Biết vậy, nhưng để có thể giữ được tâm bình tĩnh và
lòng khoan dung khi chúng ta lâm vào hoàn cảnh bị ngược đãi, hoặc đối diện với
những người khó chịu thì quả là không phải dễ.
Chúng ta cần phải làm gì khi sắp nổi giận? Có bốn phương
pháp mà mọi người có thể áp dụng nhằm nâng cao sức kiên nhẫn để nhìn nhận những
gì đang diễn ra thay vì hành xử một cách máy móc, nông nổi. Bốn phương pháp ấy
là: (1) Đừng dựng mục tiêu cho mũi tên, (2) Kết nối với trái tim, (3) Xem các
chướng ngại như là những vị thầy, (4) Xem tất cả những gì đang diễn ra như là một
giấc mơ.
Trước hết, nếu chúng ta không dựng mục tiêu thì cái mục
tiêu ấy sẽ không dễ bị mũi tên bắn trúng. Có nghĩa là mỗi khi chúng ta trả đũa
bằng những từ ngữ hay những hành động công kích, chúng ta đang để cho thói quen
tức giận trong ta mạnh dần lên.
Chừng nào chúng ta còn thực hiện điều này,
không một chút hoài nghi, thì chừng đó vô số mũi tên sẽ đến với chúng ta. Chúng
ta sẽ càng dễ nổi cáu bởi những phản ứng của người khác. Tuy nhiên, mỗi lần bị
khiêu khích là lúc chúng ta có được cơ hội để làm điều gì đó khác hơn. Chúng ta
có thể làm cho thói quen cũ mạnh thêm lên bằng cách thiết lập những mục tiêu hoặc
là chúng ta khiến cho chúng suy yếu dần bằng cách giữ bình tĩnh.
Mỗi khi chúng ta ngồi yên với nỗi bất an và sự nóng giận
trong lòng, chúng ta sẽ được thuần hóa và được mạnh mẽ hơn. Đây chính là bài học
cho việc nuôi lớn cội nguồn của hạnh phúc. Mỗi lần chúng ta hành động với sự tức
giận hoặc đè nén nó thì sự hung hăng của chúng ta càng tăng thêm, chúng ta càng
ngày càng trở nên như thể là một cái đích điểm đang chuyển động.
Và rồi, khi
năm tháng đi qua, hầu như mọi thứ đều có thể khiến cho chúng ta nổi cáu. Đây
chính là chìa khóa để hiểu, ở mức độ thực tế lẫn mức độ cá nhân, chúng ta đã
gieo những hạt giống khổ đau như thế nào.
Với phương pháp thứ nhất, cần ghi nhớ rằng: Nếu chúng ta
dựng nên mục tiêu thì chỉ có chúng ta mới có thể tháo gỡ mục tiêu ấy. Phải biết
rằng, nếu chúng ta giữ bình tĩnh khi muốn trả đũa, thậm chí là cả khi ý muốn ấy
cứ âm ỉ mãi, tức là chúng ta đang bắt đầu làm tan biến tính hung hăng của mình,
một tính cách có nguy cơ tiếp tục làm cho mình và người đau khổ hoài nếu chúng
ta để mặc cho nó hoành hành.
Phương pháp thứ hai là kết nối với trái tim. Trong những
lúc tức giận, chúng ta nên khơi dậy lòng tốt và tâm thương yêu vốn có sẵn ở
trong ta. Khi có ai đó thiếu sáng suốt và bắt đầu làm hại chúng ta, chúng ta có
thể dễ dàng hiểu được rằng, người đó không biết họ đang làm gì.
Chúng ta có thể
kết nối với tâm thương yêu của mình và cảm thấy buồn thay cho người đó, vì họ
đang mất khả năng tự chủ và đang hại bản thân họ bằng cách làm khổ người khác.
Có thể chúng ta cảm thấy sợ nhưng không thù ghét, cũng không tức giận, thậm chí
là còn có ý muốn giúp đỡ họ nếu chúng ta có đủ khả năng.
Thật ra, một người mất trí còn ít ngu xuẩn hơn so với một
người không mất trí mà lại làm hại người khác. Bởi vì một người không mất trí
có khả năng nhận thấy được rằng, hành động một cách hung hăng tức là họ đang
gieo những hạt giống bất mãn và bối rối cho chính họ. Sự hung hăng của người ấy
trong hiện tại sẽ lớn mạnh dần trong tương lai, thói quen ấy sẽ càng thêm lớn.
Người ấy đang tạo ra những khó khăn cho cuộc sống của chính họ.
Đấy là cuộc sống
đầy đau khổ và cô đơn. Ai muốn làm hại người khác là người đó đang chịu ảnh hưởng
bởi một lối sống mà có thể sẽ tiếp tục tạo ra đau khổ mãi mãi.
Đấy chính là phương pháp thứ hai: kết nối với tái tim.
Cần nhớ rằng, đối với những người làm hại chúng ta, chúng ta không nên khiêu
khích họ thêm nữa. Thực tế, hàng ngàn người đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa hung
hăng. Chúng ta có thể ngồi yên với cơn giận bộc phát dữ dội bên trong, để cho sức
mạnh của nó lắng xuống dần, và chúng ta trở nên thương yêu mọi người nhiều hơn.
Phương pháp thứ ba là xem những khó khăn như những vị thầy.
Nếu không có vị thầy nào xung quanh để trực tiếp chỉ cho chúng ta biết cách làm
sao có thể chặn đứng những nguyên nhân gây hại, đừng lo sợ! Chính cuộc sống sẽ
đem đến những cơ hội để chúng ta biết cách làm sao giữ được bình tĩnh. Nếu
không có những người hàng xóm bất cẩn, làm sao chúng ta có cơ hội để thực tập
tâm kiên nhẫn?
Vị thầy luôn luôn bên cạnh chúng ta. Thầy luôn luôn chỉ
cho biết rằng chúng ta đang ở đâu, khích lệ chúng ta không nên nói năng và hành
động theo những cách nông nổi như cũ, khuyến khích chúng ta không nên trấn áp
cũng như không cách ly, động viên chúng ta đừng gieo những hạt giống khổ đau.
Với
những vị thầy này, những người đang hăm dọa hoặc đang sỉ nhục chúng ta, chúng
ta có nên trả đũa theo cách mà mình đã làm hàng trăm ngàn lần trước đây, hay là
giữ bình tĩnh và phản ứng một cách khôn khéo?
Ngay khi chúng ta bắt đầu có ý định trả đũa, cần nhớ rằng,
chúng ta là những chiến binh đang được huấn luyện để biết cách ngồi bình tĩnh với
sự cáu kỉnh và bực dọc ở trong lòng. Chúng ta đang được thử thách để giữ nguyên
vị trí cũ và thư giãn.
Nếu chúng ta có thể nghĩ về người đang nổi giận, nghĩ về
cơn giận, về đối tượng của sự tức giận ấy như là một giấc mơ thì thật là hữu
ích. Chúng ta có thể xem cuộc đời của chúng ta như thể là một bộ phim mà trong
đó chúng ta đang tạm thời làm vai diễn chính.
Thay vì khiến cho nó trở nên thật quan trọng, chúng ta nghĩ về tính không thực có của hoàn cảnh mà chúng ta đang sống trong hiện tại. Chúng ta có thể sống chậm lại và tự hỏi: Ai là cái tôi chắc nịch này mà bực mình đến thế?
Ai là người khác ở đây mà có thể khiến cho tôi trở
nên như thế này? Sự khen chê này là gì mà câu tôi như một con cá, nó tóm lấy
tôi như thể là cái miệng cá dính vào móc câu? Làm sao những tình huống này lại có
sức mạnh đẩy tôi đi giống như một trái ping-pong lăn từ hy vọng đến lo sợ, từ hạnh
phúc đến khổ sở? Tất cả sự đấu tranh gay gắt, sự phân biệt tôi và người to tướng
này có thể được làm sáng tỏ một cách đáng kể.
Hãy xem những hoàn cảnh bên ngoài, những cảm xúc bên trong,
cũng như cái ngã to tướng của mình đều như đã trôi qua, không thực có, giống
như trong ký ức, như một bộ phim, như một giấc mơ. Lúc chúng ta đã thức dậy, biết
rằng những kẻ thù mà chúng ta thấy trong giấc mơ khi ngủ chỉ là ảo giác. Ý thức
rõ như vậy thì chúng ta không còn hoảng hốt và lo sợ nữa.
Đấy là bốn phương pháp để chuyển hóa tâm sân hận và rèn
luyện đức nhẫn nhục. Những lời dạy này do chính các bậc thầy Kadampa người Tây
Tạng giảng dạy vào thế kỷ thứ XI, dùng để khích lệ các bậc Bồ-tát sơ phát tâm
trong quá khứ và rất hữu ích cho cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự