Một điều nhịn chín điều lành

Thứ sáu - 02/05/2014 07:39
Tình cờ đọc lại cuốn sách “Đời sống tâm linh” của Thiền sư Nhất Hạnh (Nxb.Lá Bối), trong đó có đoạn viết: “Nhân duyên với Hàn Quốc. Nhà xuất bản Myungjin mua quyển Anger (Cơn giận) của Thiền sư Nhất Hạnh qua Nhà xuất bản Simon & Shustler Hoa Kỳ và đã bán gần 200.000 quyển trong vòng năm tháng…”.

Hàn Quốc từ xưa vốn là một nước Phật giáo, vậy mà đến năm 2003, chỉ còn 25% dân chúng là đạo Phật; 25% đạo Ky-tô và 50% không tin ai hết. Trong một quốc gia có đời sống tâm linh như vậy, quyển sách Anger của một vị thiền sư Phật giáo, không cần quảng cáo nhưng sách bán rất nhanh, thiên hạ đồn đãi và tranh nhau mua. Đủ biết căn bệnh trầm kha (cơn giận) của con người nhức nhối biết chừng nào!

Anger có nghĩa giận hờn, tức là sân, một trong ba loại độc tố tham-sân-si mà đạo Phật chủ trương chuyển hóa vì không mang lại lợi ích cho con người.

Sân hay giận là căn bệnh rất nhiều người mắc phải, biết giận là không nên, giận mất khôn, nhưng đôi lúc người ta khó có thể chế ngự.

Có đến 1.001 lý do để người ta nổi sân. Có nhiều từ để diễn tả cơn giận như “Nổi tam bành lục tặc’, “nổi trận lôi đình”, “nóng như Trương Phi”… Câu chuyện “sân” sau đây có thể nói lên điều đó:

Có một bà khách vào tiệm phát hành văn hóa phẩm Phật giáo gặp ông khách bước ra với cặp hạc đồng vừa mới mua. Bà khách hỏi: “Xin lỗi, bao nhiêu vậy ông!”. Ông khách trả lời: “Hai triệu”. Bà khách ngạc nhiên vì năm ngoái bà đã mua cặp hạc đồng này ba triệu rồi mà, bà nhoẻn miệng một câu bâng quơ: “Buổi sáng gặp người không thiệt!”. Ông khách dừng lại hỏi gắt: “Này, bà nói ai không thiệt?”. Vậy là cuộc cãi vã nổ ra với lý do đơn giản chỉ là sự hiểu lầm, sở dĩ cặp hạc đồng của bà khách đắt tiền hơn vì đó là đồ đồng cao cấp khác với cặp hạc này. May sao đứa cháu nội của ông chủ tiệm - một người có tu đạo, hiểu biết - xuất hiện bên cạnh bà khách giật giật chéo áo của bà. Khi bà nhìn xuống thì thằng bé chắp tay vái chào: “A Di Đà Phật!”. Tiếng chào của thằng bé khiến bà quay lại:

Cháu sẽ tặng cô bài thơ do ông nội của cháu dạy: Chuyện đời nên nói ít lại/ Hiểu Phật gắng niệm nhiều hơn/ Khuôn mặt vui tươi là cúng dường/ Miệng không nói dối là diệu hương/ Tâm không sân hận là Tịnh độ/ Ý không nóng nảy là đạo tràng. A Di Đà Phật!

Thiệt là lạ! Bà khách như hoàn hồn, bởi vì bà đến đây là để mua một cái áo tràng lam cho chồng, vì cái áo tràng của ông đã bị cháy do bà bất cẩn khi là ủi; vậy mà bà chưa kịp mua áo đã xảy ra cớ sự này. Thật là đáng tiếc! Bà cúi xuống vuốt đầu cháu bé và khen: “Cháu ngoan lắm!” rồi bước thật nhanh đi ra khỏi quán…

Thật vậy, chẳng ai muốn giận hờn làm chi cho mệt xác, hao năng lượng, mất thời gian, nhưng cái hạt giống tâm sân sẵn có trong tàng thức của mỗi con người, hễ có cơ hội là  chúng  nhảy ra hoành hành khó có thể kiềm chế được. Bởi vậy, chúng ta luôn cảnh giác với với những hạt giống xấu này. Để làm chủ tâm trước cơn giận đòi hỏi bản lĩnh hướng thiện với cái tâm vị tha độ lượng rất cao của mỗi người để có thể khoan dung vượt qua những phản ứng của tâm sân hận, một căn bệnh ích kỷ, kiêu mạn đáng ghét, như một lũ yêu tinh, quỷ sứ, chực chờ phá vỡ hạnh phúc và bình an của con người.

Để đối trị với tâm sân người xưa dạy: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa có đời nào khê”. “Một điều nhịn chín điều lành”. Bài học tuy cũ, biết rồi nói mãi, nhưng vẫn  rất cần thiết. Nếu ai cũng biết bớt cơn giận, bớt hận trách người; thêm tiếng cười, thêm lời từ ái; bớt một lời thị phi, niệm thêm một câu Phật, thì nhân loại sẽ không còn gây tổn thương cho nhau, tình người càng thêm bền chặt, gia đình hạnh phúc, xã hội bình yên.

Tác giả bài viết: Lê Đàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây