Nghiệp bệnh ung thư (Phần 2)

Chủ nhật - 04/09/2011 08:45
Nhiều người mắc bệnh nan y thường được mọi người khuyến nên niệm Phật. Nếu phước tốt thì khỏi bệnh, nếu không vượt qua được thì hy vọng có thể về Tây Phương Cực lạc hoặc không bị đoạ vào ba đường ác đạo.

Phần 2: Lạy Phật tiêu nghiệp chướng

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như một số nước châu Á khác ảnh hưởng nhiều tư tưởng Phật giáo. Không chỉ những người theo Phật mà cả người dân bình thường cũng dùng câu niệm Nam mô A Di Đà Phật thay cho lời chào khi gặp nhau. Khi tâm không bình yên hay lúc bệnh tật họ cũng niệm Phật để trấn an tinh thần. A Di Đà Phật trở thành câu niệm ăn sâu vào trong tâm thức của người dân.

Nhiều người mắc bệnh nan y thường được mọi người khuyến nên niệm Phật. Nếu phước tốt thì khỏi bệnh, nếu không vượt qua được thì hy vọng có thể về Tây Phương Cực lạc hoặc không bị đoạ vào ba đường ác đạo.

Thực tế có không ít người đã thoát khỏi các căn bệnh nan y nhờ niệm Phật. Chuyển tế bào từ ác tính sang lành tính. Cơ cở của sự chuyển hoá này vẫn được cho là bí ẩn, huyền diệu không thể giải thích được. Nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn đó. Nhiều người nghi ngờ về sự hiệu nghiệm của nó. Có người còn cho đó là mê tín dị đoan không có một cơ sở khoa học nào.

Để  mọi người hiểu rõ thêm về sự vi diệu, bất khả tư nghì  của câu niệm đại thần chú A Di Đà Phật, tôi xin được đi sâu thêm vào phần này

Qua những điều phân tích ở phần một, ta thấy rõ cơ sở bệnh tật của con người trong kiếp hiện tại trừ những bệnh cảm cúm thông thường do thời tiết, chế độ ăn uống…thì  đều có nguyên nhân từ những hành vi tác tạo trong quá khứ. Muốn thay đổi được quả báo trong đời này con người phải tác động vào những  nhân đã gieo trước đây.

Tư tưởng của nhiều đạo giáo cho rằng, con người sinh ra đều có một số  mệnh nhất định (có thể do trời định). Bộ Kinh dịch Trung quốc cũng đã đoán số mệnh này thông qua tứ trụ (năm, tháng, ngày, giờ) sinh của con người. Nho giáo, Khổng giáo… đều cho rằng số mệnh con người là khó thay đổi, nó được quy định như một sự việc bất biến mà con người phải tuân theo. 

Quan điểm Phật giáo không cho là như vậy. Con người sinh ra có số mệnh, nhưng không bất biến, vẫn có thể thay đổi mệnh của mình bằng việc tác động vào quy luật nhân quả. Vì sao vậy ? Vì chữ mệnh có thể hiểu là đồng nghĩa với chữ nghiệp. Nghiệp chính là những hành vi từ thân, khẩu, ý tạo nhân chính cho con người đã gieo từ các kiếp trước, đến kiếp nay bắt đầu trổ quả.

Người ta có thể tác động thay đổi nhân bằng cách: Làm thui chột, thêm vào hay bới đi… những gì mà con người đã gieo trước đây.

Dựa trên cơ sở này mà Phật giáo đã sử dụng các phương cách tác động vào nhân trong quá khứ đó là trì tụng Kinh Chú, lạy Phật sám hối nghiệp chướng, không sát sinh, an chay, phóng sinh  các loại sinh vật…

Ba tông phái chính của Phật giáo hiện nay là Mật tông, Thiền tông, Tịnh độ đều có các phương cách tịnh, trừ tiêu nghiệp chướng cho các để tử của mình. Vì nếu không tiêu được nghiệp thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tiến trình giải thoát.

Trì tụng Chú, Sám hối Lạy Phật để tiêu nghiệp là một phương pháp khoa học có cơ sở theo quy luật nhân quả của Pháp giới  (vũ trụ).

Thế giới chúng ta đang sống là thế giới vật chất Vật chất có quy luật của vật chất. Trong vũ trụ bao la này không chỉ có một cảnh giới mà ta đang sống Trong tam thiên đại thiên thế giới có đến 10 cảnh giới khác nhau (Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật, A la hán, Trời, A tu la, người, súc vật, ngạ quỷ, địa ngực).

Những cảnh giới đó cũng có các chuyển động theo quy luật khác nhau. Sự tương tác giữa các cảnh giới hay còn gọi là cảm ứng đạo giao giữa con người với các cõi giới khác không theo quy luật vật lý thông thường.

Thế giới tâm linh chịu sự vận hành theo quy luật của pháp giới vũ trụ. Nhiều các hiện tượng thuộc về thế giới tâm linh khoa học vật chất không thể giải thích được. Nhưng không phải vì thế mà nói nó là mê tín dị đoan, hoang tưởng và không có cơ sở ….

Trì tụng Kinh Chú Phật  thuộc về thế giới tâm linh. Có rất nhiều bài Chú vi diệu vô cùng. Nó có thể thay đổi được tâm thức, nghiệp thức và đạt được sự linh ứng không thể nghĩ bàn. Câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật là một câu đại thần chú bất khả tư nghì. Nếu dùng tâm để niệm bạn sẽ thấy nó như một thần lực dẹp được vọng niệm trong đầu.

Khi người niệm đến nhất tâm bất loạn. Niệm mà không niệm, không niệm mà niệm thì thế giới Chư Phật thập phương cùng niệm với bạn. Lúc đó cảm giác an lạc xuất hiện một cách diệu nghiệm. Như vậy, niệm Phật và Sám hối nghiệp chướng hoàn toàn có cơ sở để chuyển nghiệp, biến khối u ác tính thành khối u xơ lành tính. Chỉ có những người có niềm tin sâu vào Phật giáo sẽ hiểu được.

Niệm Phật, sám hối… phát tâm cầu nguyện được vãng sanh về Cực lạc quốc sau khi rời bỏ báo thân thuộc về pháp môn Tịnh độ Tông. Ba bộ Kinh chính trong pháp môn Tịnh Độ là Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng thọ và Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Kinh Quán Vô Lượng Thọ là bộ kinh còn có tên là Tịnh Trừ Nghiệp Chướng Sanh Chư Phật tiền.

Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ có đoạn: Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan:" Nầy A Nan! Ông thọ trì lời Phật vì đời vị lai tất cả đại chúng, những người muốn thoát khổ, mà nói pháp quán địa ấy. Nếu người quán địa ấy thì trừ được tội sanh tử trong tám mươi ức kiếp, bỏ thân hiện tại, đời khác quyết định thọ sanh quốc độ thanh tịnh, tâm được không nghi.

…Trong quốc độ Cực Lạc diệu bửu ấy, mỗi mỗi khu vực có năm trăm ức lầu báu….Trong các âm thanh ấy đều diễn nói niệm Phật, niệm pháp, niệm Tỳ Kheo Tăng. … Nếu thấy như vậy thì trừ vô lượng ức kiếp cực trọng ác nghiệp, sau khi mạng chung, quyết định sanh nước Cực Lạc.

Ngày nay  các đệ tự của Phật đã dùng câu niệm Phật A Di Đà để  diệt vọng tưởng và tịnh, trừ nghiệp vãng sanh về Tây Phương Cực lạc. Câu Niệm A Di Đà Phật đã trở thành một câu thần chú bất khả tư nghì mà chỉ có những người trì tụng nó một cách tinh tấn mới hiểu được công năng của nó.

Trong các điển tích của Phật giáo cũng như những câu chuyện có thật trong lịch sử có rất nhiều chuyện kể về nhiều người thông qua lá số tử vi đoán biết được số mệnh chết yểu của mình. Họ đã an chay niệm Phật sám hối nghiệp chướng phóng sinh làm công đức mà tăng tuổi thọ của mình. Khổng Minh (được cho là thánh nhân) sau một trận đánh hoả công bắt Mạnh Hoạch chết hàng vô số sinh mạng. Ông hiều rằng sau trận đánh này tuổi thọ của ông sẽ giảm đi 10 năm. Cuối cùng ông chết vì lao lực kiệt sức ở 55 tuổi.

Thực tế  câu niệm Nam Mô A Mi Đà Phật có công năng rất lớn và rất hiệu nghiệm trong việc thay đổi tâm thức chuyển nghiệp chữa bệnh. Nhưng không phải ai cũng có thể thành công khi niệm Phật hiệu này. Nó cũng khó như việc nhiều người niệm Phật nhưng không phải ai cũng vãng sanh được về thế giới Tây Phương Cực lạc. 48 đại nguyện của đức Phật A Di Đà trong kinh Vô Lượng Thọ là tuyệt đối xác thực, vấn đề người niệm Phật có đạt đến mức nhất tâm bất loạn hay không và có thành tâm chí nguyện hay không.

Để kết thúc bài viết tôi xin được đưa lời khai thi của Pháp sư Tịnh Không khi nói về ý nghĩa của công phu niệm Phật. “Thế nào gọi là niệm Phật? Ý nghĩa của chữ niệm theo cách chiết tự là: ở trên có chữ kim, ở dưới có chữ tâm. Như vậy có nghĩa là gì? Là cái tâm hiện tại vậy.

Trong nhà Phật nói một niệm hiện tiền, cái tâm một niệm hiện tiền đó là niệm. Trong cái tâm một niệm hiện tiền này có đầy đủ: chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chánh giác – từ bi; Có cả nhìn sâu – buông xả – tự tại – tuỳ duyên, đó gọi là niệm Phật.

Như vậy, mười điều chân chánh là Phật. Vì sao gọi là chân thành? Bởi vì trong chân thành có thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, cho đến nhìn sâu, buông xả, tự tại, tuỳ duyên, niệm Phật. Cho nên, trong một điều có đủ chín điều còn lại, kinh Hoa nghiêm nói: một tức nhiều, nhiều tức một, một và nhiều không phải hai; kinh Duy ma nói: bất nhị pháp môn.” 

Nam Mô A Di Đà Phật ! Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mầu Ni Phật !  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây