Người nghèo và người giàu trong thế giới ảo

Thứ hai - 30/09/2013 14:24
Dù nghèo hay giàu, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là người nghèo hay người giàu đều dễ dàng rơi vào cái hố của thế giới ảo nếu như không tỉnh thức hiểu rõ tình trạng của ảo.
Chất lượng về vật chất của người nghèo hay người giàu rõ ràng hoàn toàn khác nhau, một bên thì đầy dẫy những tiện nghi và xa hoa, một bên thì lúc nào cũng thiếu thốn đủ thứ và nhiều lúc rất cơ cực. Nhưng chất lượng hạnh phúc của người giàu có chắc to lớn hơn người nghèo hay không? Một người giàu và một người nghèo cùng bố thí cho một kẻ ăn xin. Trong túi của người giàu có một triệu đồng và ông ta lấy ra 5,000 đồng để bố thí, số tiền bố thí chiếm khoảng 0.5% số tiền ông ta hiện có. Trong túi của người nghèo có 5,000 đồng và ông ta cũng bố thí cho người ăn xin 5,000 đồng.

Người giàu thì sung sướng vì mình đã bố thí, còn người nghèo cũng sung sướng vì đã cho hết gia sản của mình. Nhưng ở đây mình lại nghĩ rằng người nghèo hạnh phúc hơn, ông ta không phải mất công ngồi giữ số tiền còn lại, và hạnh phúc của ông ta bây giờ là 100%, còn hạnh phúc của ông người giàu chỉ là 0.5%. Người nghèo ngồi chan cơm ăn với nước tương hay muối mà cũng thấy hạnh phúc, còn người giàu không thể ăn nổi một chén cơm chan nước như vậy, họ phải ăn một tô phở 50,000 đồng trở lên mới thấy xứng tầm và hạnh phúc.

Người nghèo có một chiếc xe đạp là thấy vui rồi, còn người giàu thì chiếc xe máy tay ga cũng chưa đủ, phải là một chiếc xe hơi, mà phải là Rolls Royce thì mới thấy vui. Người nghèo có đủ tiền để đi học tiếng Anh ở Đại học Sư phạm là thấy mừng hết chỗ chê, còn người giàu thì phải học ở RMIT hay ILA mà nhiều lúc vẫn còn than lên than xuống. Nói vậy để thấy cái hạnh phúc đâu có đo được bằng tiền, sự giàu sang hay sử dụng hàng hiệu. Hạnh phúc nằm ở chỗ mình suy nghĩ và cảm nhận nó, nếu bạn thấy hạnh phúc thì sẽ được hạnh phúc, nếu thấy khổ đau thì sẽ được khổ đau. Hạnh phúc hay khổ đau đều do mình chọn, chẳng ai có thể ban phát cho mình, chỉ có mình tự tạo nó ra.

Nhưng điều xa hơn mình muốn nói ở đây là lắm lúc cả người nghèo lẫn người giàu đều như đi trong thế giới ảo. Người nghèo thì muốn giàu để được như người ta, người giàu thì muốn giàu thêm, có nghĩa cả hai đều muốn hướng tới cái đích của cái giàu và đánh mất đi bản chất hạnh phúc thực của con người là không phân biệt nghèo hay giàu. Người nghèo lo bươn chải để kiếm ăn hàng ngày, khi đã đủ ăn đủ mặc thì bắt đầu lên kế hoạch làm giàu, riết rồi cũng thành người giàu. Người giàu thì vật chất quá dư dả, nếu không đem chia sẻ với người khác thì bắt đầu tính lấy tiền cũ đầu tư phát sinh thêm tiền mới để giàu hơn, để sánh vai với người ta, để lọt vào danh sách các nhà giàu nhất vùng.

Vậy thì cả hai người nghèo và giàu đều đang nhận cái ảo làm mục tiêu sống, biến mình thành người của công việc, tìm kiếm cái sinh nhai ở mức cao nhất. Người giàu chưa chắc được thảnh thơi, người nghèo cũng chưa chắc được thảnh thơi. Thảnh thơi không đơn thuần là chẳng làm gì cả, thảnh thơi ở đây là đầu óc rảnh rang để có thể cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an lạc và không bị ràng buộc gì nhiều. Người nghèo hay giàu đều là con người, đều phải tu tập, đều phải làm việc và đều phải biết sẻ chia, nhưng sự đồng cảm này ngày càng thiếu vắng trong thế giới ảo, trong đó khoảng cách giữa nghèo và giàu ngày càng lớn. Người nghèo than vãn tại sao mình nghèo mãi, họ không biết họ có nhiều thứ để làm giàu, họ chỉ nhìn nhận vào vật chất để đánh giá giàu nghèo, nghĩa là họ cho cái ảo là thật và đem nó ra để đánh giá.

Người giàu cũng vậy, cứ tưởng mình có nhiều tiền là giàu và hạnh phúc với nó, trong khi bản thân họ thì lại rất nghèo về tình thương. Giữa người giàu về tình thương và người giàu về vật chất, không biết mình sẽ chọn bên nào? Tình thương thì dễ sống hơn hay vật chất dễ sống hơn? Nếu sống một mình giữa một hoang đảo đầy vàng bạc châu báu và giữa một gia đình tuy nghèo nhưng đầy ắp tình thương, bạn sẽ chọn sống ở đâu? Nếu như cả người giàu và người nghèo biết nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống là nuôi dưỡng tình thương, làm giàu tình thương và ban tặng tình thương thì xã hội sẽ không còn khái niệm nghèo hay giàu nữa bởi vì ở xã hội đó toàn là người giàu mà thôi, giàu về tình thương.

Xã hội thường xuyên đưa ra các mục tiêu về kinh tế, giáo dục đưa ra chỉ tiêu về thi đậu, thế vận hội đưa ra chỉ tiêu về huy chương, hay công ty đưa ra chỉ tiêu về doanh số, ấy vậy chẳng có nơi nào đưa ra chỉ tiêu về tình thương. Chẳng hạn như hôm nay bạn đưa chỉ tiêu bạn phải có tình thương đến bao nhiêu người, lắng nghe bao nhiêu người, làm bạn với bao nhiêu người, nở nụ cười với bao nhiêu người, ban tặng niềm vui với bao nhiêu người,  xóa bỏ khoảng cách với bao nhiêu người, xa lìa hận thù với bao nhiêu người, tái lập hòa bình với bao nhiêu quốc gia, bạn nhường cơm xẻ áo với bao nhiêu người thiếu thốn?

Bạn đã lập những mục tiêu này cho mình chưa, hay là bạn chỉ cắm đầu cắm cổ chạy theo những mục tiêu không bền vững và cho đó là thật. Còn nuôi dưỡng tình thương là những điều thực tập mang lại sự bền vững thì lại ngó lơ, xem như không quen biết, thậm chí bị cho là điên rồ nữa.

 

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây