Trong xã hội ngày nay, dường như mỗi con người đều khát vọng được sở hữu nhiều thứ hơn mà không nhận ra rằng, chỉ khi lột bỏ tất cả những thứ màu mè bên ngoài, trở lại thực tế, là chính mình, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống giản đơn và thoải mái.
Năm 1845, nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau đến hồ Walden Pond và xây dựng một căn nhà gỗ nhỏ. Sau khi sống tại đó 2 năm, 2 tháng, 2 ngày, ông ngộ ra một đạo lý:
"Nếu như một người có thể thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt cơ bản, người đó có thể thong dong, tự tại và thoải mái hưởng thụ cuộc sống".
Cùng với việc bạn vứt bỏ đi những thứ không cần thiết trong cuộc sống theo định kỳ, bạn sẽ ngày càng nhận ra: Đâu mới là thứ thực sự khiến bạn quan tâm.
Theo đó, 3 thứ mà mỗi chúng ta cần vứt bỏ định kỳ, đó là:
1. Các mối quan hệ xã giao vô bổ
Từng có một lời bình luận như thế này: Đến một độ tuổi nhất định nào đó, con người bắt buộc phải vứt bỏ đi bốn thứ: Những cuộc nhậu vô nghĩa, người không yêu mình, người thân thích nhưng coi thường mình và những người bạn giả dối.
Trong xã hội, hẳn không ít người đã gặp kiểu người cứ mở miệng ra là nói đến bốn chữ "quan hệ xã hội" và sở thích lớn nhất của họ là khoa trương, khoe khoang bản thân có bao nhiêu bạn tốt trên mạng xã hội.
Ghé vào trang cá nhân của những người này sẽ thấy: Hôm nay anh ta đi café ỏ chỗ này, mai đi hát karaoke ở chỗ khác, say đến túy lúy, bất tỉnh nhân sự… cuộc vui nào cũng có mặt anh ta.
Thế nhưng, cái gọi là "quan hệ xã hội" lại chẳng thể nhờ những bữa nhậu như thế mà xây dựng được. Rồi bạn sẽ nhận ra, mối quan hệ xã giao ngốn mất nhiều thời gian và sức lực của mình thật ra là mối quan hệ vô bổ.
Bạn dốc lòng, dốc sức vào mối quan hệ nào đó nhưng cuối cùng cay đắng nhận ra, người ta chẳng hề xem bạn ra gì.
Nếu bản thân bạn không đủ lớn mạnh, các mối quan hệ xã giao kia thực chất cũng chẳng có tác dụng gì. Chỉ có sự trao đổi ngang bằng mới có thể nhận được sự giúp đỡ hợp lý.
Hãy nhớ rằng: Hội nhậu nhiều không có nghĩa là bạn quảng giao. Đừng vì những buổi nhậu vô nghĩa mà làm tổn hại đến sức khỏe cũng như đánh mất rất nhiều cơ hội vui vẻ thực sự của bản thân.
2. Vứt bỏ dục vọng thái quá
Có một cô sinh viên nọ đi chợ sinh viên, thấy cửa hàng quần áo đang giảm giá mạnh. Chỉ chưa đầy 50 NDT đã có thể mua được hai chiếc áo phông. Trở về phòng, cô hí hửng khoe với bạn: "Cậu xem, chưa đến 30 NDT đã mua được một cái áo, không thể rẻ hơn được nữa."
Nhưng cô nữ sinh đó đã không nhìn ra vấn đề sâu, xa hơn, là chỉ tính tiền thuê nhân công và mua nguyên liệu thôi, 30 NDT đó đã không đủ rồi. Vậy thì làm gì có hàng tử tế?
Quả không sai, mới mặc được hai lần, cô nữ sinh đó đã phải than thở với bạn rằng áo bị bục chỉ, phai hết màu, về sau chẳng thấy mặc thêm lần nào. Dù vậy, cô vẫn không nỡ vứt đi mà vo viên vứt vào tủ quần áo.
Cô nữ sinh trong câu chuyện này đã có lòng tham và giống như một con bệnh mắc chứng cuồng mua sắm không thuốc chữa.
Trên giá sách của cô có những cuốn chưa một lần lật giở, để bụi bám đầy; trong tủ quần áo, vô số quần áo kém chất lượng chất thành từng đống, trên giường ngủ, gấu bông, mèo Kitty bày la liệt… còn bản thân thì co ro ngủ trong một góc nhỏ.
Nghiên cứu của trường đại học Havard phát hiện ra rằng: Những người thành công có cảm giác hạnh phúc lớn luôn sống trong một môi trường sạch sẽ gọn gàng. Trái lại, những người bất hạnh luôn vùi mình trong một xó tối tăm bẩn thỉu.
Người có ham muốn vật chất quá lớn rất dễ đánh mất niềm vui. Với những người thứ gì cũng muốn chiếm giữ, không nỡ vứt bỏ, nội tâm họ được lấp đầy bởi lòng tham và sự lo lắng trong khi tình yêu và hạnh phúc lại không tìm được vị trí tương ứng.
Cổ nhân có câu: Tâm hồn sẽ trở thành cái mà nó dung chứa. Một người ham muốn càng nhiều thì áp lực càng nặng nề. Ôm giữ càng nhiều dục vọng thì càng bị ràng buộc chặt. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng, con người khó có thể thoát ra được.
Dục vọng sẽ ăn mòn ý chí, làm tha hóa lương tri và hậu quả là biến chúng ta thành nô lệ.
Trên thực tế, có nhiều người đã hủy hoại sức khỏe, uy tín và nhân cách của bản thân chỉ vì ham muốn. Khi tâm của một người chứa đầy lợi ích và dục vọng cá nhân thì người ấy không thể có một nhân cách tốt hay ý chí mạnh mẽ.
3. Những thông tin vô bổ
Trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, số lượng người trở thành "nô lệ" cho chiếc điện thoại thông minh.
Không ít người vừa mở mắt ra, việc đầu tiên họ làm là tìm điện thoại, mở mạng xã hội, lướt một lượt xem có thông tin gì mới, vào web xem có tin gì giật gân…
Không ít các chuyên gia tâm lý nhận định, con người hiện nay đang ngày càng không thể tách rời được chiến điện thoại.
Bất cứ lúc nào, dù là ở đâu, chúng ta cũng dán mắt vào màn hình mà đánh mất những thói quen tốt như bình tâm đọc một cuốn sách, nghĩ lại xem tuần qua mình đã làm được những gì…
Tư duy của chúng ta nhiều khi đã bị lượng thông tin quá lớn lấp chặt lại. Quá nhiều thông tin, dưới hình thức từng mảnh vụn chiếm lĩnh não bộ của chúng ta, khiến não bộ không thể hoạt động một cách có hệ thống.
Đáng sợ hơn nữa, vì mạng xã hội, vì lượng thông tin vô bổ quá nhiều mà chúng ta dành sự quan tâm cho cuộc sống của các sao, chuyện riêng của người khác…, quên mất những việc quan trọng và cần thiết hơn vẫn được làm trước khi thời đại công nghệ bùng nổ.
Không phải những diễn đàn, những lời bình luận trái chiều "gây bão" trên mạng xã hội, thứ chúng ta cần là sự tư duy theo chiều sâu, là khả năng biến những chuyện phức tạp trở nên đơn giản.
Bởi thế, chúng ta cần phải biết lọc thông tin để không bị những thông tin vô bổ làm nhiễu loạn, đánh cắp mất thời gian vốn được ví là quý như vàng.
Nguồn tin: Soha.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự