Chuyện ăn uống ngày nay

Thứ hai - 19/09/2011 20:08
Tránh việc ăn thịt, không nên sát sinh là góp phần cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sống, và cũng là bước đầu tiên của tiến trình tăng trưởng thiện tâm, trau dồi thiện nghiệp. Nguyện cho mọi người luôn được an lành, sức khỏe dồi dào, thiện căn tăng trưởng.

Tôi không phải là một người sành về chuyện ăn uống, nhưng đề tài này là câu chuyện muôn thuở của thế gian, đứng về góc độ hẹp thì xin có vài điều lạm bàn cùng quý vị.

Dân gian có câu “Có thực mới vực được Đạo”. Câu nói ấy muốn nhấn mạnh 1 điều là cần phải có sức khỏe, tức là phải có ăn uống no đủ “thực” sau đó mới làm được những việc khác. “Đạo” ở đây không phải chỉ cho người tu theo đạo Phật, mà từ “Đạo” này được áp dụng tùy theo hoàn cảnh thích hợp.

Ví dụ: khi anh là một người công nhân, muốn làm việc tốt thì cần phải có sức khỏe, mà muốn có sức khỏe thì phải có chế độ ăn uống thích hợp. Vậy chữ “Đạo” được áp dụng trong trường hợp này chính là công việc mà người công nhân đó đang làm.

Trong Lục độ Ba la mật, điều đầu tiên được Thế tôn nhắc đến đó là “Bố thí”. Nói về bố thí thì có 3 hình thức: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Trong 3 trường hợp này “Tài thí”cũng được nhắc đến đầu tiên.

Về mặt thực hành thì “Bố thí” mà trong đó “Tài thí” là dễ làm nhất, nên Phật nói ra trước tiên. Chủ yếu là khiến cho chúng sinh bỏ tâm tham chấp, bước đầu xả bỏ hết những tài sản, phát khởi lòng từ san sẻ với chúng sinh bằng những tài sản có được từ mồ hôi, nước mắt, từ việc làm chân chính của mình.

Tuy nhiên trong bài viết này, “Bố thí” được đề cập như là một hình thức cho thấy rằng muốn làm việc gì, kể cả chuyện tu học thì điều kiện cần là phải đảm bảo vấn đề ăn uống, tức là đảm bảo có một sức khỏe tốt.

Vì khi người ta không có cơm ăn, áo mặc, thiếu trước hụt sau, mà bảo họ đi đến chùa nghe pháp, niệm Phật tụng kinh thì chắc là không có ai đi rồi, hoặc có chăng là đi với tính cách miễn cưỡng, đi với “một điều kiện kèm theo!”.

Trong đạo Phật, sức khỏe của Tăng chúng luôn được quan tâm ngay từ khi Thế tôn còn tại thế. Ngài khuyên Tăng chúng ăn ngày một bữa (khoảng 12 giờ trưa đến khoảng 1 giờ, sau 1 giờ thì Tăng chúng không được phép ăn) vì để đảm bảo cho chư Tăng không mất thời gian vào việc ăn uống, tập trung lo việc tu học thoát ly sinh tử.

Hình thức không ăn chiều (sau 1 giờ) cũng là 1 hình thức hợp với khoa học, bởi lẽ buổi chiều nếu ăn nhiều quá, trong lúc tọa thiền sẽ dể bị hôn trầm, tổn hại sức khỏe.

Và hơn nữa trong thời đại của Ngài, môi trường sống rất trong lành, con người và thiên nhiên sống hài hòa với nhau, không thấy cảnh những ống khói cao chọc trời, đi ra đường không cần đeo khẩu trang, không có  động cơ xe gắn máy, xe ô tô, môi trường trong lành, chính vì thế mà sức khỏe con người thời đó phần nào hơn hẳn chúng ta bây giờ.

Ngày nay, trong hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (Lào, Campodia, Thái lan, Myanma, Sirilanka, và một số ít ở miền tây Nam Bộ của Việt nam…) vẫn còn lưu truyền hình thức ăn ngày một bữa (nhưng rất ít), đại đa số là được dùng 2 bữa trong ngày (bữa sáng là phụ, bữa trưa là chính, tuyệt không ăn chiều, trừ những người bệnh).

Trong hệ phái Phật giáo Phát triển (hay gọi là Phật giáo Đại thừa) thì được phép ăn ngày 3 bữa (sáng, trưa, chiều, và buổi trưa cũng vẫn là buổi ăn chính). Tuy nhiên ngày nay, một vài chùa (theo hệ Phật giáo Phát triển) vì công việc hoằng pháp và việc học của Tăng chúng quá nhiều nên đôi khi cả ba bữa ăn trong ngày gần như là như nhau).

Một vài thiền viện, Tăng chúng ở tập trung, học và tu trong nội viện, ít đi ra ngoài vì thế buối sáng họ dùng cháo loãng, buổi trưa là bữa cơm chính và buổi chiều thường là uống sữa hoặc dùng bột.

Đó là sơ nét về việc ăn uống trên nguyên tắc căn bản của các tự viện theo cả 2 hệ thống Nguyên thủy và Phát triển trong Phật giáo mà phần lớn hình thức này được áp dụng rộng rãi tại Việt nam.

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao có việc khác nhau như vậy? Là vì trong thời buổi văn minh tân tiến như hiện nay, khoa học công nghệ phát triển kèm theo những tác động xấu gây ảnh hưởng đến môi trường khiến cho sức khỏe con người bị suy giảm trầm trọng, và chúng Tăng cũng không ngoại lệ. Vì lẽ đó mà để bảo đảm việc tu học được tốt nên chư Tổ mới phương tiện cho chúng Tăng dùng ba bữa hoặc là 2 bữa trong ngày.

Về vấn đề ăn uống của đại đa số quần chúng trong thời đại ngày nay phải nói hết sức phong phú.

Vì để thu hút thực khách, các nhà hàng đã trưng bày những sản phẩm ăn uống vô cùng hấp dẫn với hàng loạt các tên gọi như là: gà nấu tương me, mì vịt ôm hoa quả, cá ngừ đại dương sốt tiêu, lẩu cá chép, cá cháy Trà ôn, cá nhồi trong cá, đùi gà roti.v…v. không thể kể hết, bao nhiêu là món ăn phục vụ tối đa nhu cầu ẩm thực của con người.

Người ta thường nói “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Thế nhưng con người ngày nay theo lối sống thực dụng hưởng thụ thì họ “Sống để mà ăn chứ không phải ăn để mà sống”. Chính vì thế mà bao nhiêu căn bệnh quái ác phát sinh mà phần đông cũng do cái ăn mà ra như: ung thư, tai biến, tiểu đường, nhũng não, loét bao tử, viêm đường ruột...

Có thể nói bao nhiêu món ăn là tương ứng với bao nhiêu căn bệnh. Vậy lý do nào như thế? Theo tôi có mấy nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, gia súc gia cầm hiện nay bị nhiễm nhiều chứng bệnh do môi trường chăn nuôi không được vệ sinh tốt, hàm lượng thức ăn có quá nhiều chất hóa học so với hàm lượng thức ăn chiết xuất từ thiên nhiên. Vì thế mà các bệnh như: bò điên, cúm lợn, cúm gà, lợn tai xanh, long mồm lở móng v.v...

Tại Pháp phần đông người dân thường dùng trứng gà làm thức ăn chính, nhất là vào buổi sáng vì hàm lượng chất dinh dưỡng trong trứng gà rất cao. Để tạo ra nhiều trứng gà phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân mà các nhà nghiên cứu đã nảy ra một hình thức “ép gà đẻ trứng”.

Bằng cách là cắt ngắn mỏ của gà lại, khiến cho chúng không thể nào khép mỏ được và rồi dùng “máy phóng thức ăn” (thức ăn hóa học dạng viên) phóng trực tiếp vào miệng gà, dù muốn hay không gà cũng phải nuốt thức ăn vào trong dạ dày.

Với cách này mỗi ngày một con gà có thể đẻ ra số trứng gấp nhiều lần so với những con gà bình thường khác. Còn về giá trị dinh dưỡng của quả trứng thì chắc là không đạt yêu cầu, vì nếu trứng gà được sản xuất ra với quy trình kỷ thuật “kinh khủng như thế” thì chẳng khác gì phân gà được thải ra sau khi ăn. Chưa nói đến sự đau khổ của các con gà khi bị “cắt mỏ, ép ăn và ép đẻ trứng” như vậy.

Thứ hai, là các lò mổ giết gia súc không được bảo đảm vệ sinh và các loài vật nuôi chưa được kiểm tra sức khỏe trước khi mổ.

Thứ ba, là cách thức chế biến thức ăn còn nhiều bất cập, chưa hợp vệ sinh, dùng quá nhiều hóa chất phẩm màu.

Ba điều nêu trên là đứng về góc nhìn của các chuyên gia vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn điều kiện thứ tư là dưới góc nhìn có phần tâm linh một chút.

Như chúng ta đã biết, ai ai cũng quý mạng sống của chính mình, giả sử khi chúng ta bị giết chúng ta có sợ hãi, có tức giận, oán thù (nếu bị giết oan) không? Đành rằng các con vật kia vì một lẽ nào đó mà chúng phải chịu cảnh làm thức ăn cho con người, nhưng chúng vẫn có mạng sống và biết quý yêu mạng sống của chúng.

Thử hình dung khi chúng ta muốn ăn một con gà (gà thả trong vườn), điều đầu tiên là chúng ta ra sức đuổi bắt nó, vì đâu có con gà nào chịu đứng lại để cho chúng ta bắt đâu, hoặc là đâu có con heo nào nằm một chỗ (trừ khi bệnh) mà nói rằng: “tôi đây thưa chủ nhân, xin hãy đến bắt tôi làm thịt, tôi đã đủ ký rồi, tôi đang chờ ngài đến đây?” mà thay vào đó là tiếng la hét vang trời khi chúng ta bắt nó.

Trong thời gian đó, sự sợ hãi của các con vật đã tăng lên, đến lúc chúng ta kề dao cắt cổ, thọc huyết chúng thì sự sợ hãi đó càng tăng lên gấp bội, kèm theo tiếng la hét, vùng vẫy thể hiện sự giận dữ.

Tất cả những trạng thái đó sẽ được ngấm vào máu, thấm vào thịt, và ngay sau khi giết chúng xong, máu của chúng có màu bầm đen hơn là màu đỏ hồng. Khi người tiêu dùng mua thức ăn đó (chưa kể là con vật đó đang có bệnh), chế biến và sử dụng thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta trực tiếp đưa mầm bệnh, đưa sự oán thù, tức giận vào trong cơ thể, vào trong máu của chúng ta.

Vì thế có một nghiên cứu xác nhận rằn : “người dùng nhiều thịt động vật sẽ dể bị kích động, tức giận và mức độ sát hại người khác cao hơn so với người dùng thức ăn từ rau củ quả”.

Theo chúng tôi được biết là có một món ăn rất hấp dẫn đối với thực khách sang trọng, đó là món “óc khỉ”. Cần phải nói thêm là, hình thức này có lẽ là được áp dụng từ ở Trung Hoa dưới thời phong kiến.

Họ bắt một con khỉ, cho ngồi vào một cái lồng bằng sắt, phía dưới có một vỉ than hồng rất nóng. Phía trên lồng sắt có một lỗ vừa đủ để đầu khỉ ngoi lên và dùng 1 vòng sắt kẹp đầu khỉ lại. Bằng cách này con khỉ sẽ ngồi trong tư thế cố định và chịu đau đớn tột độ vì sức nóng từ vỉ than hồng. Lúc đó họ sẽ dùng dao, bằng kỹ thuật điêu luyện họ vạt đỉnh đầu con khỉ như vạt trái dừa tươi, tiếp đến họ cho chanh, muối tiêu và một ít gia vị, thực khách chỉ việc múc ăn.

Tại sao phải dùng hình thức này? Họ lý giải rằng: khỉ rất thông minh, nếu ăn óc của một con khỉ đã làm sẵn thì sự thông minh sẽ không có nhiều, vì thế cần phải ăn với hình thức này, cộng thêm sức lửa nóng sẽ làm cho máu khỉ dồn lên não, độ IQ của khỉ hoàn toàn được gom tụ lại, khi dùng thì sẽ ngon hơn và dùng xong thi sẽ thông minh hơn.

Về việc ăn óc khỉ có thông minh hay không tôi không biết rõ, nhưng nếu dùng hình thức này để giết thì quả thật là tàn nhẫn, dã man. Chưa nói đến việc ngồi nhìn người ta hành hình một con khỉ từ lúc bắt đấu cho đến khi múc ăn thì hết ngôn từ để bàn luận.

Sài Gòn có một hình thức ăn lẩu lươn tươi sống, không kém phần dã man. Lươn sau khi tẩy hết chất nhớt, để nguyên trạng không giết, họ cho vào nồi lẩu đang sôi, người phục vụ một tay cầm phần đầu thả vào nước sôi, một tay khác cầm phần đuôi của lươn. Khi được thả vào, vì sức nóng, lươn quặn mình đau đớn, uốn cong theo đường tròn của nồi lẩu, kèm theo đó là sự vỗ tay tán thưởng của thực khách mà trong số đó không ít là trẻ em.

Món này ngon bổ ra sao thì do người thưởng thức. Còn phần tôi thấy đau lòng vì tiếng vỗ tay tán thưởng, không biết rồi sau này những đứa trẻ kia chúng cũng sẽ hành hình cha mẹ chúng như những gì chúng đã chứng kiến trong buổi ăn kinh hoàng đó.

Như vậy hóa ra con người “Sống để ăn” chứ không phải là “Ăn để sống”. Khi ăn như vậy thì phần “Người” trong con người của họ đã chết rồi. Người ngồi đang ăn chỉ còn lại phần “Con” không hơn không kém. Và chỉ có người mất hết lòng nhân, mất hết tình thương mới ăn như thế, cũng sẽ từ “Cái ăn” đó mà bệnh khổ sẽ phát sinh.

 “Bệnh từ khẩu nhập, họa từ khẩu xuất” câu nói này chắc hẳn không bao giờ sai. Bởi lẽ miệng là cửa ngõ lưu thông vận chuyển thức ăn từ bên ngoài vào cơ thể, nhưng thức ăn không thanh tịnh, không trong sạch, ăn uống quá độ thì bệnh khổ là điều khó tránh. Cũng từ miệng mà con người sống hòa thuận bên nhau, cũng từ miệng mà con người trở mặt hại nhau, thảm họa từ miệng mà ra. Cho nên:

 “Mỗi khi thốt lời ra,

Nói sao cho ôn hòa,

Khiến người nghe cảm mến,

Ghi nhớ mãi không quên.

Và:

 “Miệng ta là hoa sen,

Một phen đã hé nở,

Tỏa hương thơm Phật Pháp,

Gieo mầm giác cho người.”

Ngày nay, khi xã hội càng tiến bộ, con người càng chú trọng đến việc ăn uống. Tuy nhiên ăn uống thế nào để có sức khỏe tốt, ít bệnh tật là điều mà chúng ta cần lưu tâm.

Như trên đã nói, các thức ăn chúng ta ăn phải cần đảm bảo vệ sinh, ít nhất là cũng phải được qua sự kiểm dịch. An toàn hơn hết là chúng ta nên dùng thức ăn từ thiên nhiên. Hạn chế việc ăn thịt và các thức ăn có máu tanh.

Vì sao? Vì trong các thức ăn thiên nhiên có đầy đủ chất dinh dưỡng, hàm lượng đạm và vitamin rất dồi dào, đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe cần thiết cho chúng ta.

Trên thế giới nói chung và các quốc gia phương Tây nói riêng đã và đang tiến hành cuộc vận động sử dụng thức ăn thiên nhiên, họ lên án việc giết hại gia súc gia cầm. Thậm chí họ sẵn sàng dùng cơ thể của họ để thu hút sự quan tâm của công chúng trong việc vận động ăn chay.

Nhiều người, nhất là các ông bố bà mẹ vẫn có quan điểm an chay là thiếu chất dinh dưỡng, thiếu trí tuệ, học hành giảm sút, họ cho hình thức ăn chay như là một hình thức khổ hạnh ép xác. Vì thế hai từ “Ăn chay” trở nên phản cảm đối với họ.

Nhận xét như họ là hoàn toàn không phù hợp. Nếu nói ăn chay là thiếu trí tuệ, thiếu chất dinh dưỡng thì tu sỹ Phật giáo là thiếu trí tuệ, thiếu chất dinh dưỡng hết sao? Nói như vậy thì một quốc gia có đến 70% dân số ăn chay như Ấn Độ là thiếu trí tuệ, là suy dinh dưỡng hết sao?

Trong khi đó, các tu sỹ Phật giáo vẫn có người học tập rất tốt, đâu thiếu gì bằng cấp, học hàm học vị cũng đâu thua gì người khác. Tại Ấn Độ trong nhiều thế kỷ trước hình thức ăn chay đã phổ biến rộng khắp, nhất là dưới thời vua Asoka.

Bao nhiêu thế kỷ trôi qua, người Ấn Độ vẫn ăn chay, họ vẫn sống và cống hiến nhiều nhân tài cho thế giới, trong đó tiêu biểu là Thánh Mohandas K. Gandhi (02/10/1869 – 30/01/1948), người mà “Ngày nay nhân dân Ấn Độ gọi ông bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Linh hồn vĩ đại, siêu thánh / Great soul), hoặc Vị cha già dân tộc (the Father of the Nation”.

Ông là một người quên mình vì dân tộc, hy sinh cả cuộc đời cho hòa bình tại Ấn Độ, người chủ trương học thuyết bất bạo động: “Tháng 5 năm 1945, hai tháng sau ngày Đức đầu hàng. Đảng Lao động dưới sự điều khiển của Nội các Anh, Attlee giữ chức Thủ tướng. Vài tháng sau ngày Nhật Bản thất bại thảm hại, người Anh đã chính thức tuyên bố “buông tay” và hứa trả lại Ấn Độ cho những người chủ thực sự của nó. Cuộc đấu tranh giành độc lập Ấn Độ đang tiến đến đỉnh thành công.

Chính quyền Anh tại Ấn tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội cho Ấn Độ. Đảng Quốc trại “thắng lớn” trong cuộc bầu cử này. Sau cuộc bầu cử một số thành viên thuộc Hồi giáo đặt vấn đề chia cắt Pakistan, Mohandas K. Gandhi trả lời trong tiếng khóc: “Bạn có thể cắt tôi làm hai, nhưng xin đừng làm điều đó với Ấn Độ” (Cut me in two, but do not cut India in two).”

 “Ngày 24 tháng 8 năm 1946, Jawaharlal Nehru chính thức nhậm chức Phó Tổng thống chính phủ Ấn Độ lâm thời. Sau ngày chính phủ lâm thời Ấn Độ được thành lập, Gandhi ước ao được về tĩnh dưỡng tại Sevagram, tuy nhiên những người đứng đầu đảng Quốc đại xin Ông ở lại Delhi để giúp họ cố vấn mọi vấn đề.

Gandhi quyết định ở lại Delhi. Nhân ngày 15 tháng 10 năm 1946, tập đoàn Hồi giáo quyết định gia nhập vào chính phủ lâm thời, Gandhi cho rằng đây là thời gian tốt nhất để ông có thể về thăm Sevagram. Khi vừa rời Delhi, Gandhi nghe tin các nhóm Hồi giáo đang nổi loạn ở Bengal, nhiều vụ án thảm khốc xảy ra ở đó.

Gandhi quyết định dời bỏ ý định về Sevagram, ông đến thẳng quận Noakhali thuộc đông Bengal, với hy vọng sẽ mang lại an bình cho nơi đó. Tại Bihar hàng ngàn người bị giết chết, mấy ngàn người bị thương, Gandhi chết lặng trước thảm cảnh đó, ông khuyên mọi người hãy bình tâm và khuyên rằng “người Ấn đừng nên tiếp tục sát hại người Ấn”.

Gandhi bắt đầu đi từ làng này sang làng khác, từ nhà này đến nhà nọ, nơi nào ông đến nơi đó được mang theo thông điệp của bình an. Nơi nào những làn sóng phản đối nổi dậy, nơi đó Mohandas K. Gandhi đến và mọi bạo động đều tan biến…”

“Ông Mountbatten – Phó quốc trưởng Ấn Độ – tôn vinh Mohandas K. Gandhi là “Kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà tự do Ấn Độ thông qua những viên gạch bất bạo động” (the architech of India’s freedom through non-violence).”

Và ông cũng là tham gia hội người ăn chay từ rất sớm: “Tháng 11 năm 1888, Mohandas K. Gandhi chính thức trở thành sinh viên Luật khoa của Đại học tổng hợp Luân Đôn. Mohandas K. Gandhi kết thúc khoá học và chính thức nhận văn bằng tốt nghiệp vào ngày 10 tháng 6 năm 1891, với bảng điểm xếp hạng khá.

Sau đó hai ngày, Mohandas K. Gandhi lại theo thuyền buôn trở về Ấn Độ. Trong thời gian ba năm lưu trú tại Luân Đôn, Mohandas K. Gandhi tham gia Hội người ăn chay Luân Đôn (London Vegetarian Society), và người ta thấy nhiều bài báo dưới bút danh Mohandas K. Gandhi được đăng tải trên tạp chí Vegetarian (Người Ăn chay).”

Ông là người trung thành với hình thức ăn chay cho đến cuối đời: “Mùa xuân năm 1917, Ngài Chelmsford, phó quốc trưởng Ấn Độ (the Viceroy of India),  mở cuộc hội thảo bàn về những diễn biến về cuộc chiến thế giới, khách mời là tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp tại Ấn Độ, tất nhiên Mohandas K. Gandhi cũng nằm trong số đó.

Cùng năm này sức khoẻ Mohandas K. Gandhi bắt đầu xuống cấp, ông từ chối mọi thuốc men và mọi lời khuyên về sức khoẻ, dấu hiệu xuống dốc của cơ thể ngày một rõ rệt, nhưng Mohandas K. Gandhi vẫn quả quyết rằng tinh thần sẽ chiến thắng tất cả. Sức khoẻ ông chưa bình phục, thì tin mừng được toan tải trên toàn cầu “Chiến tranh kết thúc”.

Mohandas K. Gandhi đi Matheran, từ Matheran ông đến Poona. Tại Poona một bác sĩ tốt bụng lại phát tâm khám và khuyên Gandhi nên dùng ít sữa và tiêm ít thuốc. Gandhi đồng ý cho vị bác sĩ đó tiêm ít thuốc, nhưng từ chối việc dùng sữa.

Bà Kasturbai đứng cạnh đó lên tiếng: “Ông không thể dùng được sữa bò, sữa trâu, nhưng sữa dê (goat’s milk) cũng không dùng nữa sao!”, “Ừ đúng đấy, sữa dê cũng có hàm lượng sinh tố cao, giúp người bệnh chóng phục hồi, ông uống thử chút đi!” ông bác sĩ “đệm” vào, Gandhi khẽ gật đầu…” (những đoạn trên được trích từ “Đôi nét sơ lược về cuộc đời MAHATMA GANDHI” (02/10/1869 – 30/01/1948) LÊ BÍCH SƠN ,Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 134 của Thánh Gandhi).

Qua những đoạn văn trên chúng ta thấy lập luận cho rằng ăn chay thiếu trí tuệ, thiếu sức khỏe làm việc là hoàn toàn không phù hợp. Bởi Gandhi cũng là con người bình thường, ông gia nhập hội ăn chay từ khi còn trẻ, khoảng thời gian còn lại ông sống cho quê hương đất nước, dù bận trăm công ngàn việc, dù sức khỏe hao mòn, ông vẫn nhất quyết không dùng thức ăn khác, thậm chí cả sữa trâu, bò… và cho đến lúc ngã quỵ vì thương vợ, thương dân tộc, nghe theo lời bác sỹ ông mới miễn cưỡng dùng chút sữa dê.

Như vậy vấn đề ăn uống phải cần được hiểu một cách rõ ràng, những quan niệm lạc hậu, phản khoa học phải được loại trừ, chúng ta ăn uống những thứ thanh tịnh, sạch sẽ là để bảo vệ sức khỏe cho mình “liều thuốc hay nhất chống lại mọi bệnh tật là nguồn thức ăn tinh khiết”.

Nói thế không có nghĩ là chúng ta lạm dụng việc ăn uống vô độ, rượu bia thâu đêm suốt sáng chính là con đường ngắn nhất để góp phần làm giảm sức khỏe và cách tốt nhất để rút ngắn đời sống của chúng ta.

Tại Trung Quốc nơi được mệnh danh là thiên đường của ăn uống, các món ăn với cách trang trí hết sức điêu luyện đã làm ngất ngây bao thực khách.

Thế nhưng trong thế kỷ này, Trung Quốc lại phát minh ra một món ăn, cũng là một món thuốc đại bổ có tên là “thuốc bắc hầm thai nhi”. Không biết đã có ai dùng chưa, nhưng trên thực tế khi nhìn hình ảnh một vị bác sỹ (mặc áo blu trắng) đứng trước một tô thịt “thai nhi hầm thuốc bắc” thì chỉ có kinh tưởm và không còn cảm giác muốn ăn.

Tôi không biết người chế biến ra món ăn này có phải là con người không hay là một con quái vật đội lớp người. Rồi đây họ sẽ còn phát minh ra bao nhiêu món quái lạ như thế nữa, và còn bao nhiêu thai nhi chưa chào đời đã bị đem “hầm” thuốc?

Sát hại những loài gia súc gia cầm được coi là hành động dã man, và nay hành động lấy thai nhi làm thuốc thì mức độ dã man sẽ như thế nào? Ai trong chúng ta dám ăn món ăn này không? Hành động mất nhân tính đó đáng bị lên án, và quả báo sẽ không thể nào lường trước được.

Trong Phật giáo hành động sát sinh được cấu thành thông qua 4 giai đoạn: có đối tượng giết, tâm muốn giết, hành động giết và kết thúc hành động giết trong sự thõa mãn thích thú.

Ví dụ như con cừu là đối tượng bị giết; tâm muốn giết gồm có: ba độc (tham, sân, si), động cơ thôi thúc giết, và sự phân biệt; tiến hành giết thì có nhiều hình thức: đập đầu, bắn tên, thọc huyết, cắt cổ, đổ nước sôi, quay nướng…và cuối cùng là thỏa mãn, thích thú vì hành động giết đó.

Khi nghiệp sát được cấu thành thì quả báo sẽ tương ứng sẽ xảy ra, mà trong hiện đời chúng ta cũng ít nhiều đã từng được chứng kiến nhiều người trước khi chết tru tréo, trợn mắt, miệng mồm chảy nước dãi không khác gì một con chó.

Lại có người tuy chưa chết mà bị nhiều chứng bệnh là không phương cứu chữa như toàn thân nổi vẩy sần sùi như vẩy rắn, toàn thân nổi u nhọt như là da cóc.v…v. những gì thấy ngày hôm nay chúng ta phải sinh tâm sợ hãi và nguyện sống lành mạnh, không sát hại chúng sinh chỉ vì thỏa mãn lòng tham ăn của mình.

Tóm lại, ăn uống có tiêu chuẩn là cách để tạo sức khỏe tốt, sống có ích cho bản thân gia đình và xã hội. Chọn thức ăn từ nguồn gốc thiên nhiên, thông qua bàn tay chế biến an toàn chắc chắn chúng ta sẽ có được những bữa cơm gia đình an toàn, ngon miệng.

Ngày nay các món chay cũng vô cùng phong phú như: rong biển cuộn xôi, lẩu rau ngũ sắc.v…v điều cần thiết là chúng ta nên chọn những tên gọi thích hợp để đặt cho các món ăn chay, không nên mượn danh từ của các món ăn mặn để gán đặt vào, làm thế hóa ra chúng ta ăn chay mà luôn nghĩ đến ăn mặn.

Có thể chọn lọc và tìm hiểu để đưa một số danh từ Phật học đặt tên cho các món ăn thuần tịnh này như: bát cánh đạo, tứ chánh cần, tứ như ý túc… thông qua đó chúng ta cũng góp phần đưa Phật học gần với đời sống thực tế hơn.

Tránh việc ăn thịt, không nên sát sinh là góp phần cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sống, và cũng là bước đầu tiên của tiến trình tăng trưởng thiện tâm, trau dồi thiện nghiệp. Nguyện cho mọi người luôn được an lành, sức khỏe dồi dào, thiện căn tăng trưởng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây