Mỗi người ai cũng có trái tim nhưng trái tim không hạn hẹp trong lồng ngực mà trái tim có thể vượt ra khỏi lồng ngực, ra khỏi giới hạn của hình hài, của biên giới, của quả địa cầu. Không ai cấm mình yêu thương và mình cũng không dừng lại được tình thương của mình. Người thông minh là người biết thương bản thân, vì thương thân nên không kìm hãm mình trong những điều kiện làm hư trái tim, làm hư cái thân. Trái tim có thể nhỏ bé, nhưng hết sức mạnh mẽ, nó vượt qua những khó khăn của thân và tâm. Mình cho trái tim đi ra khỏi lồng ngực, mình ôm trái tim của mình và mình ôm trái tim của người khác. Đứa con biết thương ba mẹ, thương anh chị, thương bạn bè, thương đồng nghiệp.
Trái tim có sự trưởng thành. Ngày xưa trái tim non nớt, đòi người này người kia phải thương mình, giờ mình đã biết đi thương người khác, trái tim trưởng thành là vậy. Không chỉ dừng lại đó, trái tim có nhu cầu lớn hơn, trái tim muốn thương đồng loại, thương cả muôn loài, thương môi trường, thương địa cầu, thương chúng sinh mười phương. Đơn giản thôi, tất cả các đối tượng này đều có mặt trong trái tim, nếu thiếu chúng, trái tim sẽ khó có mặt, trái tim sẽ rất khô khan. Trái tim có trí tuệ không chỉ vậy, mà còn biết tha thứ, biết bao dung, biết kham nhẫn. Đây đích thực gọi là trái tim không biên giới.
Vì không có biên giới, nên trái tim không có giới hạn, vượt thắng cả không gian và thời gian. Tình thương làm cho tâm từ lớn lên, làm cho tâm bi lớn lên. Từ bi là biểu hiện của tình thương. Trái tim thiếu vắng tình thương thì tội nghiệp lắm. Trái tim không có sự bị động vì trái tim lúc nào cũng chủ động, thôi thúc mình phải thương, thương tất cả, hạnh phúc cũng thương mà khổ đau cũng thương. Trái tim không kỳ thị là trái tim không biên giới.
Muốn kham nhẫn, đừng bao giờ ngừng thực tập trái tim không biên giới. Khi trong tâm không còn chút ít kì thị nào, mình nhìn mọi thứ bằng con mắt bình đẳng. Mọi phán xét ngay lập tức chấm dứt, trí tuệ bát nhã phát triển. Không cao không thấp, không dơ không sạch, không thành không bại, không tội không phước, không đẹp không xấu. Cái thấy của sự bình đẳng chấm dứt mọi kì thị và khi không còn kì thị, mọi ý niệm vắng bặt. Không nhẫn vì còn kì thị, còn vẽ đường ranh giới, còn thấy được sự khác biệt. Yêu thương hết muôn loài thì thương tất cả chúng sinh.
Chúng sinh dù ở góc độ nào, hình thái nào, quốc gia nào, giới tính nào, sắc tộc nào, tôn giáo nào, đều có thể thương được. Cái thương này không thuộc kiểu thương say đắm mà thương vì đã không còn kì thị, thương như thương mình, không thấy chúng sinh khác biệt với mình, nên thương chúng sinh giống như thương bản thân vậy. Đây không phải là trách nhiệm và nghĩa vụ, mà là sự hưởng thụ. Thương chúng sinh là sự hưởng thụ. Hãy là người ôm lấy muôn loài, ôm lấy cả hạnh phúc lẫn niềm đau của muôn loài. Ngồi đây ngắm nhìn trăng sao, đôi mắt tràn trề ánh sáng của trăng sao. Trái tim cũng vậy. Ngồi đây, ngắm nhìn chúng sinh, trái tim tràn trề tình thương chúng sinh.
Trong bài kệ Trái Tim Không Biên Giới, có đoạn, đem cả thân mạng này mà ban phát tình thương, dù chúng sinh sống ở quốc độ nào, quốc gia, châu lục hay hành tinh nào. Thương hết thì ai cũng là người thương, mình giàu có, mình không cô đơn, vì lúc nào cũng có người để thương, lúc nào cũng có chúng sinh để thương, để mà hy sinh, để mà che chở. Yêu thương hết muôn loài là kham nhẫn với tâm kì thị, tâm muốn ngăn chia, tâm muốn tạo khoảng cách, tâm muốn đánh đấm, tâm muốn gây chiến tranh. Chỉ cần ngồi lại, nhìn vào chúng sinh trong mình, mình thấy chúng sinh gần gũi và dễ thương biết bao.
Giữa rừng đại ngàn, có những cây rất lớn, tuổi thọ có thể vài trăm, dài hơn cả đời người, nhưng cũng có những có những cây nhỏ, vừa mới mọc. Cây lớn sống chung với cây nhỏ và không có kì thị cây nhỏ. Bên canh đó, có những loài thú nguy hiểm, thường xuyên rình rập để tấn công và ăn thịt loài thú hiền lành yếu đuối. Khi lũ lụt hay bão tố nổi lên, rừng có thể nép vào nhau mà trường tồn vì rừng có chất liệu của sự che chở.
Vị khất sĩ đi vào rừng một mình, tìm nơi thực sự yên tĩnh, đặt chánh niệm trước mặt và bắt đầu thực tập quán niệm hơi thở. Mỗi khi có loài thú dữ nào phát khởi trong tâm, vị ấy nhận biết, quán chiếu tình trạng nguy hiểm và diệt trừ tình trạng này bằng cách im lặng. Im lặng với điều hung dữ thì điều hung dữ sẽ tự bỏ đi. Chánh niệm là nhận diện đơn thuần, tức là im lặng với điều mình nhận diện, mình biết nhưng không trốn chạy hay níu kéo. Biết rõ sự thật về loài thú dữ, vị khất sĩ im lặng nên không bị con thú ăn thịt mất.
Còn nếu vị ấy sợ hãi, chạy trốn con thú thì con thú sẽ chạy theo, chạy không nổi thì bị con thú ăn thịt. Trong rừng có muôn ngàn thú dữ như trong tâm có muôn ngàn sự cám dỗ, im lặng giữa rừng đại ngàn như im lặng với cám dỗ ở trong tâm. Kham nhẫn với mọi cám dỗ là thực tập im lặng. Cám dỗ có mặt trong mọi hoàn cảnh nên im lặng trong mọi hoàn cảnh, đi vào rừng đại ngàn, đi một mình giữa thế gian, không bị thú dữ ăn thịt, không bị các pháp thế gian thuần hóa.
Một quốc gia muốn có kỉ cương và duy trì an ninh xã hội đề ra luật pháp để vừa giáo dục vừa răn đe người dân. Nhưng có một thứ luật không tuân theo phép kỉ cương nào, nó phá vỡ trật tự xã hội, đề cao tự do sai trái, muốn làm gì thì làm, bất cần luật, có thể hiểu theo kiểu phép vua thua lệ làng, đó là luật rừng. Luật rừng thường ám chỉ cho thành phần xã hội đen, thế lực đen tối hay những người bất hảo trong xã hội.
Một khi luật pháp không được thực thi, luật rừng phát triển và bành trướng phạm vi hoạt động. Luật rừng đầy dẫy đồng nghĩa với xã hội bạo loạn và đất nước rơi vào bạo động. Vị khất sĩ đối diện với tâm không thanh tịnh giống như đối diện với luật rừng. Thân này là một lãnh thổ, tâm này là cả một đại dương. Nếu không bảo vệ lãnh thổ bằng giới luật, bằng uy nghi, thân sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định vì đã bị luật rừng chiếm giữ, tức là sống bằng không giới, không luật, không uy nghi. Vị khất sĩ này đã đánh mất mình, đánh mất thân, đánh mất lãnh thổ, đất nước bị thất thủ, thân bị thất thủ. Nếu không bảo vệ tâm bằng chánh niệm, bằng thiền quán, bằng phát triển trí tuệ, tâm sẽ tán loạn và bị luật rừng sai khiến, tức là sống bằng thất niệm, đánh mất tâm, đánh mất đại dương, biển cả bị ô nhiễm bởi những vết dầu loang.
Năm 2010, vụ tràn dầu ở vịnh Mexico được xem là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất, nó giết chết không biết bao nhiêu sinh mạng, ảnh hưởng đến đời sống không biết bao nhiêu người và môi sinh bị ô nhiễm không biết bao nhiêu mà kể. Thân tâm này cũng thế, không hành trì chánh pháp thì thân tâm này sẽ là thảm họa, còn ghê gớm hơn cả thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico.
Kham nhẫn với việc khó khăn trong thực tập chánh pháp, vị khất sĩ giúp cho thân tâm từ từ thấm nhuần hương vị của chánh pháp, tạo ra chất kháng thể, đối trị với những nhu cầu bất thiện vẫn còn ngủ ngầm trong thân tâm. Im lặng với bất thiện thì bất thiện không lấn lướt, biết được điều bất thiện sẽ dẫn mình đi về nẻo của khổ đau nên mình im lặng, không kí hợp đồng với điều bất thiện. Hãy thực tập im lặng khi cần thiết.