Để có một mùa Vu lan đầy ý nghĩa

Thứ năm - 11/08/2011 20:26
Phật giáo không truyền thông, quảng bá một cách hiệu quả ý nghĩa ngày Vu Lan đến với toàn thể xã hội như là để khẳng định tính ưu việt, tính nhập thế của Phật giáo. Một mùa Vu Lan nữa lại về. Mỗi người con Phật lại trào dâng niềm cảm xúc:

Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục
Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao.

Phật giáo không chỉ dành một ngày, một tháng mà hơn hết là cả một mùa - mùa Vu Lan Báo Hiếu thể hiện tinh thần tri ân và báo ân của người con đối với 2 đấng sinh thành, ông bà tổ tiên và của người con đối với quê hương đất nước. 

Đạo Phật là tôn giáo duy nhất Đức Phật đưa vị trí người cha, người mẹ lên tầm cao, ngang hàng với đấng giáo chủ. Người luôn khuyên đệ tử mình hiếu kính, thương yêu đấng từ phụ đã có công sinh, dưỡng nên mình. 

Bởi vậy trong kinh mới nói: 

Hạnh hiếu là Hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật,
Cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế.

hay câu: Cha ta như Phật Thích Ca, Mẹ ta như đức Phật Bà Quan Âm. 

Không chỉ có khuyên đệ tử của mình mà ngay chính Đức Phật khi đã thành đạo người đã về kinh thành thăm lại phụ vương và giảng pháp cho người thân để nương nhờ chính pháp có được cuộc sống an lạc hạnh phúc, Đức Phật còn lên cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẫu thân. 

Một Phật giáo luôn đề cao tinh thần tri ân và báo ân, đề cao lòng hiếu kính của con người. Những giá trị ưu việt đó của Phật giáo vượt trội hơn tất các các tôn giáo khác không chỉ có mặt tại VN mà còn trên toàn thế giới. 

Một mùa Vu Lan với Tinh thần báo hiếu thấm đẫm giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc vượt ra ngoài một lễ hội tôn giáo trở thành một nền tảng đạo đức cao đẹp của xã hội. Rất tiếc: Phật giáo không truyền thông, quảng bá một cách hiệu quả ý nghĩa ngày Vu Lan đến với toàn thể xã hội như là để khẳng định tính ưu việt, tính nhập thế của Phật giáo. 

Sắp đến ngày Vu lan nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, như phát thanh truyền hình, báo chí rất ít đưa tin bài, nội dung về đại lễ Vu Lan Báo Hiếu của Phật giáo.

Các bài viết về ngày Vu lan vẫn chỉ tập trung ở các trang web, diễn đàn Phật giáo. 

Cần lắm những tăng ni và cả những cư sỹ tâm huyết viết lên những bài viết có giá trị, có nội dung sâu sắc về ngày Vu Lan, về truyến thống hiếu đạo của dân tộc để đăng tải trên các phương tiện truyền thông quáng bá ngày Vu Lan. 

Cần lắm các biểu ngữ, cờ hoa, câu đối mang nội dung ngày Vu Lan được treo ở các chùa, cổng chùa và  khu phố, xóm ngõ quanh chùa để tạo không khí và quảng bá ngày Vu Lan.

Cần lắm Giáo hội tổ chức những đêm nhạc quy mô lớn “Vu Lan đồng Vọng” ở các thành phố lớn và các tỉnh thành để ngợi ca công ơn cha mẹ và giáo dục lòng hiếu thảo, quảng bá ý nghĩa ngày Vu Lan. 

Cần lắm chư Tôn túc giáo phẩm xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng trả lời phỏng vấn hoặc thuyết giảng về ý nghĩa ngày Vu Lan cho tất cả mọi người. 

Cần lắm có những buổi lễ cài hoa hồng ngày Vu Lan đông hàng vạn người như chùa Hoằng Pháp được truyền hình trực tiếp trên phương tiện truyền thông để có sức lan tỏa đến toàn thể xã hội về một lễ hội tri ân và báo ân. 

Thiếu kế hoạch tổ chức mùa Vu Lan 

Lễ Vu Lan cùng với Phật đản là 2 lễ hội lớn nhất của Phật giáo. Dù được quan tâm nhiều hơn lễ Phật đản, nhưng không ít vị trụ trì không tha thiết và mặn mà lắm với việc tổ chức lễ Vu Lan. 

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày rằm tháng 7 nhưng không khí tại các chùa, nhất là chùa quê vẫn im ắng. Ngoại trừ một số chùa có nhóm Phật tử hằng ngày đến chùa tụng kinh Vu Lan hoặc tổ chức cầu siêu. Còn lại nhiều chùa vẫn cửa đóng then cài, không băng rôn, không biểu ngữ, không cờ hoa quảng bá ngày Vu Lan. 

Rằm tháng 7 vẫn cứ lặng lẽ qua như bao rằm khác trong năm. Nhà chùa không có một kế hoạch cho ngày lễ Vu Lan. 

Nhiều chùa chỉ chú tâm vào việc cầu siêu, đốt nhiều vàng mã hơn việc tổ chức thuyết giảng ý nghĩa và cài hoa hồng ngày Vu Lan, kể cả những chùa lớn ở Hà Nội như chùa Phúc Khánh, có cả một nhà đầy vàng mã! 

Mong lắm các thầy hãy tâm huyết nhiệt tình với việc tổ chức ngày Vu Lan  không chỉ đáp ứng như cầu tâm linh mà còn giáo dục lòng hiếu thảo cho Phật tử: như tổ chức thuyết giảng ý nghĩa ngày Vu Lan Báo Hiếu, nêu tấm gương hiếu hạnh trong lịch sử, tổ chức lễ cài hoa hồng, tổ chức liên hoan văn nghệ ngày Vu Lan hát về công cha nghĩa mẹ, hoặc các chương trình vui chơi như rung chuông chùa với nội dung mùa Vu Lan, hay viết các ước nguyện cho cha mẹ lên lá Bồ đề, tặng quà cha mẹ nhân mùa Vu Lan… 

Giáo dục ý nghĩa ngày Vu Lan 

Thiên kinh vạn quyển, hiếu vi tiên. Ngàn vạn kinh sách nhà Phật dậy, đạo hiếu vẫn là đầu. Đạo Phật là đạo từ bi được xây dựng trên nền tảng đầu tiên là đạo Hiếu. Cha mẹ ông bà là những người sinh thành và dưỡng dục khôn lớn trưởng thành. Công ơn ấy: 

ƠN CHA SÂU NẶNG, DẪU MUÔN KIẾP BÁO ĐỀN KHÔNG TRẢ HẾT
NGHĨA MẸ CAO DẦY, DÙ NGHÌN ĐỜI CUNG PHỤNG CHẲNG ĐÁP XONG. 

Nếu chúng ta không làm tròn đạo hiếu với ông bà cha mẹ là những người thân yêu nhất và là những người mà ta mang ơn sâu nghĩa nặng nhất thì làm sao có thể học theo hạnh nguyện từ bi của Phật thương yêu tất cả chúng sinh với tình thương không phân biệt. 

Chúng ta không tôn kính phụng thờ ông bà cha mẹ thì làm sao có thể thờ Phật và tôn kính Phật. 

Mỗi người có thể có hơn kém nhau cái này cái kia, nhưng cái mà ai cũng có là cha mẹ. Và cha mẹ mỗi người có thể sang hèn khác nhau nhưng tình thương cha mẹ dành cho con bao giờ cũng đầy đủ và trọn vẹn nhất. 

Xã hội có đổi thay thế nào thì tình yêu cha mẹ dành cho con vẫn nguyên vẹn như lúc mới sinh ra đến lúc trưởng thành.

Xã hội có thay đổi thế nào thì đạo hiếu vẫn là nền tảng đạo đức của gia đình không thể thiếu. 

Ngày nay chúng ta chịu sức ép của công việc, những vất vả của cuộc sống mưu sinh mà ít có thời gian quan tâm, chăm lo cho gia đình. 

Là cha mẹ ta ít có thời gian chăm sóc dậy dỗ con cái cho nên tạo một khoảng cách lớn giữa cha mẹ và con cái, do thiếu dậy dỗ mà con cái lêu lổng hư hỏng, xa vào các tệ nạn, không biết vâng lời cha mẹ, không kính trọng người trên, sống ích kỷ chỉ biết đòi hỏi mà không biết chia sẻ quan tâm đến mọi người.

Là con cái do bận rộn công việc mà chúng ta không có thời gian chăm sóc và tâm sự cùng cha mẹ khiến cha mẹ trở nên cô đơn hưu quạnh , hay bị giam lỏng trong chính ngôi nhà của mình. Hoặc mải làm ăn xa mà ta ít có thời gian về quê thăm cha mẹ. Để cha mẹ một mình buồn tủi ngóng chông con. 

Tất cả những cái đó đang là vấn nạn thực tế của xã hội công nghiệp hiện nay. Do vậy ý nghĩa ngày Vu Lan vẫn còn nguyên giá trị. 

Để việc tổ chức ngày Vu Lan thực sự có ý nghĩa, trong dịp này Giáo hội cần tổ chức các khóa tu ngày Vu Lan, thuyết giảng ý nghĩa ngày Vu Lan, giáo dục lòng hiếu thảo, trách nhiệm của con cái trong việc chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, vâng lời cha mẹ, thờ phụng ông bà tổ tiên. 

Mùa Vu lan là dịp để mỗi người chúng ta xem lại mình đã làm tròn đạo hiếu của người con đối với cha mẹ chưa, thành tâm đến bên cha mẹ sám hối những lồi lầm để nhận được sự bao dung, dạy bảo của cha mẹ. 

Mùa Vu lan là dịp để chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và ông bà tổ tiên. 

Cách chúng ta đền ơn trả hiếu trọn vẹn nhất đó chính là người con phải cố gắng tu thật tốt, làm nhiều việc lành để hồi hướng cũng như nguyện cầu nhiều bình an, nhiều an lành nhất đến với cha, mẹ còn sinh thời hoặc đã vắng bóng. 

Không phải chúng ta cứ giết thật nhiều gà lợn, sắm sửa mâm cao cỗ đầy, đốt thật nhiều vàng mà là đã báo hiếu cha mẹ ông bà tốt nhất.

Là người Phật tử chúng ta phải hiểu đạo và thể hiện đúng tinh thần từ bi trí tuệ của người học Phật. Giết nhiều súc vật vô tình chúng ta huân tập nghiệp sát mà cha mẹ thêm nặng nghiệp. Đốt nhiều vàng mã vừa tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường mà không được lợi lạc, cha mẹ càng dính mắc vào vật chất đó khó mà siêu thoát. 

Để cha mẹ và ông bà tổ tiên đã mất được siêu thoát chúng ta phải làm nhiều việc lành, tích nhiều phúc đức như: cúng dàng trai tăng, lên chùa tụng kinh cầu siêu, phóng sinh, tạo phúc, làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức cho cha mẹ ông bà tổ tiên. Đó mới đúng tinh thần báo hiếu của đạo Phật. 

Đề xuất giải pháp 

Mỗi người ai cũng có cha có mẹ. Nhắc tới cha mẹ trong lòng mỗi người đều trào dâng niềm xúc động rưng rưng. Do vậy tổ chức lễ Vu Lan là một cách hoằng pháp dễ dàng nhất mà hiệu quả nhất và hợp lòng người nhất. 

Do vậy đề nghị Giáo hội, nhất là ban văn hóa có một kế hoạch hành động cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn nhằm quảng bá và giáo dục ý nghĩa ngày Vu Lan đối với Phật tử và xã hội để Vu Lan trở thành một lễ hội của toàn dân. 

Giáo hội và các ban trị sự các tỉnh thành hướng dẫn tổ chức lễ Vu Lan quy mô ngang tầm quan trọng với lễ Phật đản.

Xây dựng cẩm nang tổ chức ngày Vu lan cho các chùa.

Bồi dưỡng kỹ năng tổ chức ngày Vu lan. 

Tập hợp các tăng ni trẻ có tâm huyết , năng động để làm tình nguyện viên sẵn sàng tiếp sức cho các tự viện tổ chức thành công lễ Vu Lan.

Các chùa thiếu kinh nghiệm tổ chức có thể mời giảng sư, và tình nguyện viên về giúp tổ chức lễ Vu Lan.

Các chùa thiếu  kinh phí, điều kiện tổ chức có thể liên thông với một vài chùa để hợp sức tổ chức Lễ Vu Lan. Phấn đấu mỗi ban đại diện PG huyện tổ chức được một lễ Vu Lan. 

Là người Phật tử hãy chứng tỏ mình là người Phật tử : 

- Bản thân phải hiểu rõ ý nghĩa ngày Vu lan để có thể giảng giải ý nghĩa cao đẹp của ngày Vu Lan cho người thân và bạn bè.

- Bản thân là tấm gương sáng ngời về lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ để có thể cảm hóa được người thân và bạn bè.

- Giáo dục dục con cháu biết hiếu thảo ông bà cha mẹ, biết thờ cúng tổ tiên, và biết lên chùa tụng kinh nghe pháp, làm những việc lành vào dịp Vu Lan… 

Việc tổ chức Vu lan sâu rộng trên phạm vi cả nước không chỉ góp phần giáo dục đạo đức nhân cách con người, giữ gìn giá trị truyền thống gia đình, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội mà còn nâng cao vị thế của PG Việt nam trong lòng dân tộc, một tôn giáo nhập thế và đề cao đạo hiếu.

Nguồn tin: Nguyễn Hữu Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây