Cõi tâm linh của đời người

Thứ bảy - 30/07/2011 08:19
Dù là bậc trí giả hay chỉ là kẻ trí đoản thì ai ai cũng đến lúc phải nhận thức rằng đời người luôn gặp những bế tắc, mà dù thông minh hay giàu sang, quyền lực đến mấy, cũng bất lực.

Dù không phải là Phật tử, nhưng mỗi khi gặp phải rắc rối về tinh thần hoặc cảm thấy lạc lõng trong một xã hội đang sống vội vã, tôi lại muốn tìm đến cõi tâm linh. Nơi tôi mong muốn đến để được nhẹ lòng và tìm lại chính mình là những ngôi chùa Tây Tạng...

Dù là bậc trí giả hay chỉ là kẻ trí đoản thì ai ai cũng đến lúc phải nhận thức rằng đời người luôn gặp những bế tắc, mà dù thông minh hay giàu sang, quyền lực đến mấy, cũng đều bất lực, không thể giải quyết được. Đến lúc đó, hầu như mọi người mới ngộ ra rằng cõi tâm linh chính là sự cứu rỗi cuối cùng của mỗi đời người.

Do Phật giáokhá phổ biến tại VN từ rất lâu, nên mỗi khi gặp chuyện đau buồn hoặc chuyện chẳng lành, hay chỉ là chán chuyện nhân thế, đa phần người Việt lại tìm đến cửa chùa để mong tìm sự cứu giúp, hoặc đơn giản hơn là chỉ tìm chút niềm an ủi từ các đấng từ bi đã theo chân chúng sinh suốt bao kiếp người.

Mỗi khi rời chùa, dù là Phật tử hay không cũng đều cảm thấy nhẹ lòng vì họ tin rằng cảnh khó và nỗi niềm đắng cay của mình chắc chắn đã được các đấng từ bi hỉ xả lắng nghe. Nếu mình cố gắng sống ngay lành rộng lượng sẽ sớm được độ trì giải thoát khỏi các khốn khó của cuộc đời.

Ngày nay, các ngôi chùa lớn nhỏ vẫn không ngừng được cất lên suốt từ Nam chí Bắc để đáp ứng nhu cầu tâm linh của không ít người. Không phải là một Phật tử nhưng tôi không là ngoại lệ. Mỗi khi gặp phải rắc rối về tinh thần hoặc cảm thấy lạc lõng trong một xã hội đang sống vội vã, tôi lại muốn tìm đến cõi tâm linh.

Và nơi tôi mong muốn đến để được nhẹ lòng và tìm lại chính mình lại là những ngôi chùa ở Tây Tạng, nơi không chỉ có những du mục chân chất, mà còn có cả một trời thiên nhiên tinh khiết với bao ngọn núi phủ mềm tuyết trắng đến tận chân trời.

Chỉ có ở nơi này, tôi mới tìm được sự thanh thản và cảm giác yên bình. Trong những giây phút đó, tôi thấy tinh thần bớt đi ít nhiều sự mê muội mà đời sống phố thị không ngớt ám vào tâm trí những người đã sống lệ thuộc vào bầu không khí đó.

Bước chân lãng du đã đưa tôi đến với khá nhiều chùa miếu và đền đài ở Tây Tạng. Không chỉ là chốn tâm linh của dân trong vùng, các ngôi chùa còn là trung tâm văn hóa lưu giữ và phát triển nền văn hóa quý giá độc nhất vô nhị của Tây Tạng.

Đây là nơi mà mới chỉ vài thập niên trước vẫn còn cách biệt với thế giới bên ngoài. Cũng từ những ngôi chùa khoác một dáng vẻ thần bí này, tôi đã được quan sát, tiếp cận, rồi nhận thức sự khác biệt khá lớn trong đời sống Phật giáo Tây Tạng và Việt Nam.

Tây Tạng là vùng địa lý rộng lớn bao la nhưng dân cư lại cực kỳ thưa thớt cộng với địa hình hiểm trở khiến cho giao thông tại đây vẫn còn trong tình trạng khá khó khăn. Hầu hết các làng mạc trở nên cách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy vậy, điều này dường như không hề có tác động gì đến đời sống tôn giáo của họ.

Trong suốt ngàn năm qua, mọi người Tây Tạng ngay từ tấm bé đã được sống trong thế giới tâm linh của Phật giáo, từ trong gia đình và các chùa chiền mà bất cứ ngôi làng lớn nhỏ nào cũng có. Đó là chưa kể đến những hệ thống tu viện của các tông phái luôn hiện diện trong các vùng, từ thôn quê cho đến các thị trấn.

Nhờ vậy, hình thức sống của người Tây Tạng tuy đơn giản nhưng lại ít bị lệ thuộc vào những thứ không đáng phải trả giá quá đắt để có như các xã hội văn minh hiện đại khác. Ngược lại, tâm hồn và nhận thức về tôn giáo của họ lại vô cùng sâu sắc nhờ ít bị tác động và phân hóa bởi các luồng văn hóa lai căng đến từ bên ngoài như nhiều xã hội khác.

Tuy đời sống vật chất còn không ít khó khăn nhưng giá trị của đời sống tinh thần của họ lại được nâng cao. Ngược lại, đời sống vật chất hiện đại của chúng ta tuy ngày càng đầy đủ, thậm chí đối với không ít người đã trở nên thừa mứa, thì dường như đời sống nhân văn đang không ngừng đi xuống, khiến cho xã hội phải báo động!

Nếu không xem Bon như một tông phái Phật giáo (từ lâu tôn giáo tiền Phật giáo Bon cũng đã đưa Phật giáo làm nền tảng cho giáo lý của tông phái này), thì Tây Tạng chính thức có bốn tông phái Phật giáo: Nyingma, Kagyu, Sakya và Gelug.

Tuy có sự khác biệt đôi chút về giáo lý, nghi thức cũng như kiến trúc đền chùa, nhưng bốn tông phái này đều xây dựng và phát triển Phật giáo trên cùng một nền tảng và tôn chỉ nên lòng sùng tín Đức Phật của tín đồ các tông phái này lại giống nhau đến kỳ lạ.

Sau khi hoàn thành công việc thường nhật, họ lại đọc kinh tại nhà hoặc tu viện và thường xuyên đến chùa để vừa tụng kinh vừa xoay tròn các Mani luân rất lớn luôn hiện diện quanh các ngôi chùa, để cầu xin sự cứu rỗi cho chúng sinh. Họ làm những điều này hằng ngày vì đây chính là phần cốt yếu của mỗi đời người, chứ không phải để cầu xin tai qua nạn khỏi hoặc làm ăn phát tài...

Mỗi khi cùng hòa mình vào với họ, rồi cũng xoay tròn các Mani luân, tôi lại có cảm giác như đang bước vào một thế giới khác, thế giới của thần linh, thế giới của những con người luôn cố gắng nhận chân mọi giá trị của kiếp nhân sinh.

Trong số hàng ngàn đền chùa nằm rải rác khắp xứ sở Tây Tạng, có không ít đền hoặc chùa rất nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới như: chùa Tháp Nhĩ Tự (Thanh Hải), đền Jokang (Lhasa), chùa Songzanling (Vân Nam), cung điện Potala (Lhasa)...

Đây đều là những nơi đã có hàng trăm năm lịch sử và là chốn linh thiêng đối với tín đồ Phật giáo Tây Tạng. Vì vậy, trong suốt hàng trăm năm qua, những nơi này hằng năm đều đón hàng trăm ngàn người Tây Tạng đủ mọi thành phần, nhiều nhất là dân du mục.

Có những người cách xa đến vài trăm cây số, lũ lượt cùng gia đình, mang theo những lều bằng vải hoặc da bò Yak, đi bộ hằng tháng trời đến đây với niềm tin là mọi nỗ lực hướng thiện sẽ được bù đắp không chỉ ở kiếp sau mà ngay ở kiếp này.

Trong một buổi uống trà, Trần Lương, một trí thức Trung Quốc thừa nhận là tín đồ Phật giáo Tây Tạng thích đóng góp tiền của dành dụm được cho các chùa chiền và tu viện để tìm những giá trị tinh thần.

Còn người Trung Quốc ngày nay lại chỉ thích tìm đến những giá trị vật chất, dù phải hy sinh nhiều giá trị tinh thần. Có lẽ vì vậy, họ khó tìm được sự đồng cảm và sẽ khó có thể cùng đi chung một con đường.

Nguồn tin: Doanh nhân Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây