Mỗi khi bà mẹ nhắc nhở câu nói trên thì người con thận trọng và chú tâm hơn vào công việc đang làm. Nhờ vậy, nên mọi việc trong gia đình đều được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ.
Có ý, tức là chúng ta phải để hết tâm ý vào những gì mình đang tiếp xúc. Có tứ, là quan sát sự việc đang diễn ra đó một cách rõ ràng, tường tận và trung thực. Như vậy, “có ý, có tứ” nghĩa là thân và tâm phải hoàn toàn hiện hữu bên nhau, đồng thời trọn vẹn với những gì đang xảy ra ở phút giây hiện tại. Khi đương tại được thắp sáng, ta sẽ thấu rõ dòng biểu hiện của thân tâm và đối tượng tiếp xúc. Nhờ đó, ta dễ dàng làm chủ được chính mình và bình thản trước mọi xung đột, đổi thay của thế thái nhân tình.
Trong lúc quét dọn nhà cửa, bạn thực tập quan sát từng bộ phận hoạt động của cơ thể mình; từ cánh tay co duỗi khi lau chùi nhà, cảm nhận sự mát lạnh dưới hai bàn chân tiếp xúc với nền gạch, rõ biết từng hơi thở vào và hơi thở ra, lắng nghe những âm thanh từ gần đến xa, v.v… Bạn nhận biết một cách sáng tỏ tất cả những sự kiện đang diễn ra đó, nhưng tâm ý không bị vướng kẹt vào bất cứ đối tượng nào thì bạn có nhiều tự do và an ổn, đồng thời việc dọn dẹp nhà cửa cũng được gọn gàng, sạch sẽ hơn.
Khi lái xe cũng vậy, nếu bạn quan sát thường trực kĩ càng từng diễn biến xảy ra ở trên đường đi thì an toàn hơn cho tự thân mình và cho mọi người xung quanh. Thông thường, khi lái xe toàn cơ thể của ta khá căng thẳng, gồng cứng lên, tâm ý nôn nóng và hướng đến chỗ làm việc hoặc suy nghĩ miên man những chuyện gì đâu đó.
Thân ta đang ngồi trên xe, còn tâm ý bay bổng ở một nơi khác, cho nên đôi lúc ta chạy ẩu vượt qua cả đèn đỏ, dẫn tới việc tắc nghẽn giao thông hoặc bị va chạm vào xe của người khác, gây thương tổn đến tính mạng và thiệt hại tài sản. Và mỗi khi chúng ta nôn nóng, hối hả chạy xe cho thật nhanh để tới sở làm, hoặc vội vàng mong muốn trở về nhà sớm hơn, thì lúc gặp đèn đỏ ta dễ dàng bực bội và khó chịu. Suốt chặng đường lái xe hầu như ta luôn bị phiền não hoành hành, trói buộc và bất an.
Do vậy, khi ngồi trên xe gắn máy hoặc xe hơi, bạn nên thư giãn toàn thân; hai vai và cánh tay buông nhẹ, trên mặt điểm một nụ cười hàm tiếu, giúp cho các tế bào được tươi tỉnh và trẻ trung. Tâm ý phải thường trực rõ biết những diễn biến đang xảy ra trên đường.
Mặt khác, đèn đỏ là cơ hội giúp cho tâm bạn dừng lại và trở về với chính mình. Gặp đèn đỏ, bạn ngồi yên ổn và buông thư toàn cơ thể, giúp cho thân tâm được bình an cũng như tỉnh táo hơn trên những tuyến đường kế tiếp. Khi tâm thức được lắng đọng, thanh tịnh thì dòng nghĩ ngợi miên man hoặc cảm xúc lo lắng, sợ hãi và buồn chán đều bị rơi rụng. Lúc bấy giờ, bạn có được niềm an vui ngay trong khi lái xe, chứ không cần phải chờ đợi đi tới nơi nào cả.
Sự thực tập này, không mất công sức và chẳng hao tốn tiền bạc, nhưng đem lại kết quả hạnh phúc rất lớn. Nếu trong khi lái xe, bạn biết thực tập “có ý, có tứ” như lời mẹ dạy thì sẽ hạn chế việc ùn tắc giao thông, đồng thời tránh được tai nạn đáng tiếc xảy đến cho mọi người. Vì vậy, chúng ta sống “có ý, có tứ” trong mọi sinh hoạt hàng ngày, là điều kiện tất yếu để đem lại sự bình an và hạnh phúc cho tự thân mình cũng như cho bao nhiêu người chung quanh khác.
Lời dạy của mẹ thật là mầu nhiệm như một câu thần chú có công năng giúp cho người con tỉnh thức để sống an lạc với những gì đang có trong hiện tại. Ngôn ngữ của mẹ tuy đơn giản mộc mạc nhưng ẩn chứa nội dung vô cùng thâm sâu. Bởi cụm từ “có ý, có tứ” này không khác gì thuật ngữ “chánh niệm tỉnh giác” đã được đề cập nhiều lần và cũng là điểm cốt lõi ở trong kinh Tứ Niệm Xứ.
Có lẽ, vào thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam qua các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần, tư tưởng Phật học, đặc biệt là Thiền học đã được phổ biến rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước, nên mọi tầng lớp người dân đều thấm nhuần. Từ đó, người người cứ trao truyền cho nhau sự chú tâm, chánh niệm qua cách nói “có ý, có tứ” và ngôn ngữ ấy được lưu truyền mãi cho đến ngày hôm nay.
Có thể nói, chư vị tiền nhân đã để lại cho dân tộc Việt Nam một kho tàng văn hóa vô cùng quý báu mà không phải quốc gia nào cũng có. Vì vậy, để thừa hưởng gia tài quý giá ấy, chúng ta cần phải biết tiếp nối và thể hiện nội dung chánh niệm tỉnh giác vào trong mọi lĩnh vực của đời sống hàng ngày, nhằm đem lại niềm an vui và hạnh phúc.
Sống có chánh niệm tỉnh giác là nếp sống thanh lương, cao đẹp và an lạc cho những người tìm cầu học đạo. Thế nhưng, vì đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống nên nhiều lúc ta quá bận rộn với trăm công ngàn việc. Từ đó, lâu ngày ta bỏ quên bản tâm thanh tịnh vốn có ở nơi mình, để rồi chạy theo một mục đích xa xôi nào đó. Và khi ta sống trong trạng thái mê mờ và lãng quên thực tại như thế thì tâm tư bị phiền não tham sân si sai khiến và buộc ràng.
Sống tỉnh giác, là
khi làm việc gì ta phải rõ biết việc đó; khi đi biết mình đang đi, uống nước
thì biết mình đang uống nước, ăn cơm rõ biết mình đang ăn cơm… Thông thường,
tâm ý ta mê mờ và sống trong ảo tưởng, nên khi ta đi đứng, ăn cơm và làm việc
chẳng khác gì một pho tượng biết di chuyển.
Thói quen xem thường những gì đang có mặt trong hiện tại, và trông ngóng chờ đợi hạnh phúc ở tương lai là căn bệnh khó chữa ở nơi tâm thức của chúng ta. Vì bị kẹt cứng vào hai suy tưởng ấy, nên con người không có tự do để thấy ra được bản chất đích thực của sự sống.
Trong khi đó,
những giá trị cao đẹp của cuộc sống luôn luôn được hiện hữu. Bầu trời trong
xanh, đám mây trắng, hàng cây xanh tươi ven đường, từng bông hoa nở rộ thơm
ngát… tất cả đều biểu hiện với nhiều cái đẹp, cái lành khác nhau để hiến tặng
cho cuộc đời này. Thế nhưng ta vô tình không biết tiếp nhận và thừa hưởng cái
quý giá đó.
Cha mẹ, anh trai, chị gái, em bé thơ dại v.v… những người thân ấy vẫn còn sống và đang còn có mặt bên ta, cũng là điều kiện tất yếu để làm nên hạnh phúc. Thế mà, ta vẫn cứ hờ hững, xem thường và ít khi quan tâm tới, đến một ngày nào đó, bỗng dưng người thân thương mất đi, lúc bấy giờ ta chỉ biết hối tiếc trong muộn màng và sầu khổ!
Sống “có ý, có tứ” là điều kiện rất cần thiết để khơi dậy tình thương và sự hiểu biết vốn có trong mỗi chúng ta. Còn ngược lại, ta sống trong mê mờ lãng quên thực tại thì cánh cửa của hiểu biết và thương yêu sẽ bị khép kín. Do vậy, chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của mẹ: “Con ơi, khi làm việc gì cũng phải có ý, có tứ nghe con”. Và chúng ta hãy áp dụng lời dạy ấy vào trong đời sống hàng ngày, nhằm chuyển hóa phiền não khổ đau, đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và cuộc đời.
Nguồn tin: Viên Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự