có thể chỉ cần loại bỏ khối u, mà không cần thêm phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, xạ trị… giúp giảm thiểu chi phí điều trị, giảm tác dụng phụ và biến chứng, có thể bảo toàn khả năng sinh sản, không ảnh hưởng đến diện mạo…

Dưới đây là tỷ lệ điều trị thành công và tỷ lệ sống của một số bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm:

- Ung thư đại tràng: Hơn 90% trường hợp ung thư đại tràng có thể sống trên 5 năm nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

- Ung thư vú: Hơn 90% phụ nữ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn, cơ hội sống chỉ còn 6%.

- Ung thư buồng trứng: Hơn 90% phụ nữ chẩn đoán bị ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn cơ hội chỉ còn 5%.

- Ung thư phổi: Ung thư phổi là bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi sẽ sống ít nhất 1 năm sau chẩn đoán, trong khi cơ hội này chỉ còn 14% ở giai đoạn muộn.

Các bước tầm soát ung thư

Khám lâm sàng

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân những thông tin cơ bản về thói quen hàng ngày, dấu hiệu bất thường, tiền sử mắc bệnh của gia đình và bản thân. Sau đó sẽ kiểm tra, tìm kiếm các khối u, hạch bất thường, nốt ruồi,… trên cơ thể người bệnh. Từ đây, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân những xét nghiệm, phương pháp chẩn đoán đặc thù hơn để phát hiện loại ung thư họ có nguy cơ mắc phải. Hiệp hội Ung thư Việt Nam khuyến cáo nên khám lâm sàng thường xuyên để phát hiện sớm ung thư.

Xét nghiệm

Ngoài những xét nghiệm chung như xét nghiệm máu, nước tiểu,... có một số xét nghiệm đặc thù nhằm phát hiện sớm ung thư, được Hiệp Hội ung thư Việt Nam và tổ chức Ung thư Thế giới khuyến cáo như: xét nghiệm định lượng kháng nguyên đặc hiệu (PSA) sàng lọc phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt; định lượng kháng nguyên đặc hiệu CA125 là chất chỉ điểm khối u trong ung thư buồng trứng; xét nghiệm phiến đồ papanicolaou để phát hiện sớm ung thư đường sinh dục dưới như ung thư cổ tử cung; xét nghiệm máu trong phân đối với ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng.

Chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp sàng lọc này giúp bác sĩ thấy được chi tiết bên trong cơ thể, hình ảnh khối u. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh bao gồm:

- Chụp X-quang: Dành cho ung thư dạ dày, ung thư vú. Có khoảng 40% ung thư vú được phát hiện qua chụp X-quang tuyến vú theo số liệu của Hiệp Hội ung thư Việt Nam.

- Siêu âm: Để phát hiện sớm ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt...

- Chụp cắt lớp: Để phát hiện sớm ung thư phổi ,ung thư xương, ung thư tuyến tiền liệt…

Sinh thiết và PET

Sinh thiết là cắt một phần mô ở nơi nghi ngờ ung thư để tìm tế bào ung thư, thường được sử dụng để phát hiện sớm hoặc khẳng định ung thư đối với rất nhiều loại ung thư.

PET là phương pháp chụp Positron Emission Tomograph - chụp cắt lớp phát xạ positron cho kết quả rất tốt trong chẩn đoán ung thư. PET giúp bác sĩ chỉ định điều trị phẫu thuật, xạ trị, hóa trị một cách chính xác và còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị cũng như theo dõi tái phát sau điều trị.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây