Con khỉ lại thức trong mỗi giấc thiền

Thứ hai - 02/07/2012 08:17
Trong Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu (Trần Tuấn Mẫn dịch) có ghi lại lời của Sơ tổ Đạt Ma: “Hết thảy chúng sinh vốn là Phật, không cần nhờ tu mà nên. Nay chỉ cần nhận biết bổn tâm mình, thấy bổn tính mình, đừng cầu tìm chi khác nữa. Làm sao nhận biết tâm mình? Chính cái ‘đang nói năng đây’ là tâm”. Vậy, yếu chỉ của Đạt Ma khi sang du hóa ở Trung Hoa nước Ngụy vào năm 520 hẳn là “trực chỉ nhân tâm”.

Trực chỉ nhân tâm, tức đã biết có tâm, đã nắm được tâm? Vậy nên cần quay lại câu hỏi ban đầu: “Làm sao nhận biết tâm mình?”. Nhiều người vỗ ngực Phật tại tâm, thực chất họ chưa biết tâm. Con người được sinh ra vốn có thân và tâm. Hầu như ai cũng biết đến thân, chăm sóc chiều chuộng thân, đặc biệt với các sao, người đẹp... Họ dùng mỹ phẩm, áo quần thời trang, nói chung là dùng tiền vuốt ve thân một cách thái quá.

Nên dĩ nhiên tâm có thể bị bỏ quên. Những người có điều kiện thường kiến tạo không gian sống lãng mạn và yên tĩnh cho riêng mình hay đến chốn thơ mộng thưởng thức nhiều món ngon với cả thị giác lẫn vị giác... tất cả những thứ ấy khiến họ nhầm tưởng đã có một cuộc sống tràn đầy (nội) tâm, hay rõ hơn là đã nắm được tâm. Thực ra đấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Đến như Nhị tổ Huệ Khả xưa từng chặt đứt một cánh tay thể hiện ý chí quyết tâm cầu đạo nhưng khi Sơ tổ bảo “đưa tâm ta an cho” thì lắc đầu: “Con kiếm mãi mà chẳng thấy tâm đâu”.

Cũng một miếng ăn, nhưng ta biết ta đang ăn, đang cảm thấy ngon hay dở, lòng rộn sướng vui hay bực tức, đấy mới chính là khoảnh khắc ta bắt đầu nhận diện được tâm (tham). Cũng một lời nói tưởng rất tình cảm là nhắc đến cá nhân ai đó ra giữa mọi người, nhưng ta biết sự nhắc đó chỉ để những người khác nói hùa thêm về sai sót của người đó; mức độ vi tế ấy nếu biết mà tự lấy làm xấu hổ, lúc đó ta thực đã biết đến tâm (tàm quý).

Cũng một hành động móc tiền cho một người ăn xin, nhưng ta biết chỉ để nở mặt với ai đó đang ngồi bàn bên; biết ngay bao nhiêu phần trăm cơ hội trong việc thiện đó, chính là tâm đang xưng danh trong mình. Vân vân. Tâm chính là viên ngọc, còn thân chỉ là cái hộp đựng nó. Càng chăm sóc thân thái quá thì tâm càng dễ lu mờ tì vết. Biết tâm và chăm sóc tâm, tâm sẽ phát sáng khiến thân tâm trong suốt như pha lê.

Nhận biết tâm trong cuộc sống đã khó, giữ được tâm bình lặng trong thiền định càng nan giải khôn cùng. Tịnh Danh pháp chủ từng ví “tâm như khỉ vượn”, rất khó chế ngự, rất khó điều phục. Trong Con đường dẫn đến Phật quả - Những giáo lý về Pháp bảo của sự giải thoát (Thanh Liên dịch), Gampopa cũng tự vấn: “Có bao giờ bạn nhìn thấy bức tranh tuyệt đẹp minh họa các giai đoạn của thiền định? Bạn thấy một con voi, một con thỏ, một con khỉ, và một người đàn ông. Con voi là tâm ta, con thỏ là sự hôn trầm, con khỉ là sự xao lãng và người đàn ông là sự chú tâm. Ở cuối trang giấy, con khỉ đang dùng một sợi dây để kéo con voi đến nơi nào nó muốn”.

Trong rất nhiều từ ngữ dùng để chỉ mức độ nghiêm trọng của tâm như: điều tâm, nhiếp phục tâm, khai phá tâm,… thì thuần hóa tâm thiết nghĩ chuẩn xác và đắc địa nhất. Ngày xưa những con vật hoang ở rừng rú, hung tợn và độc ác, con người bắt chúng về nhốt lại rồi lên kế hoạch thuần hóa, đến lúc chúng sống bên con người mà không làm hại đến tính mạng ta, thậm chí còn cứu hoặc giúp ta, lúc đó mới hoàn tất. Tâm của người không tu tập từ nhỏ, lớn rồi mới tu chẳng khác như một con ngựa hoang, hay như bò tót mà đấu sĩ cưỡi trong các lễ hội ở Tây Ban Nha. Nó lồng lộn, vừa nhảy vừa xoay sao hất bằng được người cưỡi rơi xuống đất, rồi thừa thắng hung hãn lao tới húc.

Mức độ quấy nhiễu còn tệ hơn, ấy là lúc ta đối mặt với con khỉ. Khi thiền, thấy rõ tâm chúng ta như con khỉ chuyền cành, liên tục không ngừng nghỉ. Tính dữ của (tâm) bò tót đã lặng, nhưng tâm-con-khỉ lại có vũ khí rất lợi hại. Có một clip về động vật hoang dã quay cảnh con khỉ cứ bám nhành cây mà bớp tai đấm vào đầu con hổ đang rất mệt mỏi cố ngủ dưới bóng cây. Khỉ không để hổ yên. Mỗi lần bị bợp, con hổ vùng dậy tức tối xem chừng có thể xé tan xác khỉ nhưng chịu không làm gì được. Nhoáng cái khỉ đã ở trên cao.

Nhắc lại một công án thiền: “Một người nài nỉ xin bằng được vị sư câu thần chú. Sư bằng lòng cho, chỉ dặn: Lúc niệm thần chú này đừng nghĩ đến con khỉ, ắt sẽ linh nghiệm. Người kia mừng rỡ và đầy tự tin đáp: Tưởng gì chứ không nghĩ đến con khỉ thì quá dễ. Và thế là mỗi lần niệm câu thần chú, con khỉ cứ xuất hiện quấy nhiễu. Anh càng xua đuổi, khỉ càng nhảy vào đầu dẫm đạp lên từng chữ của câu thần chú”.

Đã biết “tâm như khỉ vượn” thì nên tìm cách thân thiện với những biến thái của tâm chứ ngăn chặn có chăng là ảo tưởng. Carolyn Rose Gimian từng viết: “Trong truyền thống Phật giáo, người ta thường dùng sự so sánh tương đồng giữa kinh nghiệm tự ngã với một con khỉ bị kẹt trong một căn nhà trống. Con khỉ ích kỷ và tự mãn nhảy bổ vào tường rồi dội ra, cảm thấy bị nhốt và cố gắng để thoát ra. Nó nghĩ nó bị giam trong ngôi nhà và không hề biết rằng chính nó đã tạo ra nhà giam này. Nó cũng không hề ý thức được rằng nó như vậy là thực sự ổn rồi. Bạn và tôi có thể không khác gì mấy anh chàng khỉ đó”.

Hãy tưởng tượng đến một vùng tối, cánh cửa nhà ai đột nhiên mở và ánh sáng chiếu ra; ngồi thiền, lúc ấy tâm ta quan sát không rời những ai ngang qua vùng sáng đó, như một camera hồn nhiên, không dùng lý trí phân tích can dự. Tổ Hoàng Bá truyền tâm pháp cho một học trò như sau: “Vừa kiến chấp thấy Phật, liền bị Phật ngăn ngại; vừa kiến chấp thấy chúng sinh, liền bị chúng sinh ngăn lại.

Hễ có kiến chấp phân biệt phàm Thánh, sạch dơ, liền bị các kiến chấp ấy ngăn ngại. Vì những thứ ấy ngăn ngại tâm ông, nên ông cứ luân chuyển mãi, loay hoay như con khỉ, buông cái này, chụp cái kia, không lúc nào ngưng”.

Những tiếng guốc, những giọng nói, những tiếng động, những sự việc quá khứ vị lai sẽ thầm lặng lướt qua tâm, hãy để chúng trôi đi và không “kiểm soát vé” dẫu rằng tâm ta đang được canh gác nghiêm mật. Nếu một câu chuyện đâu đâu ghé qua “cửa ải” rồi rủ tâm đi luôn, gần hay đã quá xa thì dứt khoát “người gác tâm” cũng phải tỉnh thức quay về lại.

Có rất nhiều kiểu quán trong thời thiền. Tứ niệm xứ gồm quán thân bất tịnh, thọ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Người tu khi thiền cũng có thể quán tưởng về Phật A Di Đà, cụ thể là niệm Phật từ lúc vào thiền cho đến lúc xuất thiền. Dòng quán niệm nối nhau không ngừng nghỉ; quán trong sự ngưỡng vọng ơn cao dày Đức Phật. Ấy tạm gọi là Thiền-Tịnh song tu. “Nếu như niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, thì có khác gì với tham thiền! Tham thiền đến độ cả hai năng và sở đều mất thì có khác gì với thật tướng niệm Phật! Thiền tức là Thiền trong Tịnh độ.

Tịnh độ tức là Tịnh độ trong Thiền. Thiền và Tịnh độ vốn tương trợ lẫn nhau” (Pháp ngữ của Thiền sư Hư Vân). Thiền không chỉ ngồi thiền. Thiền phải có ở hầu như mọi hành động suốt ngày đêm của ta. Nhất là trước lúc ngủ, người tu cứ nhất tâm niệm Nam-mô A Di Đà Phật đến lúc nào ngủ quên kỳ thôi.

Cần kiên quyết thực hiện bằng được việc này, đến khi thành nếp, hễ cứ nằm xuống để ngủ là tự động câu Nam-mô A Di Đà Phật bật lên trong đầu trong tâm; nửa đêm lỡ có tỉnh dậy lại niệm tiếp. Đó âu cũng là cách dụi cái bóng của con khỉ chìm xuống đáy tâm rất hiệu quả và phổ biến.

Con khỉ trong thuyết Tiến hóa, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giấu nổi cái đuôi vào đâu được. Cũng như Ngộ Không chạy trốn Nhị Lang thần, lúc biến thành túp lều vẫn để lộ cái đuôi… Loài người không hẳn là đã tiến hóa từ loài khỉ, nhưng nếu ai khởi niệm tu giải thoát, thì con khỉ đã sẵn có trong tâm rồi.

Nguồn tin: Nhụy Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây