Học sinh đến trường cũng học vội, nhà trường nhồi nhét bắt các em phải nhớ, học trường không đủ tranh thủ học thêm, chiều cao của dân Việt Nam vốn đã khiêm tốn nay lại càng khiêm tốn hơn bởi những chiếc cặp sách cứ đè nặng làm sao các em lớn nổi? Tất cả các môn đều phải học nhồi học nhét vậy mà tôi chưa thấy có môn học nào giúp cho các em biết cách đối phó với sự sợ hãi, điều chế cơn giận, học cách hiểu cách thương, biết thương cả những người gây đau khổ cho chính ta.
Một đất nước phát
triển không phải chỉ ở chỗ người ta thi nhau làm ngày làm đêm, mặc dù điều này
không phải là sai, nhưng bên cạnh đó con người ta cần phải biết cách sống chậm,
sống có ý thức, sống phải có hiểu và có thương.
Nếu có hiểu và thương thì sẽ không bao giờ có hiện tượng những vụ án giết người man rợ ngày càng gia tăng, công nhân bị bóc lột sức lao động, trẻ em, phụ nữ bị ngược đãi, sẽ không có cảnh hạnh phúc gia đình tan vỡ, vợ chồng ly tan, con cái bơ vơ không được giáo dục, xã hội lại thêm một gánh nặng, hệ thống tổ chức gia đình đã bị lung lay, phá vỡ nét đẹp truyền thống từ ngàn xưa của cha ông ta.
Sống vội, con
người ta chỉ biết hưởng thụ, sống gấp gáp, không ý thức được mình đang sống,
đang tồn tại, đến khi chết rồi thì giật mình bàng hoàng tiếc nuối. Chúng ta đã
quá chạy theo số lượng, chạy theo những con số thi đua mà quên mất đi sự hiện
hữu của ta giữa vũ trụ này. Có ai biết mình đang thở không? Không! Họ chỉ biết
thở dốc, thở hổn hển, thở vì mệt mỏi làm việc quá sức. Và cho đến hơi thở cuối
cùng họ mới biết rằng mình đã không còn tồn tại ở trần gian này nữa.
Người ta lại bắt đầu than khóc, tiếc thương. Cái vòng lẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại. Phải chăng phương châm sống của con người trong thời hiện đại này là làm việc quên mình, quên đi sự có mặt của chính ta để rồi nay mai lại gặp nhau cùng thốt lên hai tiếng “Giá như… giá mà” rồi sau đó lại “Tiếc quá!”.
Sống chậm không
phải là sống ì ạch hay thụ động mà là một cuộc sống có chiều sâu, cảm nhận được
những gì đang diễn ra trong ta và xung quanh ta. Nếu sống có chiều sâu thì ta
mới có những bước chân vững chãi đi giữa những sự thử thách của hoàn cảnh bên
ngoài.
Đừng nên giết chết thế hệ trẻ bây giờ khi bắt chúng cũng phải sống vội như ta. Điều đó thật quá nhẫn tâm. Hãy cho chúng cảm nhận được hơi thở của chúng và giá trị của một hơi thở. Kiếp sống này có là bao. Tất cả đều gói gọn trong một hơi thở này mà thôi.
Vật chất không
phải là thước đo duy nhất để đánh giá một đất nước phát triển. Đạo đức con
người có phát triển thì đất nước mới vững mạnh, mỗi người dân cần phải ý thức
được mình đang làm gì thì mới tạo ra của cải vật chất làm giàu cho nước nhà.
Tỉnh ra đi. Chúng ta đừng nên quá ngờ nghệch và ngơ ngẩn nữa. Sống vội và sống chậm không còn là một điều mới mẻ vậy mà khi nhắc lại người ta vẫn cứ phải giật mình ngạc nhiên nhưng rồi cũng có mấy ai chịu nhận ra điều này? Hãy thử nhìn một xã hội khi mà ai cũng hối hả, tất bật và hầu như mọi người đã không biết được sự hiện hữu của mình giữa vũ trụ này. Giá trị của cuộc sống đã không còn.
Hãy một lần ngồi
lại, ngồi lại với chính bản thân ta, với những người thân của ta, hãy san sẻ
cho nhau những lời yêu thương. Hãy một lần tập ôm ấp những nỗi khổ niềm đau,
mỉm cười với chúng, hoá giải chúng. Hãy tập chữa trị những vết thương lòng,
đừng dày vò chúng, yêu thương chính ta và yêu thương cả những người không yêu
ta.
Được vậy thì chắc chắn báo chí sẽ chẳng bao giờ có những bài viết về những
vụ án giết người hay những vụ bạo động. Khổ đau vẫn cứ là khổ đau. Người ta đua
nhau tới bác sĩ tâm lý chữa trị hay ẩn mình trong bóng tối của một căn phòng chật
hẹp, họ tìm đến nơi yên lặng không có bóng người mong tìm kiếm một chút gì đó của
sự bình yên. Nhưng tất cả đều vô nghĩa! Đời cũng chỉ cho ta được bình yên trong
khoảnh khắc ngắn ngủi giữa góc khuất của cuộc đời.
Đó không phải là sự bình yên miên viễn mà chỉ là sự trốn chạy tạm thời. Chạy trốn cả chính ta. Một trò chơi cút bắt làm cho cả thể xác và tâm hồn phải mệt mỏi và rã rời nhưng người ta vẫn cứ thích. Sống vội, sống mơ mộng và hời hợt đã nhấn chìm con người ta trong đau khổ triền miên. Mơ mộng làm chi vì cuộc đời này cũng chỉ là một giấc mộng. Nhớ nhé em! “Say mộng hay tỉnh mộng. Vẫn là mộng mà thôi”. Tiếc nuối mà chi, cũng có được gì?
Ôi! Quán trọ trần
gian. Triệu lần đến vạn lần đi… Có ai dám buông bỏ những thứ mình đang có? Mấy
ai dám hết lòng tha thứ những kẻ gây đau khổ cho ta? Mấy ai dám từ bỏ hết tiền
tài, danh vọng lên non cao tìm lại chính mình trong tận sâu thẳm của tâm hồn?
Có mấy ai? Bởi họ không dám tìm lại chính mình mà chỉ muốn quên mình trong men
rượu cay, đánh mất mình trong những trò chơi hay thú vui vô bổ của thế gian.
Lòng người không an thì làm sao đất nước giàu mạnh khi mà con người ta suốt ngày chỉ biết đi tìm sự lãng quên. Giữa người và người đã mất đi sự truyền thông. Truyền thống từ ngàn xưa của cha ông ta hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ giờ lại được con trẻ đưa lên bàn cân so đo đong đếm.
Xin bỏ lại phía sau những vướng mắc buộc ràng, những lời than thở hay giọt nước mắt uỷ mị, những danh vọng tiền tài. Mọi thứ rồi cũng bỗng chốc hoá thành hư không mà thôi. Ta hãy cứ mỉm cười, hãy cứ thở để ta vẫn còn biết được giá trị của sự sống. Hãy học cách lắng nghe, lắng nghe những trăn trở của cõi lòng, lắng nghe những hơi thở mệt mỏi của kẻ đang trên đường trốn chạy muốn thoát khỏi những phiền não của cuộc đời. Chúng ta nghe để hiểu, hiểu rồi thì mới thương. Phải không em?
“Mất sau hút bóng thiên đàng
Một khung trời nhỏ lá vàng chợt rơi
Người ngồi giữa cuộc đổi thay
Nghe sông núi cạn phút giây vô thường”.
Hãy ngồi lại đây bên tôi để chúng ta cùng cảm nhận được giá trị của một chiếc lá xanh trên cành và chiếc lá vàng vô tình khẽ bay qua. Chiều về trên những con phố quanh co, một buổi chiều mùa thu không hối hả, nó dịu dàng và sâu lắng như chính tâm hồn của kẻ đã buông bỏ hết mọi thứ vướng bận của trần gian.
Tôi cười và em cũng cười. Thở và cười! Giá trị của cuộc sống mà lâu nay ta đã đánh mất giờ mới được tìm thấy…
Nguồn tin: Tịnh Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự