1. Sức mạnh đặt một dấu chấm hết (đóng gói)
Sức mạnh này xuất hiện khi bạn nhận ra những việc mà bạn đã làm sai do bị vận hành, điều khiển bởi ham muốn, tức giận, ngu dốt. Khoảnh khắc mà bạn nhận ra bạn đang bị điều khiển bởi những hành động sai đó, đã đặt một dấu chấm hết cho toàn bộ sai lầm quá khứ. Và sự hiểu biết sẽ đến với bạn.
Khả năng chấm dứt suy nghĩ mông lung, trí tưởng tượng miên man hay hành động lãng phí,... được xem là sức mạnh ở dạng thức này.
2. Sức mạnh khoan dung/nhẫn nhịn,
Sức mạnh này xuất hiện khi chúng ta chấp nhận những tình huống khó chịu bên ngoài. Thông thường để loại bỏ khó chịu, bực bội, chúng ta tìm cách thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Đây là cách làm sai lầm. Chỉ cần chúng ta quyết định không cố thay đổi ngoại cảnh mà hướng vào thay đổi bản thân tức là chúng ta đang vận dụng sức mạnh khoan dung, nhẫn nhịn.
Trong cuộc sống thường nhật, bạn có rất nhiều cơ hội để rèn luyện khả năng khoan dung, nhẫn nhịn như trong các tình huống bị chỉ trích, phỉ báng, tiếng ồn, cơn đau thể xác,… Mức độ chấp nhận và chịu đựng hoàn cảnh sẽ phá bỏ rào cản bạn tiếp cận sức mạnh này.
3. Sức mạnh hòa tan/dung chứa
Vận dụng sức mạnh hòa tan, dung chứa tức là để cho những trải nghiệm khổ đau trong quá khứ biến mất hoàn toàn và chúng không thể tái diễn trở lại trong tâm trí. Điều đó có nghĩa là nó không còn gây ấn tượng gì với bạn giống như một vật được ném xuống biển, nó sẽ mất hút vào biển cả và không bao giờ thấy lại.
Để làm điều đó, bạn thay đổi bản thân bằng những trải nghiệm mới mẻ, vui vẻ và ấn tượng, dần dần nó sẽ xóa sạch những trải nghiệm cũ trong quá khứ.
4. Sức mạnh phân biệt
Sức mạnh này chính là khả năng nhận ra các ảo tưởng dày đặc trong bản thân mỗi người. Bởi vì trong quá trình sống, con người có xu hướng bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm rình rập từ những điều nhỏ nhất. Để phá vỡ vòng bảo vệ này, cần nhận ra những động cơ ẩn đằng sau suy nghĩ, hành động, cảm xúc đó. Chỉ cần quan tâm và quan sát bản thân, bạn có thể vận dụng được sức mạnh này.
5. Sức mạnh quyết định
Nhiều khi, chúng ta rơi vào tình huống phải lựa chọn giữa 2 hành động khác nhau. Và ta có thể nhận biết được hành động nào là sai, hành động nào là đúng. Nhưng do thói quen trong quá khứ, chúng ta vẫn chọn hành động sai. Vì thế, việc quyết tâm ngăn chặn hành động sai, củng cố hành động đúng và thực hiện ngay hành động đó, chính là sức mạnh quyết định.
Đây còn gọi là khả năng sử dụng ý chí. Khi ý chí mạnh mẽ thì suy nghĩ, lời nói, động cơ, hành động của chúng ta sẽ thay đổi.
6. Sức mạnh đối mặt
Khả năng kiên định duy trì điều đúng, bất chấp những miếng mồi ngon của cám dỗ bên ngoài, được gọi là sức mạnh đối mặt. Bởi vì, sống trong thế giới này, con người ta rất dễ bị cám dỗ bởi dục vọng và lòng tham. Khi nhận ra dục vọng, lòng tham không thể đem lại hạnh phúc và ta dám dũng cảm vượt qua thì sức mạnh đối mặt sẽ được phát triển. Sức mạnh này nếu được duy trì liên tục trong mọi tình huống sẽ giúp bạn trở thành người chiến thắng ở bất cứ đâu.
7. Sức mạnh hợp tác
Khi hành động của chúng ta giúp ích được nhiều người dù bản thân phải hy sinh sự thoải mái riêng tư hay lợi ích vật chất cá nhân, đó được gọi là sức mạnh hợp tác.
Ví dụ như bạn muốn giúp ích cho một người nghiện rượu, thay vì cung cấp rượu cho anh ta uống, bạn tìm cách ngăn chặn họ uống rượu quá nhiều dù họ không trân trọng điều đó và bạn thấy không thoải mái. Hành động đó chính là sức mạnh hợp tác nên có.
8. Sức mạnh rút lui
Đứng trước những đối tượng cám dỗ, kích thích giác quan như thức ăn, lời nói ngon ngọt,… rất có khả năng bạn sẽ bị lôi kéo. Trong tình huống như vậy, chúng ta vẫn rút lui hoàn toàn khỏi những cám dỗ đến từ giác quan đó thì đó là sức mạnh rút lui. Thực tế là chúng ta không thể dừng việc sử dụng các giác quan được, nhưng nếu sử dụng sức mạnh rút lui, sẽ giúp cắt đứt các trải nghiệm giác quan thông thường.
Khi bạn khéo léo sử dụng được 8 loại sức mạnh này, bạn sẽ có tất cả mọi thứ: sự bình an, yêu thương, tự trọng, hạnh phúc, trung thực và hiểu biết.