Gọi tên từng hạnh phúc, như là sáng nay mình đọc được một cuốn sách hay hay, một bài báo ý nghĩa, nghe một câu chuyện nhân văn và nó đã khơi dậy trong lòng mình lòng trắc ẩn (đã bị chìm nghỉm lâu nay bởi những lao chen và quá nhiều những giả dối xung quanh, đến nỗi mình nhìn đâu cũng hoài nghi, cũng… đáng chán).
Gọi tên hạnh phúc, đôi khi là một bữa cơm đạm bạc chỉ có rau, cà, tương, chao… Nhưng nó là bữa cơm mà mình còn cảm được vị thức ăn, thấy đủ đói để thèm một chén cơm nóng hôi hổi. Và quan trọng hơn, đó còn là bữa cơm mà mình còn được ngồi với người thân-thương của mình. Đã có những người ăn sơn hào hải vị nhưng “chan đầy nước mắt” vì ăn trong cô độc, lẻ loi, hoặc ăn với nhiều người nhưng chẳng ai hiểu mình, chẳng ai thương mình như ba, mẹ, anh chị em, người yêu thương, bạn bè của mình.
Hạnh phúc được gọi tên còn là sáng nay mình thư thả nhìn thấy ánh bình minh khe khẽ đi qua cửa sổ, nghe một bản nhạc dịu nhẹ từ cây đàn piano của một tay đánh đàn không chuyên hàng xóm, sáng sáng người ấy vẫn thường đệm một vài bài để tặng cho chính mình và cho cả những ai thích piano.
Là đơn giản lắm, như là được ai đó nhắn cho mình một cái tin chỉ với ba chữ “tớ nhớ cậu…”, để mình biết trong trái tim ai đó cũng có hình ảnh của mình. Mình không phải là người cô đơn, không phải là người chẳng có ai nhớ tên trong miền nhớ mênh mông của họ…
Là đôi chân mình còn được đi đó đây (đối với những người chưa bao giờ được đi khỏi thành phố chật chội này). Là đôi chân lại được đi đó đây (đối với những người đã từng đi nhưng sau đó bị “bó gối” bởi nhiều lý do). Là đôi chân có thể đi lại được (đối với những người trong một thời gian ngồi một chỗ vì tai nạn, tai biến...). Cũng là đi thôi, nhưng, hạnh phúc đối với mỗi người đã có những điều kiện đi kèm sai biệt, mình nhìn như thế để mình hạnh phúc với cả hạnh phúc về đi của một ai đó, hoặc của chính mình... Đừng tước đi hạnh phúc này, hạnh phúc của đôi chân còn đứng được để đi, để nhìn đời và yêu thương vì mình cứ thích bay bổng khỏi hiện tại!
… Là mình còn có cơ hội ngồi thật tĩnh lặng, để nghe hơi thở vào-ra của mình và nhận diện: mình còn sống, còn tiếp xúc được với màu trời xanh xanh, nắng vàng vàng, chiều tim tím… Tai mình còn nghe tiếng chuông và biết dừng lại trước những lao chen được mình gọi tên là “bận rộn”. Mình tỉnh lại để bớt say mê trong những “lý do” được mình bày biện rất đỗi chính đáng: phải cố gắng tạo dựng sự nghiệp, tên tuổi… Mình đã rong ruổi đi tìm những “sự nghiệp” không giống với sự nghiệp bền chắc mà Đức Thế Tôn đã dạy: đó là trí tuệ! May là mình nhận ra sự lầm lạc, lãng quên của mình, đó cũng là một hạnh phúc, bởi từ đấy mình sẽ biết điều chỉnh ý-khẩu-thân, biết “chậm” lại một tí để nhìn sâu, thấy rõ, thương lớn…
Gọi tên hạnh phúc, như là mình còn khỏe mạnh đây, sao mình phải tự làm tim mình thắt lại, đau nhói bởi những ghen hờn, bởi những câu nói thoảng qua của ai đó. Người ta nói mà mình đau từ thân đến tâm là vì mình còn ôm trong lòng những lời nói, biến ngôn từ thành thứ dao găm để cắt xé thân-tâm mình, mà biểu hiện là cái đầu tưng tưng, trái tim tưng tức…
Lòng mình đã không rỗng rang để có thể dung chứa những lời nói, những cái nhìn ác ý… nên mình bị nó làm đau. Mình nhận diện được điều này để mình mở rộng lòng mình ra hơn, bắt đầu bằng những lời nguyện như: “Xin Đức Thế Tôn cho tâm con rộng mở, để dung chứa và yêu thương, để không chấp chặt vào những lời nói, việc làm ác ý của người, bởi con hiểu, nếu con “cột” nó lại thì nó sẽ còn đó, tàn phá thân tâm con…”.
Và cứ thế, mình sẽ gọi tên từng hạnh phúc, có những cái hiện diện lâu nay nơi thân-tâm mình mà mình không thấy, nay thấy. Có những cái lâu nay mình không thấy một cách sâu sắc (theo luật Nhân quả) nên đã không chuyển hóa nó thành hạnh phúc, nay chuyển hóa, biến nó thành chất liệu của hạnh phúc (dù hiện tướng của nó là khổ đau).
Có những người hạnh phúc là được chết và ngược lại. Do vậy, sống hay chết không phải là thứ cảm thọ được mặc định, mà nó thay đổi theo từng thời, “khế cơ, khế lý” trong từng đối tượng, hoàn cảnh. Nếu chết mà đúng thời, là giờ khắc để vãng sanh Cực lạc thì đó là hạnh phúc của người tu, trong mắt nhìn của người con Phật đó là hạnh phúc.
Do vậy, người Phật tử gọi tên hạnh phúc chính là gọi tên hiện tượng, sự việc trong trí sáng, tâm từ. Ờ thì người ấy đã có đường đi rồi, đã thấm nhuần Nhân quả nên sự trụ-hoại của họ không phải là vấn đề đau khổ nữa. Mình cũng có thể đạt được “cảnh giới” ấy nếu mình biết gọi tên những hạnh phúc nho nhỏ như trên để dần tiến xa hơn…
Nguồn tin: L.Đ.L
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự