Nói đến Vu lan là nói đến tinh thần hiếu đạo và điều này khiến chúng tôi nhớ đến bài kệ:
“Khể thủ tam giới chủ
Đại hiếu Thích Ca Văn
Lụy kiếp báo thâm ân
Tích nhân thành Chánh giác”.
(kinh Vu Lan Bồn Sớ)
Nghĩa là:
Cúi đầu đảnh lễ Bậc Giáo chủ ba cõi
Ngài là bậc Đại hiếu Thích Ca Văn
Đã trải qua nhiều kiếp báo thâm ân
Do nhân duyên đó nay thành Chánh giác.
Bài kệ cho ta thấy rõ tiền thân quá khứ của Đức Phật Thích Ca đã luôn luôn thể hiện trọn vẹn lòng hiếu kính đối với song thân. Chính những gương hiếu hạnh Ngài thực hiện là những nhân tố quan trọng tác thành quả vị Chánh đẳng Chánh giác.
Quay lại lịch sử thời đức Phật còn tại thế, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, một mình ngồi quán sát, Ngài đã thấy và khai thị cho nhân loại biết được tất cả chúng sanh trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều là bà con quyến thuộc, cha mẹ lẫn nhau: “Ta thấy tất cả chúng sinh không ai không phải là cha mẹ của nhau, hoặc ở trong quá khứ, hoặc ở hiện tại, hoặc ở tương lai”. (Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), Tiểu Bộ Kinh).
Lời dạy trên, đức Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy mối tương quan tương duyên giữa muôn loài chúng sanh sống trong vũ trụ này. Chúng ta cần thấy được sự tương quan, tương duyên đó để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, kính trọng và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Vì mọi người, mọi loài đều là bà con, thân bằng quyến thuộc của nhau từ trong muôn kiếp.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vô lượng kiếp về trước cho đến ngày thành Phật, Ngài đã luôn luôn thể hiện tâm hiếu dưỡng với cha mẹ đã sanh ra mình. Phật kể lại trong một đời quá khứ, Ngài làm Thái tử Nhẫn Nhục, đã từng móc hai mắt của mình để hòa với thuốc cho vua cha uống khi lâm bệnh. Rồi Ngài đã từng làm Thái tử Tu-xà-đề, hoan hỷ róc thịt của mình để cung phụng vua cha khi lâm nạn chiến tranh, trên đường hết lương thực. Ngài cũng đã từng hóa sanh làm con chim oanh vũ trên rặng Tuyết sơn, sớm hôm bay khắp rừng cây khóm lá để kiếm thức ăn về nuôi cha mẹ mù.
Tinh thần hiếu hạnh đó, đã biết bao nhiêu kiếp trôi qua Ngài từng thể hiện, khiến cảm động đến cả đất trời. Cho tới kiếp hiện tại, Ngài là Thái tử Tất-đạt-đa, sống đời giàu sang sung sướng trong cung vàng điện ngọc, nhưng Ngài vẫn một mực hiếu thuận với vua cha và Di mẫu. Rồi khi xuất gia tầm đạo chứng thành Phật quả, Ngài đã tìm đến cung trời Đao Lợi để thuyết pháp và giáo hóa mẫu hậu. Ngài còn trở về vương thành Ca-tỳ-la-vệ để thăm và thuyết pháp cho Phụ vương, săn sóc, hầu cận suốt cả tuần lễ khi vua cha lâm bịnh, đồng thời lo tang lễ chu đáo khi vua cha băng hà.
Như vậy ta thấy, đức Thế Tôn, Ngài là bậc Đạo sư của trời người mà vẫn luôn luôn tỏ lòng hiếu kính đối với cha mẹ. Bởi đức Phật đã thấy được tinh thần hiếu đạo là chuẩn mực đạo đức của con người, là thềm thang cho con người bước lên xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển xã hội và có thể nói một cách thấu đáo hơn, hiếu đạo chính là lẽ sống trên đời. Có lẽ sống ấy, đức Phật Thích Ca mới hiện hữu, mở ra trang sử ngát hương giải thoát cho muôn loài chúng sanh. Và từ đó, đức Phật mới dạy: “Ở thời không có Phật, thờ kính cha mẹ tức thờ kính Phật”. (Kinh Đại Tập).
Với xã hội con người ngày nay, dù thời đại khoa học có văn minh, tiến bộ đến mức nào thì con người vẫn là con người và cũng rất cần lẽ sống trên đời. Bên cạnh đó, một sự thật không ai chối bỏ được là đã mang thân người thì nhất thiết ai cũng mang nặng ơn đức sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, người đã sanh ra chúng ta và giáo dưỡng ta thành nhân chi mỹ:
Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.
(Ca dao Việt Nam)
Cho nên, dẫu thời đại nào thì đạo hiếu của con người vẫn phải được đề cao và gìn giữ phát huy. Một xã hội, nếu có nền tảng giáo dục đạo hiếu chuẩn mực thì sẽ tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển, tạo nên nếp sống an vui, hạnh phúc cho mỗi nhà và cho cả xã hội nói chung. Vậy thì chúng ta phải giáo dục muôn người thể hiện tâm hiếu đạo như thế nào để duy trì được lẽ sống trên đời.
Theo lời Phật dạy trong kinh Báo Ân, Ngài đề cập đến cách thức báo hiếu đặc biệt của Phật giáo là hướng dẫn cha mẹ nương theo giới pháp để đoạn trừ gốc rễ của đau khổ. Vì đức Phật đã dạy khổ đau chính là vô minh, là ý niệm tham sân si. Chúng là tác nhân gây đau khổ triền miên cho con người từ đời này đến đời khác. Chỉ có chánh pháp, chỉ có trí tuệ mới giúp cho cha mẹ loại trừ gốc rễ đau khổ và đặc biệt là giúp cho mẹ thấy được lý duyên sanh nhân quả nghiệp báo, từ đó cần nên phát khởi thiện tâm thực hành các thiện pháp, để chuyển nghiệp nhân xấu ác thành an lạc, giải thoát hiện tiền.
Thế nhưng, ở phương diện nầy, nếu chỉ nói rằng bổn phận làm con phải biết hướng cha mẹ tu tập theo chánh pháp, đoạn trừ khổ đau không thôi thì chưa đủ mà còn đòi hỏi sự tu tập ở cả hai phía. Người con trước hết muốn thể hiện đạo hiếu với cha mẹ thì ngay bản thân mình phải biết tu tập theo chánh pháp, xa lìa tham, sân, si và nuôi dưỡng đức tính từ bi, hỷ xã v.v… Như trong kinh Báo Ân, đức Phật đã dạy, người con thể hiện tâm hiếu đạo là nên vì cha mẹ mà thực hành tịnh giới, bố thí và làm các công tác lợi ích cho con người, xã hội. Được như vậy thì khi thể hiện tâm hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ mới đúng chánh pháp, mới là hành động chân thật và dễ gây xúc cảm lòng cha mẹ. Bởi hành động hiếu kính của người con lúc này được xuất phát từ tâm người biết tu tập, biết lìa bỏ tham giận, si mê. Nói chung là người con phải luôn biết cùng cha mẹ xây dựng một cuộc sống bảo đảm hạnh phúc lâu dài trong hiện tại và cả tương lai.
Quả thật, sự thể hiện tâm hiếu kính của người con đối với cha mẹ bằng cách thực hành các thiện pháp, như là giữ gìn nếp sống đạo đức nhân bản, mở rộng lòng bố thí cho tha nhân hay tích cực làm các điều thiện giúp ích mọi người v.v... Đó chính là một phương cách báo hiếu thiết thực, để hỗ trợ cho cha mẹ được ảnh hưởng thiện duyên của con, cũng là nhân tố làm gương mẫu giúp tăng cường và củng cố thiện tâm cho cha mẹ. Vì mối tương ứng tâm lý giữa cha mẹ và con cái thường rất tế nhị và đặc biệt, cho nên con người hay nói “thần giao cách cảm” là vậy. Luồng tâm thức giao cảm giữa cha mẹ và con cái rất dễ dàng cảm thông và ảnh hưởng mạnh mẽ qua lại lẫn nhau. Cho nên hành vi đạo đức của con sẽ rất dễ tác động đến tâm tư, tình cảm của cha mẹ và hành vi đạo đức của cha mẹ chính là mảnh đất tốt để cho con gieo trồng tư tưởng và nhân cách sống, là nơi nuôi lớn con cái thành người hữu dụng.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy, đức Phật đã dạy tất cả chúng sinh là cha mẹ của mình, thì người con Phật, ngoài việc báo đáp thâm ân cha mẹ sanh thành, còn phải biết hiếu kính nhân loại chúng sanh, hay nói gần nhất là thể hiện tâm hiếu kính đối với những người trong xã hội mà hằng ngày chúng ta tiếp xúc. Không những chúng ta chỉ tôn kính mọi người xung quanh mà còn biết truyền bá tư tưởng hiếu đạo đức Phật đã dạy đến cho muôn người, giúp họ cùng học tập, hiểu biết và thực hành phương pháp báo hiếu đúng chánh pháp, đem đến lợi ích cho tất cả những bậc làm cha mẹ còn hiện hữu trong xã hội hiện tại này.
Thực hiện được những hành động đó, là đã biết xây dựng một nền tảng đạo đức cơ bản cho xã hội, là thiết lập được nhân tố chính yếu để duy trì sự sống con người trên tinh thần xây dựng đời sống an vui, hạnh phúc cho mỗi gia đình. Việc giữ gìn giềng mối đạo đức, nêu cao tinh thần hiếu đạo vốn là căn bản đạo đức của đạo làm người, mang đậm tính nhân văn. Là đệ tử Phật, ý thức được tầm ảnh hưởng lớn lao của đạo đức hiếu hạnh chính là duy trì sự sống của xã hội loài người, thì hãy hết lòng nuôi dưỡng và phát huy đạo hiếu, bởi sự hiện diện của cha mẹ là một niềm hạnh phúc vô biên cho sự sống của người con và được đền đáp ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ là điều may mắn hạnh phúc không gì sánh bằng.