Đức
Phật không từ chối mà cũng không có ý định gạt ngay sự mất mát bi
thương ra khỏi lòng người mẹ. Người chỉ có một yêu cầu, nếu người phụ
nữ ấy có thể tìm được những hạt cải trong một gia đình chưa từng có
người thân nào qua đời, thì hãy mang những hạt cải đó về, Người sẽ dùng
chính những hạt cải ấy để làm cho đứa bé sống lại. Người mẹ mừng rỡ ôm
xác con đi tìm khắp trong làng ngoài thôn, nhưng trớ trêu, không một
gia đình nào có thứ hạt cải ấy, vì không ít thì nhiều trong đời có ai
không một lần phải chứng kiến cảnh mất người thân. Người phụ nữ đã
nhanh chóng giác ngộ ra sự thật đó. Sau khi chôn xác đứa con bé bỏng
của mình xong, bà đã đến đảnh lễ và quy y với Đức Phật.
Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại nhớ đến câu thở của Đỗ Trung Quân: "… Ngả nón đứng chào xe tang qua phố. Ai mất mẹ sao lòng ta hoảng sợ. Ngày tháng kia bao lâu nữa của mình…". Đó
là tâm trạng của một người con sợ chứng kiến cảnh một ngày kia mình sẽ
không còn mẹ, sẽ mồ côi, sẽ bơ vơ… Nhưng mồ côi, bơ vơ có ý nghĩa gì
bằng khi một ngày kia người con không được chăm sóc mẹ, không được chia
sẻ những vui buồn trong đời mẹ, hay chỉ đơn giản là không được chào hỏi
mẹ mỗi lần đi - về, không được nhìn thấy mẹ vui khi ăn một món thật
ngon do tự tay mình nấu, mặc một chiếc áo thật đẹp do tự tay mình mua…
Bản
thân tôi phải sống xa mẹ, nên tự hổ thẹn khi không làm được những điều
đơn giản nhất. Trong cuộc sống tha hương bận rộn của mình, tôi chỉ biết
hàng đêm dành mấy mươi phút để niệm Phật là nhớ nghĩ về mẹ. Mỗi khi tôi
vấp ngã, nghĩ đế mẹ là tôi lại tự mình đứng dậy. Mẹ là Phật. Mẹ thương
con như Phật thương chúng sinh. Biết vậy mà tôi vẫn có tâm trạng hoảng
hốt như nhà thơ kia.
Mỗi
khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại nghĩ đến những tiếng kêu đớn
đau bật ra thành lời, hay còn nghẹn lại ở trong lòng những người vợ
khóc chồng. Và đâu đó, tiếng khóc vợ bi ai ngày nào của Phạm Thái
(1777-1813) trở về: "Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi
tình cho nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận
phận hóa ngang tàng tính mệnh. Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát
châu chìm, chua xót cũng vì đâu, não ruột cũng vì đâu? Nay qua nấm cỏ
xanh, tưởng người phận bạc, sụt sùi hai hàng tình lệ, giãi bày một bức
khốc văn, đốt xuống tuyền đài tỏ cùng nương tử". Tiếng khóc thương
của người xưa vẫn còn cho tôi một chút niềm tin rằng, lời đồn về những
quý ông thời hiện đại, vợ tuy còn đó, môi vẫn đỏ, má vẫn hồng mà đã hay
lòng đổi dạ, không phải là phổ biến.
Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại nhớ đến lời chiêu hồn tha thiết của cụ Nguyễn Du: "Mỗi người một nghiệp khác nhau. Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?".
Cái nghiệp mà cụ nói ở đây là cái nghiệp tự tạo: thiện có ác có, xấu có
tốt có. Tuy khác nhau là như thế nhưng chết đi thì đều bi thương cả. Cụ
chiêu hồn từ những người "mũ cao áo rộng", lính thú chinh chiến, đến
những người "buôn son bán phấn", người đi ở, người cô thân, người vô
tình chìm sông lạc suối, người có đẻ không nuôi… Và những cảnh đời khác
nhau đầy bi thương, trắc ẩn ấy, đã đưa chữ nghiệp của Nguyễn Du bao
trùm lên mọi thân phận trong xã hội. Nhưng cụ không lên án điều gì cả.
Cụ chỉ đặt câu hỏi để người đời sau tự trả lời: "Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?", "Kiếp nào cới được oan tình ấy đi?", "Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?"…
Tôi
cũng như bao nhiều người khác, đều có một lý lịch về nghề nghiệp…,
nhưng tôi chỉ biết chăm với "nghề" mà quên đi "nghiệp" đang tạo của
mình. Hằng ngày, đọc những trang báo đầy những cảnh giết nhau một cách
tàn nhẫn mà không khỏi băn khoăn về lòng nhân trong cuộc sống. Đó là hệ
quả của sự dồn tụ biết bao nhiêu cộng nghiệp, biệt nghiệp.
Nhưng
tôi vẫn thảng thốt, không biết lấy nghiệp nào để lý giải khi 5 cô bé
tuổi còn chuồn chuồn kim đã rủ nhau cùng nhảy sông tự tử. Và một lần
nữa, câu hỏi của cụ Nguyễn Du từ mấy trăm năm qua vẫn còn đang bỏ ngỏ…
Ai cũng muốn trở thành người hiểu được Tố Như. Nhưng phải chăng khóc Tố
Như chính là chuyện khóc đời, thương đời? Tôi chỉ biết theo cụ niệm
tiếng nam mô để hóa giải những bàng hoàng trong tinh thần, để có nhiều
hơn niềm tin yêu ở mỗi con người.
Mỗi
khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại đem cái nhìn bình đẳng của
cụ Nguyễn Du mà niệm Phật rặn mình. Trong xe tang ấy, có người đang
viết lên lịch sử cuộc đời mình, có người bị đời ruồng bỏ, lãng quên; có
người đã từng đầm ấm hạnh phúc, có người tủi phận cô đơn; có người ác,
có người hiền… Nhưng họ đều đã có nơi để đi về theo nghiệp riêng của
mình. Bất kể những chiếc xe tang nào đi qua, người nằm đó, có tôn giáo,
tín ngưỡng hay không, tôi đều dành cho họ một câu niệm Phật.
Có
những điều tẻ nhạt, có những sự thú vị nơi mỗi cái chết, nhưng đó đều
là những đối thoại không dứt với riêng tôi về thân phận con người. Tôi
nghĩ rằng, cái chết đến với con người cũng không phải là chuyền hoàn
toàn đau khổ, vì chỉ có ở đó, mọi toan tích ích kỷ, mọi hờn ghen, thù
hận, mội công danh, tiền bạc mới trở nên vô nghĩa…
Nhưng
cũng mỗi khi thấy xe tang qua phố, tôi lại vô tình chạm phải những ánh
mắt không vui nhìn vào đoàn người đang đi, xem đó như là hành vi làm
kẹt giao thông. Đằng sau con mắt ấy là gì…, tôi không hiểu. Có lẽ nào,
sự bận rộn của cuộc sống mưu sinh đang chia tách con người ra thành
từng mảng, đến nỗi không thể nhường người chết đi qua, dù chỉ mất có 5
phút đoạn đường. Cuộc sống còn rất nhiều liên
đới với nhau, mà ở đó, nghĩa tử luôn là nghĩa tận, và bởi cái chết còn
cho ta hiểu thêm về tình bằng hữu, tình hàng xóm láng giềng. Xin hãy
ngả nón tiễn biệt nhau, không phải với ánh mắt của những người xa lạ,
vô tình.
Cũng như những lần khác, hôm nay tôi lại "ngả nón đứng chào xe tang qua phố"và thêm một tiếng niệm Phật, một lời nguyện cầu, mong người ra đi sẽ bỏ
qua tất cả vui buồn trong kiếp sống mà để lòng thanh thản. Nhìn chiếc
xe tang dần xa khuất, tôi chợt hiểu chúng ta không phải là những người
tù của bản thân mình. Cuộc sống tốt đẹp còn ở mãi ngoài kia…
Tác giả bài viết: Chùa Thành
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự