Chị đưa bà gói xôi mới mua bên đường:“bà ăn chút đi”, chị kéo bà ngồi xuống bên vỉa hè “bà ăn đi rồi hãy đi nữa”. Bà già cười móm mém, khuôn mặt nhăn nheo, đôi mắt mờ đục dưới vành nón lá tơi tả:“tui không đói đâu, để dành cho thằng cháu nội”. Chị cố nói: “Bà ăn đi, đi từ sớm tới giờ, đói chết”. Bà lại cười: “Quen rồi chị ơi, không ăn thua gì đâu”. Bà lão đứng lên, lóng cóng kéo hai bao nylon xềnh xệch trên đường, chị chắc lưỡi “sanh, bệnh, lão, tử đành rồi nhưng sống làm chi một kiếp người, đến từng tuổi này rồi còn phải nhọc nhằn đến thế!”. Bà chủ quán café cóc bên đường nhìn chị: “Mỗi người mỗi nghiệp cô ơi, cái này là nghiệp chướng đó, vậy chớ có thằng con cứ ăn ở không khảo tiền bả đi uống rượu hoài, có bữa không được xu nào nó còn đánh bả nữa đó”. Chị sững sờ, nghe tim mình thắt lại, thảo nào có lần chị đã khó chịu khi nghe có người bảo: “Đừng cho bả tiền, có ăn được đâu”. Ra thế! Nhưng thôi, biết đâu nhờ vậy bà lão đỡ phải đau mình vì thằng con mất tính người kia. Bên tai chị văng vẳng: “Tui không đói đâu, để cho thằng cháu nội…”.
Đang chạy xe trên phố, chị bất chợt nhìn thấy một đứa bé ngồi bó gối, úp mặt, bên hàng rào một khách sạn lớn. Đi qua… nhưng cái dáng bé nhỏ làm chị không thể, chị quay xe lại. Hóa ra con bé đang khóc.
- Sao vậy con? Con đi lạc hả?
- Hổng phải.
- Vậy sao?
Con bé ngước đôi mắt ngân ngấn nước lên nhìn chị rồi chìa xấp vé số trên tay ra:
- Sắp đến giờ xổ rồi mà con bán chưa hết.
- Sao con không đem trả lại cho đại lý?
- Hổng kịp rồi. Con bé lại nức nở.
- Còn nhiều không.?
- Dạ, mười lăm tờ lận.
Một người phụ nữ dừng lại bên chị. Chị ta chắc lưỡi, nhìn đồng hồ: “Còn có năm phút nữa là xổ rồi, làm sao bán kịp?”.
Chị nhìn con bé, nó khoảng sáu, bẩy tuổi trạc thằng cháu ngoại lớn của chị nhưng gầy gò, đen nhẻm, nhỏ xíu, chị thấy chạnh lòng “tội nghiệp, con cháu mình thì…”.
Người phụ nữ mặc chiếc áo khoác bông, mặt che kín (đeo khẩu trang che nắng, bình thường mà), chừa mỗi đôi mắt vẫn đứng nhìn:
- Tội quá, tui đi thể dục, đâu mang đồng nào, chớ không…
Chị mở bóp chìa khóa treo xe, “chà, còn đúng hai tờ, một trăm năm mươi ngàn, chắc đúng… duyên đây”. Chị đưa cho con bé:
- Thôi nín đi, để cô mua cho. Con có đi học không?
- Con học lớp tình thương buổi tối ở chùa.
- Ba mẹ con làm gì?
- Con không có ba mẹ, (lại còn thế nữa).
- Vậy con sống với ai?
- Con ở với ngoại, ngoại già rồi, con bán vé số nuôi ngoại.
Chị nghe lòng mình chùng xuống một niềm thương cảm, con bé đã tỉnh táo, hớn hở cầm tiền và đưa chị xấp vé số.
- Con cám ơn cô.
- Ừ, thôi con về đưa tiền cho ngoại đi.
Chị quay xe, mới đi được một quãng ngắn, chợt có người áp sát xe chị.
- Chị nhìn lại đằng sau đi.
Chị giật mình nghe tiếng đàn ông: “Tui chạy xe ôm ở khách sạn kia kìa, chị bị…dính bẫy rồi đó”.
Chị nhìn theo ngón tay người chạy xe ôm, con bé bán vé số đang nắm tay một người đàn bà đi xa dần, người đàn bà mặc chiếc áo khoác bông…
Buổi tối, khi tất cả con hẻm đã chìm vào yên lặng, chị bước ra sân trước nhìn lại cánh cổng xem đã được khóa cẩn thận chưa, ngắm giàn lan đong đưa nhè nhẹ trong vạt sáng khiêm tốn của bóng đèn đường đầu hẻm hắt vào, một chút gió làm chiếc phong linh khẽ leng keng, thoang thoảng trong không gian mùi nguyệt quế dịu dàng. Chị ngắm khu vườn nhỏ trong bóng đêm tĩnh lặng, hít chút không khí của đêm rồi quay gót vào nhà, kín đáo kéo lại bộ rèm và khóa chặt cửa. Ngôi nhà yên tĩnh như chưa bao giờ yên đến thế, từ ngày vợ chồng cô con gái út ra riêng với tổ ấm mới của mình mang theo đứa cháu ngoại bé nhỏ, đêm nào chị cũng khóc, thấy ngôi nhà của mình sao quá thênh thang, trống trải… hơn năm mươi năm đây là lần đầu tiên chị sống một mình.
Lòng nhủ lòng: “Có gì đâu, tụi nhỏ vẫn sống gần đây, ngày nào cũng thấy mặt chứ có đi đâu xa đâu mà, con nó có nhà cửa riêng tư phải mừng cho nó chớ!”. Mà thật, bạn bè ai cũng bảo như thế là chị hạnh phúc lắm rồi, con cái thành đạt, có điều kiện tậu nhà, tậu cửa như thế quá tốt, mình không phải lo lắng cho nó. Chị luôn cười khi nghe mọi người chúc mừng, nhưng trong tâm chị buồn quá đỗi… cứ cảm thấy buồn buồn tủi tủi làm sao, lại thấy trống vắng, đơn độc thế nào khi đêm xuống, nhất là nhớ con bé cháu ngoại một tay chị chăm bẵm từ ngày mới sinh, con bé mới gần ba tuổi mà biết rất nhiều, hình như nó cũng cảm thấy có gì đó khi về nhà mới cùng bố mẹ, biết không có ngoại kề bên, nên cứ nằng nặc khóc đòi ngoại phải đi cùng.
Chị đã phải vờ vịt dỗ dành bảo: “Ngoại phải ở đây để giữ nhà chứ không thôi mất sao, nhà này ngoại để dành cho con, cho anh Bo và chị Bê nè”, chẳng biết nó nghĩ sao, im lặng không khóc nữa, ngoan ngoãn hôn bà chia tay… Vậy mà đã được mười đêm rồi, mười đêm chị không được con bé nhõng nhẽo khóc đòi ngoại ru ngủ…
Chị bước đến bàn Phật thắp hương và quì xuống lầm thầm, bài kinh Bát nhã quen thuộc… “Này Xá-lợi-phất…” chị tưởng chừng như Đức Thế Tôn đang nói với chị, đứa cùng tử sâu dày tập khí vô minh, chị lắng tâm nhìn tượng Bổn Sư an nhiên tĩnh tọa, nhìn gương mặt đầy nét từ bi của Đức Quán Thế Âm trên cao, bỗng nhiên chị thấy một sự bình an bao trùm lòng mình. Chị nhớ đến hình ảnh bà cụ già ban sáng, khuôn mặt đầy nước mắt của con bé bán vé số, đôi mắt của người đàn bà mặc chiếc áo khoác bông, giọng nói của người đàn ông xe ôm, rồi gia đình riêng của hai cô con gái, những đứa cháu ngoại bé bỏng của mình… một niềm thương cảm dịu dàng, sâu lắng gợn lên, chị thấy mình đang đầy đủ và hạnh phúc với những gì đang có trong tay, chị thấy mình may mắn hơn rất nhiều người.
Cuộc đời sẽ bình yên biết bao nếu ta có cái nhìn thấu đáo với mọi sự chung quanh, hãy bằng lòng với những duyên khởi và duyên tan, có đến tất có đi, có vui ắt phải có buồn,… trần gian vốn dĩ như thế mà, sao ta cứ mong cầu mọi sự như ý ta mãi mãi… Cắm ba nén hương lên bàn thờ, chị thành kính lễ Phật: “Nguyện ngày an lành, đêm an lành, đêm ngày sáu thời đều an lành, tất cả các thời đều an lành, nguyện chư Bồ-tát thường gia hộ”. Chị nghe lòng thanh thản lạ kỳ, mùi trầm thoảng nhẹ lan tỏa trong gian nhà nhỏ, bình yên… bình yên…
Tác giả bài viết: Chơn Hiền
Nguồn tin: TVHS
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự