Những người con của đức Như Lai theo lời dạy từ bậc giác ngộ tại vườn Lộc Uyển thuộc thành Ba-la-nại, được ghi lại trong “Kinh Tương Ưng”:
Này các Tỳ kheo! Hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người … Hãy tuyên thuyết phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh…
Hình bóng của lời dạy ấy đã có lần xuất hiện trước những thanh thiếu niên vốn còn nhiều thói quen xấu, nên gia đình và xã hội đành phải giới hạn tự do của họ trong bốn bức tường đá vô tình, trên cao còn đội thêm lớp hàng rào thép gai lạnh ngắt.
Nguyên nhân chính
là vì họ không làm chủ được hành vi ngôn ngữ của cá nhân, lâu dần đã tích lũy
thành tập tánh (cá tính); trong một phút bất đồng đã xúc phạm đến tự do và
quyền con người của tha nhân. Nên họ được đưa đến nơi giáo dục đặc biệt, để sự
tự do dần dần khép chặt, cái thế giới quen vùng vẫy tung hoành trước đây chỉ
còn giới hạn trong vài thước đo.
Qua cách giáo dục này khiến họ có trách nhiệm (tạo nhân phải nhận lấy kết quả dù tốt đẹp hay không lý tưởng) nhỏ nhất và chỉ quan tâm lo lắng cho chính cái tâm tốt xấu vô hình của mình; nếu họ không giữ được sự tự do có khuôn khổ đó, thì chắc rằng đôi tay này, bàn chân kia sẽ có thêm những dây xích kêu loàng xoàng theo từng bước chân, thử hỏi lúc đó sự chiêm nghiệm tự do của họ dù có, niềm ân hận dù khởi phát nhưng có lẽ cũng quá muộn màng, và chỉ còn đây sự hối cãi ăn năn được huân tập trong suốt thời gian lãnh tội, hứa hẹn ngày ra về sẽ tốt hơn.
Rồi vào một ngày
cuối đông lạnh buốt, tiết trời đang chuẩn bị vào xuân, những chiếc áo nâu sòng
xuất hiện nơi ấy, đem ánh bình minh bắt đầu le lói nơi oan nghiệt này, các vị
tu sĩ cũng tùy duyên để hướng dẫn tu tập cho những hành giả đặc biệt.
Quý thầy cô với tấm lòng phụng sự đạo pháp cho tha nhân đã gieo rắc những lời từ bi trí huệ đến trong những con người gần như bị xã hội lãng quên, mong họ thành tâm sửa đổi lỗi lầm; nên đến ngày cuối, quý thầy cô đã tổ chức lễ khất thực rất đặc biệt, ảnh hiện lại hình bóng xa xưa của Tăng đoàn; nhưng lần khất thực này hoàn toàn khác, không phải bằng thức ăn nước uống mà chỉ xin những tâm hồn trơ trọi này những lời ray rức ăn năn hay chua xót cho thân phận thầm kín thành thật tận đáy lòng.
Để chuẩn bị cho buổi lễ, quý thầy cô đã cắt những mẫu giấy hình lá bồ đề (tượng trưng cho giác ngộ, trí huệ) gửi đến các hành giả và hy vọng họ viết lên ấy những lời sâu thẳm trong tâm hồn, tiếng nói sám hối lỗi lầm hay cầu chúc phúc cho năm mới, góp vào cánh thiệp giác ngộ cho mùa xuân, hoặc đôi câu cảm ơn nhân duyên từ cha mẹ, người thân, xã hội, đất nước v.v… đã hình thành và nâng bước cho chính mình.
Đến giờ cử hành, trong lời tâm kinh ngân vang nhẹ nhàng nhưng khắc khoải, các hành giả xếp hàng vô cùng trang nghiêm trật tự, đã làm cho ban quản lý phải kinh ngạc (dù trước đây họ dùng tiếng quát hay xử phạt nghiêm khắc v.v… các phương pháp chuyên môn khác nhưng chưa hề cảm nhận được không gian như thế này).
Quý thầy cô đi ngang qua tay cầm bình bát, thân đắp y vàng, ánh mắt hiền hòa, tỏa ngát mùi hương giới định huệ; trong sự uy nghiêm thanh tịnh, bất tri bất giác hành giả quỳ xuống dâng lên lá bồ đề tâm nguyện, thành kính cúng dường, dâng lên tiếng nói trong lòng mà họ chưa từng thổ lộ với ai, những cái xấu xa nhất hay những cảm nhận về những tháng ngày bị tách biệt với môi trường xã hội; đâu đó trên khuôn mặt mỗi người từng là tội phạm trước kia, bỗng dưng từ hòa trở lại, nét mặt mỗi người đều thấm đượm sự biết ơn đời, biết ơn những người tha thứ và không lãng quên họ, biết ơn Đạo pháp đã nuôi dưỡng họ, và những tiếng nấc nghẹn ngào thấm đẫm trời cao ...
Cảnh tượng quá
trang nghiêm thanh tịnh, cả hội trường hơn 300 người lặng thinh, chỉ nghe tiếng
én đang gọi xuân về trên bầu trời tự do, bên trong những tiếng lòng của từng
hành giả, những người chưa hề biết giọt lệ mặn hay ngọt, giờ đã hiểu được nỗi
đau của người mà chính mình từng gây ra trước kia, họ cũng có những giọt nước mắt
đau thương; và cùng có một vị mặn trên từng giọt lệ, từng dòng máu đồng màu
cũng chan hòa tình người như nhau.
Trong sự thanh tịnh hiếm có đó, Tăng đoàn hướng dẫn họ làm lễ hồi hướng, nguyện đem lòng thành này hướng về chư Phật, Bồ-tát và Hiền Thánh Tăng, xin chứng minh lời sám hối ray rức; để cho hành giả thệ nguyện sống tốt đẹp hơn trong những ngày sau và cống hiến cuộc đời cao quý của mình cho xã hội.
Những lời phát
nguyện trong lá bồ đề: “Con cảm ơn sư phụ đã cho con hiểu được sự trân quý của
thời gian, trước nay con chỉ buông lơi đời mình, để rồi đi vào đường ác, quên
đi ngày tháng, bây giờ con biết rồi, con cảm ơn sư phụ!” hay câu: “Sư phụ, con
cảm thấy trách nhiệm về gia đình và xã hội lớn quá, vì từ con mà người khác
nhìn thấy được tổ tiên của con, nhìn con mọi người hy vọng trong tương lai con
cháu của con.
Hiện tại con là đại diện tổ tiên huyết thống từ quá khứ và truyền thừa trong tương lai” v.v…thật cảm động. Hy vọng vào một ngày không xa, những cánh chim xa bầy này sớm hòa nhập vào xã hội, hòa nhập không bởi thân tướng mà bằng cả tấm lòng, ngược lại xã hội hãy dang rộng vòng tay bao dung và từ ái để đón nhận những bước chân trở về của từng người con chúng ta, hãy cho nhau ánh mắt tràn đầy niềm tin để bóng tối hôm qua thành ánh quang minh hôm nay, cho thế hệ mai sau tự hào về người ông, người cha và người thân của họ.
Nguồn tin: Thích Quán Như
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự