Người ta thường nói: “Trên đời không có thuốc chữa hối hận”. Con người sống trăm năm thì ai cũng sẽ gặp phải vài sự việc khiến bản thân cảm thấy hối tiếc. Rất có thể việc đó chỉ nhỏ như sự thắng thua trong trò chơi, cũng có thể lớn như chuyện sinh lão bệnh tử, khi chưa làm tốt thì sẽ có tiếc nuối, có nuối tiếc thì sẽ có hối hận. Khi hối hận thì nội tâm sẽ cảm thấy thống khổ và dằn vặt.
Nhưng thử hỏi, trên đời này ai có thể nghĩ ra được phương thuốc chữa hối hận? Bởi vì khi hối hận thì mọi thứ đã qua rồi, không thể quay ngược thời gian mà làm lại, dù có hối hận đến mấy đi nữa cũng không thể vãn hồi.
Bàn về thuốc, người xưa có câu: “Thượng thuốc dưỡng mệnh, trung thuốc dưỡng thân, hạ thuốc trị bệnh”. Thượng thuốc chính là dùng biện pháp dưỡng sinh nuôi mệnh, giúp cho thể chất của con người ngày một cải thiện, không sinh ra bệnh tật. Còn hạ thuốc chỉ có thể dùng để trị liệu bệnh tật, không giải quyết được vấn đề căn bản của bệnh. Từ ý nghĩa của thượng thuốc mà nói, Ngự sử thượng thư thời nhà Minh là Tống Huân đã viết một cuốn sách tu dưỡng tâm thân, tiêu đề cuốn sách là ‘Cổ kim dược thạch’, dạy người thành tâm sửa đổi bản thân, tu tâm sửa tính, với mong muốn thế nhân có thể dựa vào đó mà trị được căn bệnh về phương diện tâm tính phẩm đức.
Kỳ diệu là, trong cuốn sách này lại có một đơn thuốc gọi là “Thuốc hối hận”, đó chính là ‘Lục hối minh’ hay ‘6 vị thuốc hối hận’ do danh tướng Khấu Chuẩn thời Bắc Tống truyền lại. Toàn bộ toa thuốc có 42 chữ, khái quát 6 việc hối hận của đời người và phương pháp phòng tránh. Khi đọc đơn thuốc, người viết thấy cảm khái muôn phần: “Trí tuệ nhân sinh chỉ như vừa thấy”, nếu như có được thêm một lần cơ hội thì tại sao lại không muốn làm cho thật tốt. Mặc dù đọc được ‘6 vị thuốc hối hận’ hơi muộn nhưng đối với con người hiện đại mà nói cũng rất có ý nghĩa.
Lúc làm quan, vì lợi riêng mà bẻ cong luật pháp, lợi dụng quyền chức làm ra hành vi ứng xử bất chính, đến lúc tai họa giáng xuống mới hối hận, sợ rằng đã muộn rồi. Rất nhiều người trước khi ra làm quan còn ôm chí hướng tế thế cứu dân, thế nhưng khi bước vào chốn quan trường rồi thì không kìm lòng được trước những cám dỗ mà lạc lối, đây mới là điều thực sự đáng buồn.
Lúc giàu có không biết quản lý chi tiêu tiết kiệm, cả ngày tiêu xài hoang phí, đến khi trong nhà không còn một đồng, lâm vào cảnh bần cùng rồi mới hối hận rằng biết vậy đã không làm thế. Trong đối nhân xử thế cần hiểu rõ, lúc yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy, phú quý không quên mỹ đức cần kiệm. Hãy nhớ rằng, “đang từ không có cái ăn đến có được của ăn của để thì dễ sống, nhưng đang từ xa hoa đến tằn tiện khó sống”. Cần cù tiết kiệm thì gia nghiệp có thể hưng thịnh, còn tiêu xài hoang phí thì sẽ là miệng ăn núi lở.
Khi còn trẻ không chịu gắng học hành thì lúc về già sẽ hối hận. Lúc đang tuổi trẻ, nhiều người ham chơi biếng nhác, đến tuổi trung niên trở thành kẻ vô tích sự, lúc này mới tỉnh ngộ, hối hận lúc tuổi trẻ nếu như chăm chỉ học lấy một nghề thì hiện tại cũng không lâm vào kết cục bi thảm như thế.
Trong trăm năm đời người, ai có thể đảm bảo rằng bản thân không mắc phải sai lầm, nhưng biết sai mà sửa vẫn là điều tốt đẹp nhất. Tục ngữ nói, con người ta thường sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã, tuy vậy vẫn có những người, mắc sai lầm nhưng không nhớ bài học được lâu, không ngừng vấp ngã trong cùng cái hố đó mà không trưởng thành được chút gì.
Người xưa nói rằng, uống rượu khiến người có thêm can đảm. Thế nhưng rất nhiều người sau khi uống say lại mất hết lý trí, nói năng lộn xộn, làm xằng làm bậy, thậm chí còn gây ra hậu quả khó vãn hồi. Ngày hôm sau tỉnh dậy, họ mới ngẫm lại sự việc hôm qua thì không khỏi cảm thấy xấu hổ hối hận.
Ngày bình thường không chú ý bảo dưỡng thân thể, khi bệnh đến sẽ như núi sập, khi phát bệnh rồi mới hối hận thì đã muộn. Đối với vấn đề này, người hiện đại cần chú ý nhiều hơn. Rất nhiều người vì công việc mà tăng ca cả ngày lẫn đêm, kết quả là khiến bản thân bị kiệt sức. Hiện tại nếu lấy sức khỏe đổi tiền tài thì ngày sau có dùng nhiều hơn nữa số tiền kiếm được cũng không đổi lại sức khỏe như ban đầu.
Tăng Quốc Phiên, một vị quan đại thần thời nhà Thanh đã đánh giá rất cao ‘6 vị thuốc hối hận’ này. Ông coi những lời ấy giống như kinh điển vậy, mỗi thời khắc đều tự nhìn lại. Khổng Tử cũng nói: “Mỗi ngày xét lại bản thân 3 lần”. Để không phải hối tiếc thì hãy thực hiện thật tốt từng điều một. Về điểm này, ‘6 vị thuốc hối hận’ trở thành thang thuốc quý báu để người đời sau tham chiếu nhìn xét lại bản thân tránh phạm sai lầm mà dẫn đến kết cục hối hận.
Nguồn Dkn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự