Người Việt trẻ có sẵn gì?

Thứ sáu - 23/01/2009 08:49
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông có nói đến khái niệm “nhà mình có sẵn đừng tìm kiếm”. Nhìn những chuyện đang diễn ra trước mắt, chợt giật mình tìm xem cái mình đang có sẵn? Ngó qua ngó lại mới hay cả xã hội đang bỏ quên rất nhiều cái có sẵn quý giá nhất của mình. Phải chăng nền giáo dục đã bỏ quên cái đẹp, tính thiện, lòng nhân, lòng trắc ẩn? Từ chuyện lễ hội hoa anh đào ở Việt Nam…Người Nhật có lễ hội hoa anh đào truyền thống, thể hiện cả một triết lý thưởng hoa, hiểu hoa và tôn kính hoa.

Có thể nói lễ hội hoa anh đào của Nhật đã làm cho cả thế giới tốn không ít giấy mực để bàn luận về nó. Bởi người Nhật yêu hoa, hành xử với hoa và nâng những giá trị đó trở thành “Đạo”. Người Nhật ý thức việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho dân chúng nước mình từ những hành vi văn hóa tưởng chừng như đơn giản nhất qua cách yêu cái đẹp, chăm sóc cái đẹp và biến cái chưa đẹp trở nên đẹp. Đó là cái gia tài văn hóa vô giá mà người Nhật hãnh diện và muốn chia sẻ niềm vui đó với bạn bè thế giới.

Trong sự hãnh diện và muốn chia sẻ ấy, người Nhật nhiệt tình đem cái đẹp tinh tế và triết lý thưởng hoa đến với người Việt. Chắc hẳn trong lúc “gieo duyên” ấy, người Nhật cũng phải tìm thấy nét đẹp nào đó trong nền văn hóa chúng ta. Và phải nói, dẫu chưa yêu hoa đến mức thành “Đạo” như người Nhật thì trong văn hóa người Việt, yêu hoa cũng là những nét văn hóa phổ biến. Tuy nhiên, người Việt chưa thể nâng tầm mức yêu hoa, yêu một loài hoa đặc thù trở thành triết lý và cụ thể hóa nó thành lễ hội. Đến cách ứng xử văn hóa của người Việt trẻ với hơn hai trăm nhành hoa được chiết cành và chuyển từ Nhật sang, người Việt đã lần đầu tiên được thưởng hoa anh đào trên mảnh đất của mình. Cái tình đó của người Nhật thật đáng trân trọng.

Đáng tiếc, người Nhật hữu tình còn chúng ta thì vô ý. Sự vô ý thể hiện qua cách ứng xử văn hóa rất thấp, bởi chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau nghi thức thưởng hoa, nhiều người Việt trẻ (thế hệ kế tục sự nghiệp của người đi trước) nhào vô “bức tử” hoa anh đào một cách thản nhiên như đi vào khoảng trống. Quả đúng như vậy, vì đó là một khoảng trống văn hóa quá lớn mà mấy thập kỷ nay, nền giáo dục của chúng ta vẫn chưa thể lấp đầy. Dù biết cái đẹp chỉ nhất thời và nhanh chóng úa tàn, nhưng người Nhật còn tìm thấy cả nét đẹp tiềm ẩn trong sự úa tàn ấy, nên họ rất thích ngồi dưới những cội hoa anh đào không chỉ ngắm những bông hoa đang khoe sắc mà còn thưởng thức những cánh đào rơi rụng một cách tự nhiên. Có cả một triết lý sinh tử trong thưởng hoa chứ không phải chuyện “giỡn chơi” thương mại đình đám đâu.

Những người Việt trẻ ngày hôm ấy không những biết quá ít nguyên tắc ứng xử tối thiểu mà còn biết quá ít về văn hóa của người khác. Một sự khập khiễng trong văn hóa qua đó đã được chẩn mạch và cần phải tiến hành bốc thuốc ngay để chữa trị. Vì nó đã trở thành kinh niên trong ứng xử văn hóa từ phong thái đi đứng, chào hỏi, nói năng, ăn uống, học hành, lễ tiết của đa số người Việt trẻ suốt nhiều năm nay, khi những từ “kinh tế thị trường”, “toàn cầu hóa” với toàn những mặt trái đầy thủ đắc, thực dụng đang xâm chiếm họ.

Có thể nói những từ “xấu hổ”, “vô cùng xấu hổ” được nhắc tới nhiều nhất trong mấy ngày qua. Người Việt trẻ nào sẽ thay lời xin lỗi, như một nguyên tắc cần thiết trong ứng xử: xin lỗi là biết cái lỗi trước và chừa cái lỗi sau không tái phạm? Nhắc đến chuyện bình chọn hoa của người Việt. Hơn một năm trước, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết về việc làm sao người Việt có một loài hoa để tôn kính và xem đó là quốc hoa. Một sự thăm dò ý kiến cũng đã được báo tuổi trẻ đưa ra. Cho đến ngày chấm dứt cuộc thăm dò ý kiến, hoa sen vẫn dẫn đầu với đa số bình chọn (theo biểu đồ kết qủa hiển thị trên tuoitreonline), bên cạnh hoa mai, hoa đào và tre (tre xếp vào với hoa là khiên cưỡng). Đúng như tác giả bài báo giải thích, chúng ta đã lấy hoa sen làm biểu tượng trên máy bay của hãng hàng không Việt Nam. Nếu chúng ta không kịp thời lấy hoa sen làm quốc hoa thì sẽ có nước sẽ lấy mất, vì hoa sen vẫn chưa có nước nào chú ý tới. Tuy nhiên, sự việc trên cũng dần dần chìm vào góc khuất thông tin và chẳng đánh động được gì đến những người quản lý văn hóa tại Việt Nam.

Hoa sen có những đặc tính có thể nâng lên tầm triết lý, nếu người Việt quan tâm, bởi chúng ta có thể bắt gặp nó trong nhiều kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ, văn chương của dân tộc. Và bởi nó hàng ngày vẫn nở khắp trên các làng quê Việt Nam tượng trưng cho một vẻ đẹp thanh khiết và cao qúy. Nhưng muốn có một triết lý về hoa thì phải có nhiều tầng lớp yêu hoa, chăm sóc hoa như yêu và chăm sóc chính bản thân mình, bằng không tất cả chỉ là những mơ ước hão huyền, mò trăng đáy nước. Bỏ quên và đang chờ phát hiện vừa qua, trước khi đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật có gửi một thông điệp đến chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh đến những yếu tố tương đồng văn hóa và cùng có một nền triết lý của đạo Phật đại thừa. Sự giao lưu văn hóa chính là để khẳng định thêm và gắn bó hơn những nét tương đồng ấy. Ngôn ngữ ngoại giao dù có khách sáo thì cũng gợi ra những suy nghĩ, liên hệ, song những gì thực tế diễn ra trên đất nước Nhật và những gì thực tế đang diễn ra trên đất nước chúng ta, có thể nói “sự tương đồng” là một khái niệm lạc quan tếu.

Không nói đến những “quốc nạn” tham nhũng, tệ nạn xã hội gia tăng, mà chỉ nhìn người dân đi đứng, nói năng, ứng xử là sẽ thấy trình độ văn hóa của một dân tộc. Tranh nhau giành đường để đi, đụng chạm đến nhau là cãi lộn, đánh đấm. Hàng xóm láng giềng thì mạnh ai nấy sống. Chỉ vì cái xe để vô tình trước cửa nhà mình, chỉ vì vài giọt nước tưới cây nhà bên hắt sang, chỉ vì chó mèo phóng uế ra ngõ, chỉ vì trẻ con nô đùa hơi lớn tiếng, chỉ vì vài cọng rác… là hàng xóm có thể từ mặt nhau, thù ghét nhau.

Không có đủ nhà vệ sinh công cộng đã đành, ngay cả khi có nhà vệ sinh công cộng thì nhiều người vẫn thản nhiên tiểu tiện bất cứ ở đâu trên đường đi. Người ngồi trên xe tùy ý khạc nhổ, vứt rác xuống đường. Hội hè đình đám ở bất cứ đâu, xong việc là để lại sau mình một bãi rác khổng lồ. Các công ty thay nhau quảng cáo sản phẩm còn phần rác thì để đường phố gánh chịu. Có vô số những chuyện “đau mắt” như vậy xảy ra khắp trong ngõ xóm, đường phố. Chúng ta chỉ còn biết ngồi chờ để phát hiện những hình ảnh đẹp mắt hơn, người hơn.

Trong bài phú Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông có nói đến khái niệm “nhà mình có sẵn đừng tìm kiếm”, nhằm chỉ Phật tính, cái vốn tâm linh thường được thể hiện qua thái độ văn hóa của chúng ta. Nhìn những chuyện đang diễn ra trước mắt, chợt giật mình tìm xem cái mình đang có sẵn? Ngó qua ngó lại mới hay cả xã hội đang bỏ quên rất nhiều cái có sẵn quý giá nhất của mình. Phải chăng nền giáo dục đã bỏ quên cái đẹp, tính thiện, lòng nhân, lòng trắc ẩn?

Đặt một câu hỏi lớn như vậy sẽ có người cho rằng quá bi quan, nhưng cứ nhìn hình ảnh những người trẻ được ăn học đàng hoàng nhảy vào “bức tử” hoa anh đào mới thấy hết sự bẽ bàng của một nền văn hóa ứng xử. Gia tài văn hóa Việt Nam có không ít những bài học cao đẹp về cách làm người, nhưng với những gì mà thực tại xã hội đang diễn ra, nhớ đến chuyện Đức Phật thí dụ về những người có minh châu trong túi áo nhưng vẫn phải đi ăn mày, mà cảm thấy không có gì đáng buồn hơn.

Hành vi ấy là kết quả của một lối suy nghĩ, dù chỉ qua một hiện tượng nhỏ của một nhóm người trong lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Hà Nội vừa rồi, hay cảnh người trẻ tranh nhau bứt phá những chiếc nón lá trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương thơ mộng tại Festival Huế 2006… chính là lời cảnh báo về lối ứng xử văn hóa được giáo dục có rất nhiều vấn đề cần phải sớm xem xét lại.

 

 

Tác giả bài viết: Thường Trung

Nguồn tin: (Theo Blog Sen Việt)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây