Tâm lý con người thường hay bị ngoại vật chi phối, từ khi mở mắt chào đời cho đến phút lâm chung, lòng người không ngừng lưu chuyển: sáng bước ra cửa, ánh mặt trời chiếu rọi thì sẽ cảm thấy tâm tình rất sảng khoái; gặp mưa sẽ cảm thấy ủ dột; gặp điều không như ý thì thấy nóng vội sốt ruột; có được chút đỉnh lợi ích thì sẽ thấy mãn nguyện lắm lắm; được khen thì vui mừng hớn hở; bị chê thì cảm thấy mất mặt buồn rầu… Sống như vậy thì mệt mỏi lắm!
Lòng người như nước trong bát, rót nhẹ thì nước mới trong. Nếu lòng ta bất động, tâm tĩnh như mặt hồ, tâm như chỉ thủy, thì còn có thứ gì có thể ảnh hưởng tới lòng mình?
Người ta nếu muốn được đến tâm không động ấy, thì chẳng phải là nên tu tâm hay sao? Được lợi thì đừng đắc ý, chịu thiệt mà vẫn nhẫn nhịn; không khoe khoang, cũng không đố kỵ; biết coi nhẹ cái lợi của mình, biết nghĩ cho người khác; hiểu rõ trách nhiệm của bản thân nhưng lại không cầu được mất. Làm được như thế thì ắt sẽ luôn tự tại.
Tất nhiên, đạt được tâm cảnh như vậy ngay lập tức thì cũng không thực tế, cần phải từ từ cải biến bản thân mình thì mới được. Hôm nay người khác làm ta phương hại, ta nhẫn được đôi phần, lần sau gặp việc tương tự, lại cố gắng nhẫn thêm một chút nữa. Gặp việc gì hoan hỉ thì tự hỏi bản thân mình, gặp việc gì buồn bã thì tự hỏi bản thân mình, gặp việc gì khó chịu thì tự hỏi bản thân mình… Dần dần bạn sẽ biết cách giữ tâm mình bình lặng.
“Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, ấy cũng là một cách nói vậy. Con người cần vứt bỏ chính là những ích kỷ cá nhân, những kích động được mất. Điều đó không chỉ có lợi cho bản thân, mà cũng có lợi cho những người xung quanh bạn. Tu tâm ấy, có lẽ đó mới là mục đích để làm người.
Theo Giáo Dục Thời Đại
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự