Xã hội đang thiếu vắng lòng khoan dung
Chúng ta phải nhìn nhận là chưa bao giờ trong lịch sử, cuộc sống chúng ta lại phải chứng kiến nhiều cái chết thương tâm vì những lý do rất vu vơ, lãng xẹt như hiện nay. Ghen tuông cũng giết, yêu không được đáp lại cũng giết, tranh chấp trong công việc làm ăn cũng giết, nhìn đểu cũng giết!
Có những chuyện tưởng như bình thường lại trở nên nghiêm trọng như tình trạng va quẹt xe diễn ra hàng ngày vì đường chật người đông. Thế nhưng nếu như ở những nước gần chúng ta như Thái Lan, Singapore… hay xa hơn và tình trạng tệ hơn chúng ta như Ấn Độ, người ta vẫn kiên nhẫn chịu đựng và nếu có va chạm, cũng chỉ cự cãi đôi câu.
Những câu chuyện cứ va chạm là... đâm chém được báo chí phản ánh hàng ngày và ngày mỗi gia tăng.
Xâu chuỗi những vụ án “đâm, chém” nghiêm trọng, đại diện Phòng CSHS CATP đánh giá, hiện nay một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ trọng án trên địa bàn thành phố đó chính là mâu thuẫn khi va chạm giao thông giữa những người dân đi đường. Không chỉ có thanh niên hư hỏng, các đối tượng côn đồ, cả những người dân bình thường, có học thức cũng có thể gây án khi mất bình tĩnh. Rất nhiều người khi xảy ra va chạm giao thông, chỉ vì một phút nóng giận mà trở thành tội phạm.
Không hiếu thảo, không khoan dung
Chưa có thống kê
hay bản điều tra nào cho thấy những kẻ bạo hành ấy đối xử ra sao với cha mẹ
mình nhưng theo ý kiến chúng tôi, khó có thể kết luận những kẻ ấy xuất thân từ
một gia đình hạnh phúc hay có tình yêu thương bởi lẽ bài học đầu tiên chúng sẽ
học là sự kính trọng và yêu thương dành cho cha mẹ.
Chính tình yêu ấy sẽ khiến
tâm hồn họ rộng mở, dễ tha thứ và chấp nhận những khác biệt của người xung
quanh. Còn nếu lớn lên trong sự thờ ơ, thiếu giáo dục thì những bài giảng nhà
trường không đủ sức chuyển hóa sự độc ác, hận thù luôn ẩn núp trong tâm thức.
Chỉ cần một sự tác động nhỏ bên ngoài thôi, như xúc phạm, va quẹt là sự giận dữ sẽ phun trào, biến họ thành những kẻ sát nhân. Sự suy thoái về tính thiện trong con người hiện nay cũng phản ảnh sự suy thoái về hạnh hiếu.
Ngày càng nhiều những đứa con ngược đãi cha mẹ. thậm chí có những người có học vấn, tốt nghiệp đại học, có vị trí cao trong xã hội nhưng vẫn đối xử tệ hại với cha mẹ mình.
Một tin đáng suy ngẫm mà ông Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc (ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) cho biết là trong 5 năm qua, trước Tết Nguyên đán, ông đều gọi điện cho gần 100 gia đình đón cha mẹ hoặc ông bà về ăn Tết, thì đều nhận được những câu trả lời với đại ý: nếu các cụ về thì gia đình họ sẽ... không có Tết!
Theo TS.Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam, trước khi tham mưu cho Quốc hội xây dựng Luật Người cao tuổi, Viện đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về thực trạng bạo lực gia đình đối với người cao tuổi tại 3 tỉnh Phú Yên, Quảng Trị và Đắk Lắk. Kết quả, số người già bị con cái đánh đập ở 3 tỉnh Phú Yên, Quảng Trị, Đắk Lắk lên đến 18%; bỏ rơi không chăm sóc cha mẹ là 90% ở cả 3 tỉnh. Và khoảng 50% số người cao tuổi được phỏng vấn cho biết họ bị con cái của mình đe dọa nhốt trong nhà...(!).
Ông đánh giá, đã và đang xảy ra dạng bạo lực gia đình toàn diện, cả thể chất, tinh thần và kinh tế trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Một câu chuyện buồn được ghi nhận ở thôn Koo Sia, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, thủ phạm là Y.L, sinh năm 1986, sau khi uống rượu về, thấy mẹ cho anh rể con chó con của gia đình, anh ta liền cầm gạch đánh con chó mẹ. Thấy thái độ hỗn hào của con trai, bà mẹ nói “mày đánh chó thì đánh tao đây này”. Nghe vậy, Y.L liền cầm gạch ném vào đầu mẹ, dẫn đến cái chết đầy tức tưởi của người mẹ già.
Một người con không hiếu thảo với cả cha mẹ mình thì lấy đâu lòng khoan dung để dành cho người khác?
Muốn học khoan dung, phải hiếu kính cha mẹ
Chắc chúng ta không cần nhắc, mọi Phật tử đều biết Phật giáo xem chữ hiếu là giới hạnh cao nhất, là điều thiện tối cao và bất hiếu là điều ác lớn nhất:
“Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu,
Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”
“Làm con đối với cha mẹ, khi đem dâng vật dụng cho cha mẹ, dù nhỏ đi nữa thì được phước vô lượng,
Khi làm điều bất thiện đối với cha mẹ, dù chỉ một chút thì tội cũng vô lượng”
Phật dạy: “Các ngươi nghĩ như thế nào, này các Tỳ kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển? Cái này là nhiều hơn, này các Tỳ-kheo, là sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển”.
Ở đây, chúng ta thấy đạo Phật đã nhấn mạnh đến đạo đức trong việc giáo dục gia đình buổi ban đầu của các bậc cha mẹ. Chính do tính chất đạo đức này mà các bậc cha mẹ cảm thấy cần phải có trách nhiệm đạo đức về việc nuôi nấng cho con cái trưởng thành và có lợi ích cho xã hội. Mối quan hệ của cha mẹ như vậy được xem là nền tảng, là cơ sở phát sinh các mối quan hệ đạo đức xã hội về sau.
Chính những đứa con biết hiếu kính cha mẹ ấy sẽ là những học trò ngoan, công dân tốt trong tương lai, ít nhiều sẽ có những đóng góp vào việc xây dựng sự ổn định, an lạc của xã hội. Người ta chứng minh rằng những đứa trẻ có những hành vi xấu ác thường ở trong những gia đình tan vỡ, xào xáo, không có tình thương yêu, không cứ giàu nghèo.
Mỗi cá nhân, mỗi công dân biết cách nhẫn nhịn, tha thứ, khoan dung thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc bình an thì thế giới của chúng ta mới được an lạc, bình an.
Không có tình yêu thương kính trọng đối với cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Một xã hội gồm những cá nhân chỉ biết sống thực dụng, không có tình yêu, hướng đến mục tiêu tối thượng là thỏa mãn lòng tham dục thì sẽ bất ổn, đầy dẫy tranh chấp, oán thù. Xã hội “hoang dại” đó là nguy cơ cho mọi đời sống, vì nó sẽ không đem lại sự an lạc thật sự, dù vật chất có dồi dào thế nào đi nữa.
Chúng ta đang xây dựng những giềng mối xã hội và việc cộng sinh, hay cùng tồn tại (co-existence), những kỹ năng sống trong ý thức tương quan và những giá trị sống thiêng liêng cần trân trọng. Sự cộng sinh ấy là sự tương giao lòng khoan dung bất chấp những ý thức hệ khác nhau. Lòng khoan dung có thể được nhìn dưới góc độ tôn giáo, thế tục, tập cấp (caste), cộng đồng, tự nhiên và sự chấp nhận những tình huống bất như ý…
Theo Lalan Kumar Jha: thì lòng khoan dung tôn giáo đóng vai trò chủ đạo bởi lẽ nó có vai trò quyết định đến sự bình yên trong xã hội, sự an lạc trong cộng đồng và cả quốc gia (Buddhism - A Humanistic Approach). Điều này cũng dễ hiểu vì hòa bình là mục đích còn khoan dung chính là phương tiện hay phương pháp để giúp chúng ta đạt được. Có sự khoan dung sẽ khiến người ta sống chan hòa, nhân ái và dễ thông cảm, đó là những chất liệu làm cho mọi người gắn bó với nhau và với ấm áp tình cộng đồng hơn.
Người ta cũng tìm ra nguyên nhân của thiếu khoan dung là sự thiếu hiểu biết, ích kỷ và nỗi sợ hãi.
Khởi nguồn từ hạnh hiếu, cha mẹ nên truyền dạy con cách nuôi dưỡng tâm hỷ xã để rồi vun trồng hạt giống của lòng khoan dung. Có như thế thì xã hội sẽ bớt dần và vắng bóng tội ác, khủng bố, bớt đi những vụ án đau lòng nhan nhản trên báo chí những năm gần đây.
Chúng ta hiểu niềm vui và nỗi khổ đau không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính ta tự tạo lấy. Một vụ va quẹt không thể khiến một người trẻ tuổi trở thành sát nhân, ném cả cuộc đời vào bóng tối tội lỗi và ân hận! Chính vì vậy, mỗi người hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, làm sao để trong từ suy nghĩ, lời nói và hành động hàng ngày chứa được nhiều nội dung yêu thương, ý thức tương quan, hiếu thảo, khoan dung…
Đó là cách khơi dậy, đánh thức những phẩm chất tốt đẹp nơi con người khác, trong thế hệ tương lai. Việc làm này luôn có ý nghĩa xây dựng, không bao giờ là quá muộn!
Nguồn tin: Nguyên Cẩn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự