Đi lễ chùa - nét đẹp đầu Xuân

Chủ nhật - 13/02/2011 09:20
Người dân đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu tài, lộc, sức khoẻ mà còn tìm đến sự thanh thản và bình yên.

Mong bình yên, may mắn cho năm mới

Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân, các ngôi chùa tại Hà Nội luôn “đón tiếp” hàng nghìn lượt người tới lễ phật. Mọi người đến cửa chùa để tìm sự bình yên và cầu mong cho năm mới nhiều may mắn…

Bà Nguyễn Thị Mai ở Hàng Bông, Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, đầu năm bà thường đi lễ các chùa để cầu mong sức khoẻ cho cả gia đình, mong năm mới sẽ có nhiều niềm vui, con cháu học giỏi, đỗ đạt…

Còn với chị Lê Thị Vân Anh, từ TP HCM ra Hà Nội ăn Tết cùng chồng cho biết, đây là lần đầu chị ra Thủ đô và từ mùng 1 Tết, chị đã cùng gia đình đi khắp các chùa tại Hà Nội. “Tới cửa chùa, được nghe tiếng chuông, cảm thấy mọi ưu phiền của cuộc sống đều tan biến”, chị chia sẻ.

 

Mua bán sách, tiền vàng trước cổng chùa Quán Sư, Hà Nội

Còn đối với chị Nguyễn Thị Quỳnh, buôn bán tại chợ Hôm, Hà Nội, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu sức khoẻ mà còn mong cho công công việc kinh doanh được suôn sẻ và phát triển hơn năm cũ.

Đầu Xuân là thời gian mọi người dành cho việc đi lễ cũng nhiều hơn nên các chùa lúc nào cũng “tấp nập” người ra, vào. Chính vì vậy, các dịch vụ phục vụ đi lễ như: viết sớ, bán hương, đồ lễ cành vàng lá ngọc… cũng nở rộ.

Theo chị Mai Trang, bán hàng trước chùa Quán Sứ, Hà Nội cho biết, năm nào cũng vậy, dịp đầu năm mọi người tới lễ chùa rất đông. Đây cũng là thời gian chị có nhiều khách và đắt hàng nhất trong năm.

Cũng theo chị Trang, khách hàng đến mua cũng chỉ mua hương, sách tử vi, cành vàng lá ngọc. Giá một lá tử vi khoảng 2.000 đồng, một quyển sách dao động từ 10.000 – 50.000 đồng/cuốn tuỳ loại… “Có nhiều người còn không quan tâm tới giá bởi họ nghĩ mua là lấy may” - chị Trang cho biết.

Đề phòng trộm cắp

Đi lễ chùa đầu năm là một việc tâm, thiện, là nét đẹp văn hoá của người Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó thì vẫn không thể tránh khỏi được sự thiếu ý thức của một số người đi lễ.

Bà Nguyễn Thị Mai tâm sự: “Có nhiều hôm tôi thấy rất bất bình trước cách ăn mặc của giới trẻ bây giờ khi vào chùa. Tôi luôn nghĩ, đi lễ chùa là ta đến với sự bình yên, thanh tịnh và thuần khiết nên cách ăn mặc, nói năng của mỗi người cũng phải theo chuẩn mực đó”.

Cũng theo bà Mai, bên cạnh cách ăn mặc thì ý thức của nhiều người đi lễ cũng còn kém. Họ vứt rác rất tuỳ tiện trong khi các chùa đều có các thùng rác công cộng, làm mất mỹ quan của chùa và gây ảnh hưởng tới môi trường.

“Tôi cũng chỉ mong mọi người đi lễ có ý thức và tuân theo những quy định của nhà chùa. Chúng ta đi lễ là tìm sự thanh thản, bình yên… chứ đừng nghĩ là cầu gì được nấy” – bà Mai nói.

 

Sự chen lấn sẽ tạo điều kiện tốt cho kẻ gian "hành động"

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Ban bảo vệ chùa Quán Sứ cho biết, đầu năm lượng người đến lễ chùa luôn ở tình trạng “quá tải” và đây cũng là điều kiện thuận lợi cho kẻ gian “hành động”. Kẻ gian không chỉ lấy cắp của người dân tới chùa mà nhiều khi còn nhặt từng đồng tiền công đức!

Theo ông Thắng, số lượng người quá đông nên việc theo dõi những đối tượng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà chùa đã phối hợp với công an phường, quận tăng cường lực lượng bảo vệ và trang bị hệ thống camera quan sát nhưng chủ yếu vẫn phải là tinh thần cảnh giác và ý thức bảo vệ tài sản của phật tử và du khách.

Ban quản lý Phủ Tây Hồ cho biết, nhờ cảnh giác và phối hợp các ban, ngành nên tình trạng trộm cắp trong nhiều năm nay cũng giảm... Cùng với đó, Ban quản lý Phủ cho dán ảnh các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp hay hoạt động tại vùng để người dân cảnh giác.

Bên cạnh đó, nhiều chùa cũng có những biện pháp riêng để ngăn chặn các hành vi trộm cắp như: Nhắc nhở mọi người vào chùa nên cẩn thận với tư trang cá nhân, cho các nhân viên bảo vệ mặc thường phục trà trộn vào người đi lễ để theo dõi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây