1. Nước mình vốn còn nghèo, đến nước này, lại càng thêm lo cho cái sự tích lũy cho mai sau. Nói không ngoa, theo báo cáo kết quả nghiên cứu tâm lý - hành vi người tiêu dùng của người dân TP.HCM mới nhất do Báo SGTT thực hiện cho thấy, hộ gia đình chi phí cho thực phẩm cao nhất, chiếm 34,3% tổng thu nhập. So với các nước giàu, tỷ lệ chi cho thực phẩm chỉ từ 15%-20% thì Việt Nam cao gần gấp đôi.
Như thế là “ăn nhiều” so với cái “thu nhập ít”. Theo nghiên cứu này, chi phí cho ăn uống ở Việt Nam tương đương như tỷ lệ của quốc gia nghèo có chất lượng cuộc sống thấp, chế độ dinh dưỡng đang thiếu trầm trọng nên người tiêu dùng tập trung cho chi phí ăn uống. Với mức chi này, thu nhập không còn dự trữ cho các hoạt động khác để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng dễ hiểu bởi Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á về ưu tiên ăn uống. Theo nghiên cứu mới đây nhất của Tổ chức thẻ Quốc tế MasterCard, 89% người dân Việt Nam ưu tiên chi tiêu ăn uống, tiếp theo mới là Hàn Quốc 78% và Hong Kong 75%. Như thế vẫn là “ lấy ăn làm đầu”.
2. Càng nghèo lại càng “ăn khỏe”, theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư vào trung tuần tháng 5/2011 thì công nhân nước ta “ăn” mất 62% thu nhập. Phải chăng công nhân chúng ta ăn quá ngon, quá nhiều? Câu trả lời mà ai cũng biết là do giá thực phẩm quá cao trong khi thu nhập của công nhân quá thấp. Bữa ăn của họ là vài bìa đậu, mớ rau, hoặc miếng thịt bèo nhèo, con cá cuối buổi chợ chiều bày nhan nhản cạnh nhà máy.
Ăn uống như vậy, liệu 1,6 triệu lao động đang làm việc trực tiếp trong các khu công nghiệp và khu kinh tế có đủ năng lượng để tái sản xuất sức lao động? Dĩ nhiên là không. Nhưng ăn như thế đã mang tiếng “ăn khỏe” rồi, với lại nếu ăn cho đủ, liệu họ còn chút nào tích lũy từ những đồng lương còm cõi?
Trong cuộc họp khẩn ngày 13/7, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết: “Giá thịt lợn tại Việt Nam hiện ngang bằng với Trung Quốc, cao hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan và cao hơn giá thịt lợn tại Mỹ”. Giá thịt gà, thịt bò và cá cũng tăng gần gấp đôi so với năm trước. Trớ trêu thay, đó lại là những thực phẩm chủ yếu của người dân.
Trong tình trạng giá thực phẩm leo thang, chợt nghĩ có lẽ những người ăn chay là đỡ phải lo nhất. Có ăn chay kỳ và ăn chay trường. Ăn chay trường là ăn chay suốt đời, thường là những người tu hành khổ hạnh. Ăn chay kỳ trong khoảng thời gian nhất định, ví như “Nhị trai” là ăn chay 2 ngày mỗi tháng, hay “Nhất nguyệt trai” là ăn chay suốt tháng...
Không chỉ để đối phó với giá thực phẩm tăng, ăn chay còn tránh được tình trạng “nhiễm độc” tràn lan do nguồn thực phẩm thiếu kiểm soát. Thật là một công đôi việc. Cơ hội vàng để chúng ta thay đổi thói quen ăn uống.
Nguồn tin: Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự