Với đại đa số người Việt Nam, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Ngày Rằm, ngày Tết con cháu thắp hương tưởng nhớ người đã khuất là việc làm đạo hiếu. Nhưng biến tướng những nét đẹp văn hóa thành tục mê tín dị đoan, nhất là việc đốt vàng mã vô tội vạ lại là một thói quen xấu, cần phải loại bỏ trong sinh hoạt đời sống tâm linh của người Việt.
Nhiều người quan niệm rằng “trần sao âm vậy”, đốt thật nhiều vàng mã cho người đã khuất thì mới là thành tâm, mới được nhiều tài lộc, nên cứ mỗi khi đến dịp Lễ Vu Lan, ngày Tết họ tha hồ sắm cho cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình các thứ đồ mã “thời thượng” như tivi, tủ lạnh, ô tô, xe máy… Không những thế, họ còn mua rất nhiều lễ vật để cúng tế những vong “cô hồn” không nơi nương tựa.
Việc nhiều người không tiếc tiền mua thật nhiều vàng mã cho cha mẹ, ông bà và “cô hồn”, không biết có đến được “địa chỉ” cần gửi không? Và khi đốt những đồ vật “xa xỉ” như vậy cho người đã khuất, có khi nào họ tự vấn trước đây họ đã “sống” như thế nào với ông bà, cha mẹ của mình, với những người lang thang, cơ nhỡ…
Nếu chỉ nhìn vào “tấm lòng” của họ trong việc “gửi” đồ lễ cho ông bà, tổ tiên trong gia tộc của mình và rộng lòng “biếu” cả những linh hồn lang thang, không nơi nương tựa thì mới thấy lòng tốt của con người bao la biết nhường nào. Nhưng hỡi ôi, với nhiều người, lòng tốt đó chỉ có ở cõi hư vô.
Bởi, chứng kiến
nhiều cảnh đối xử giữa con người với con người trong cõi nhân gian mà mới thấy
lòng tê tái. Nhiều người sẵn sàng nhảy xổ ra “hôi của” nếu có ai đó gặp nạn,
sẵn sàng rút dao giết nhau chỉ vì không chịu được cái “nhìn đểu”, vô cảm lướt
qua một người bị nạn, hoặc một người bị tật nguyền cần giúp đỡ…
Ngay ở cổng
chùa, nơi họ vừa mới chắp tay thành kính sẽ làm theo lời Phật răn dạy là bố thí
giúp người nghèo khổ, hồi hướng công đức... nhưng lại sẵn sàng nhẫn tâm bước
qua, thậm chí tỏ vẻ khó chịu nếu bị một đứa trẻ ăn xin, một người tật nguyền
nào đó “làm phiền”.
Cũng ngay ở trong mỗi ngôi chùa, đều có các hòm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ người nghèo nhưng mấy ai đã bỏ tiền vào trong đó, mà chỉ bỏ tiền vào các hòm công đức của nhà chùa để mong được Phật “chứng giám”.
Và nếu biết được con số thống kê của Bộ Văn hóa Thông tin rằng, mỗi năm có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã thì mới thấy lòng tốt của nhiều người thực sự chỉ tồn tại ở cõi hư vô. Cũng số tiền ấy, nếu dùng để san sẻ với những người tàn tật, những nạn nhân chất độc da cam thì đã có hàng ngàn, hàng vạn người không phải về “cõi âm” chỉ vì không có tiền chữa bệnh.
Giáo lý nhà Phật đã dạy “Phật tại tâm”. Với những người đã khuất, việc đốt tiền, vàng chỉ là biểu trưng, còn việc báo hiếu với cha mẹ chính là ở tình cảm chân thành của những người làm con. Việc cúng lễ Vu Lan thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của người Việt. Hiểu đầy đủ ý nghĩa của ngày Lễ này còn phải ở cả sự quan tâm, đùm bọc lẫn nhau giữa con người với con người trong cuộc sống hiện tại.
Bởi vậy, không phải chỉ có đốt vàng mã mới là cách duy nhất để thể hiện tấm lòng của người đang sống đối với người đã khuất, mà hãy làm theo lời Phật dạy là biết bố thí giúp người nghèo khổ, cúng dường trai tăng và phóng sinh, hồi hướng công đức... Đó mới chính là nén tâm nhang quý nhất dâng lên Đức Phật và ông bà, tổ tiên.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự