Tái hiện đám cưới truyền thống
Khi bước vào hôn nhân, ai cũng mong muốn mình có được một lễ cưới như mong đợi với quy mô “hoành tráng”, nhiều gia đình còn coi đó là một trong những cách để “thể hiện”, mà không để ý đến những nghi thức truyền thống của một lễ cưới mang bản sắc Việt. Rồi sau khi kết thúc buổi lễ, đôi uyên ương và gia đình lại chịu cảnh nợ nần. Niềm vui, hạnh phúc của đôi uyên ương chưa thấy đâu, nhưng “hậu đám cưới” đã trở thành gánh nặng với đôi vợ chồng trẻ.
Tuy nhiên, bên
cạnh những lễ cưới theo phong cách hiện đại, thì hiện nay, nhiều bạn trẻ đã chọn
lựa một cách khác để tiến tới hôn nhân mà ở đó đôi vợ chồng trẻ phải thật sự
thấu hiểu được nhau, mong muốn cùng nhau giải tỏa những bộn bề lo toan.
Chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, đôi bạn trẻ Lê.G.Kh – Dương.T.Th đã quyết định tổ chức hôn lễ tại chùa Đình Quán (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Đầu tiên, gia đình đôi bạn trẻ phải thỉnh ý kiến của sư thầy trụ trì, sau khi nhận được sự đồng ý của thầy thì mới chuẩn bị cho buổi lễ kéo dài khoảng một giờ, đầy đủ lễ nghi, thủ tục.
Trước khi tổ chức
lễ thành hôn, đôi bạn trẻ sẽ lên chùa từ 3 đến 5 ngày để cùng nhau nghe sư thầy
giảng về đạo vợ chồng nhằm tích lũy những kiến thức tốt cho cuộc sống gia đình
sắp tới. Ngoài ra, hai người sẽ phải viết thư cho nhau, kể cho nhau nghe lại
quá trình tìm hiểu, từ đâu mình bắt đầu có tình cảm với người bạn đời của mình.
Những hờn giận, những gì chưa hiểu nhau sẽ được đôi bạn trẻ giãi bày qua bức thư, đồng thời cũng thể hiện những trăn trở, những mong ước của cuộc sống sau này, những điều mong muốn với chồng, với vợ trong tương lai. Hai bức thư này được phong kín đến buổi lễ mới được mở ra, đọc trong lễ thành hôn của hai người.
Hôn lễ được tổ
chức tại Điện Tam Bảo, không có âm nhạc, không có tiếng cười đùa, chỉ có tiếng
kinh cầu đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc và sắc y vàng rực rỡ của lễ
phẩm nhà Phật. Cô dâu, chú rể cùng gia đình, thân hữu mặc lễ phục tiến vào đứng
cạnh nhau theo lối chính giữa Điện Tam Bảo, chia nhau chỗ ngồi theo đúng quy
cách “nam tả, nữ hữu”, nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải. Khi buổi
lễ bắt đầu, cô dâu, chú rể được dẫn đến trước ban Tam Bảo để dâng hương và quỳ
hai bên nghe lời các thầy chủ lễ dặn dò về đạo vợ chồng, cách thương yêu những
người trong gia đình, những lời dặn dò mong cho cuộc sống lứa đôi của đôi bạn trẻ
được hạnh phúc vững bền.
Nghi thức hôn lễ tổ chức tại chùa được tiến hành như một buổi lễ cầu an với những tên gọi như: Nghi thức cầu an lễ thành hôn; Nghi thức lễ thành hôn; Nghi thức hộ niệm hôn lễ… Trong nghi thức này, phần “lễ thức” thường được chú trọng hơn phần “nghi lễ” – phần chính của Lễ Hằng Thuận chính là bài pháp ngắn của vị chủ lễ trước khi trao nhẫn cho cô dâu chú rể, khuyên đôi bạn trẻ sống đúng với Chánh pháp và đạo lý ở đời…
Sau đó, cô dâu, chú rể quỳ lạy hai bên cha mẹ, quỳ đọc theo năm lời phát nguyện mà cô dâu, chú rể phải thệ nguyện và làm theo nhằm giữ cho cuộc sống gia đình mình yên ấm. Sau mỗi lời phát nguyện, tiếng chuông chùa lại vang lên như chứng giám cho những lời hứa của đôi vợ chồng trẻ.
Hôn lễ cũng có
phần trao nhẫn cưới và cùng nhau nghe sư thầy chủ trì hôn lễ nói cho hai vợ
chồng biết ý nghĩa của việc trao nhẫn cho nhau. Theo quan niệm của nhà Phật,
việc trao nhẫn là nhắc nhở cho đôi vợ chồng trẻ phải thương yêu nhau, trong mọi
chuyện phải lấy chữ nhẫn làm đầu, được như vậy cuộc sống gia đình mới hạnh phúc
và yên ấm. Sau khi đã trao nhẫn, hai người sẽ lần lượt nói với nhau những lời
ước nguyện.
Trước ban Tam Bảo, cặp uyên ương hứa với nhau, với các vị chư Tăng Phật tử và gia đình, họ sẽ yêu thương nhau, yêu thương gia đình mới của mình, cùng đọc những lá thư đã viết trước đó về mong ước cuộc sống gia đình của mình, để cùng nhau phấn đấu xây dựng hạnh phúc. Cùng với đôi vợ chồng trẻ, hai bên gia đình sau khi dặn dò con cái cũng phải hứa trước Tam Bảo và các vị chư Tăng sẽ cùng hai con mình xây dựng hạnh phúc gia đình, có trách nhiệm chỉ bảo cho dâu – rể nên người.
Cầu nối giữa đạo với đời
Với đôi vợ chồng
trẻ sau đám cưới, họ có thêm một gia đình, đó là gia đình tâm linh. Sau này,
mỗi khi cuộc sống vợ chồng gặp khó khăn, họ có thể đến với gia đình tâm linh
của mình để được nghe những lời chỉ bảo và giải tỏa những bộn bề lo toan, mang
lại cuộc sống yên ổn, thanh thản và hạnh phúc.
Tâm sự về đám cưới của mình, anh Lê.G.K nói: “Quyết định làm lễ cưới ở chùa do cha mẹ chỉ cho và tôi thấy việc lên chùa làm lễ cưới là một điều tốt, khiến tôi thấy mình thực sự có trách nhiệm với gia đình hơn, với vợ hơn. Và một điều nữa, mình nhận thấy mình có thêm một gia đình nữa đó là nhà chùa, vì mình nghĩ có rất nhiều chuyện gia đình mình có thể đến với các thầy, hỏi ý kiến các thầy và như thế mình sẽ có cái nhìn khách quan hơn…”.
Cùng được tổ chức đám cưới với đôi vợ chồng Lê G.K – Dương T.Th còn có hai đôi bạn trẻ cùng địa phương. Cả hai đôi bạn trẻ này đều thường xuyên đi lễ chùa vào ngày Chủ nhật, sau những ngày làm việc mệt mỏi để tìm lại sự thanh thản, có thêm sức lực để bắt đầu cho một tuần làm việc mới. Họ cho biết đã chứng kiến một số bạn trẻ lên chùa tổ chức lễ và được nghe các sư thầy khuyên răn trong cuộc sống gia đình. Sau khi kết hôn, họ cũng thống nhất mỗi tháng lại cùng nhau lên chùa 1 lần để ôn lại những điều phát nguyện, những lời hứa trong lễ cưới.
Theo thầy Thích
Đàm Nguyện, trụ trì chùa Đình Quán: “Hiện nay việc tổ chức hôn lễ theo nghi
thức nhà chùa chưa nhiều và cũng không phải là Phật tử mới được tổ chức, họ chỉ
cần lòng thành và hướng tâm thì nhà chùa sẽ làm lễ thành hôn cho hai người để cầu
chúc cho cuộc sống lứa đôi”.
Thầy Nguyên cho biết, trong mấy năm trở lại đây, chùa Đình Quán đã tổ chức khoảng 10 hôn lễ cho các đôi trẻ muốn tổ chức đám cưới ở chùa. Những cặp vợ chồng trẻ này đều đang sống hạnh phúc và vẫn thường xuyên lên chùa lễ Phật cầu an. Đồng thời, mỗi khi có những mâu thuẫn gia đình, họ đều gặp các thầy để được tư vấn, khuyên bảo. Hơn thế nữa, lễ cưới ở chùa chính là “cầu nối giữa đạo với đời, giữa hạnh nguyện giải thoát và ước nguyện xây dựng một xã hội tốt đẹp của chư Tăng và hàng Phật tử tại gia”.
Buổi lễ trong
chính điện vừa xong thì việc sắp xếp, dọn các bàn tiệc cũng sẵn sàng. Các sư
thầy, chư Tăng ngồi bàn riêng, gia đình hai họ và thân hữu vào mâm với những
bàn tiệc bày biện sang trọng không kém nhà hàng, tất cả đều là cơm chay. Thức
ăn chay còn nóng hổi được bưng ra từng bàn một mời mọi người cùng thưởng thức.
Đám cưới ở chùa nhiều nghi thức nhưng lại rất tiết kiệm cho hai họ. Tuy nhiên, việc tiết kiệm vẫn không thể triệt để thực hiện, vì sau một tuần, gia đình cô dâu chú rể vẫn tổ chức bữa ăn mặn vì họ vẫn không thể không mời họ hàng bạn bè đông đúc cùng đến chia vui với hai vợ chồng mới cưới.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự