Niềm tin trong đạo Phật là niềm tin trên cơ sở hiểu biết, trí tuệ. Đức Phật đã từng dạy: “Đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy từng được nghe nói đến, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được quảng bá rộng rãi, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do truyền thống để lại, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy được kinh điển truyền tụng, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do một vị giáo chủ nói ra, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy đoán, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ do suy luận, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì mình thấy điều đó có lý, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với thành kiến, quan điểm nhận thức của mình, đừng nên tin bất cứ điều gì chỉ vì điều ấy do thầy mình nói ra.
Nhưng chỉ khi nào tự mình biết rằng những điều đó là không đúng, những điều đó không chính đáng, những điều đó bị người hiền trí phê phán, và khi chấp nhận, khi thực hành sẽ đưa đến tai hại và khổ đau thì các ngươi hãy từ bỏ những điều đó. Khi nào chính các người biết rằng những điều đó là chân chính, những điều đó không bị chê trách, những điều đó được người hiền trí khen ngợi, những điều đó khi được chấp nhận và thực hành sẽ dẫn đến an lạc hạnh phúc, thì các người phải nỗ lực mà thực hành” (Kinh Kalama, Tăng Chi Bộ kinh I).
Chúng ta theo đạo Phật vì thấy được giá trị lợi ích thiết thực của Phật pháp đối với đời sống con người và xã hội, thấy được những gì Đức Phật dạy là chân lý. Chúng ta nhận thấy đạo Phật không đơn thuần là một tôn giáo mà gồm thâu cả khoa học, triết học, đạo đức học, nghệ thuật sống… Chúng ta mộ Phật không vì hưởng ứng theo số đông hoặc vì tổ tiên ông bà chúng ta theo đạo Phật. Đức Phật dạy chúng ta chỉ nên tin vào những gì đem lại an lạc hạnh phúc cho mình, cho người trong hiện tại và tương lai, đó chính là niềm tin chân chính và sáng suốt.
Niềm tin của người
Phật tử, tức người đã quy y Tam bảo - quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng - thọ
trì năm giới, thực hành đời sống tại gia tu hành, là niềm tin tuyệt đối vào Đức
Phật, Phật pháp và Tăng già.
Người Phật tử tin rằng Đức Phật là bậc giác ngộ
hoàn toàn về ba phương diện: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, có trí tuệ
và phương tiện thiện xảo, Đức Phật có thể dìu dắt chúng sinh ra khỏi vòng vô
minh lầm lạc, đạt đến an lạc, cứu cánh Niết bàn. Người Phật tử tin rằng Phật
pháp là chân lý mà Đức Phật đã thân chứng, là phương pháp diệt khổ, là con đường
đưa đến an lạc giải thoát. Phật tử tin rằng Tăng già là đoàn thể những người
tiếp bước chư Phật đi trên con đường giác ngộ giải thoát và dìu dắt chúng sinh.
Luận Đại thừa khởi tín có nói: “Lòng tin có bốn: Một là lòng tin cội gốc, nghĩa là luôn nghĩ pháp Chơn như. Hai là tin Đức Phật có vô lượng công đức, thường tưởng nhớ, gần gũi cung kính, cúng dường, phát khởi tâm lành để cầu Nhứt thiết trí. Ba là tin Pháp có nhiều lợi ích, thường nhớ tu hành cho rốt ráo. Bốn là tin Tăng hay tu hành hạnh lợi mình lợi người, thường gần gũi các bậc Bồ tát cầu học hạnh như thật”.
Niềm tin là một
trong bảy tài sản của bậc Thánh (Thất Thánh tài). Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật
dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Bởi vì có niềm tin nơi Đức Phật, có
niềm tin nơi Chánh pháp, nơi Tăng già, các bậc đạo sư thì mới quy ngưỡng và tín
thọ, phụng hành giáo pháp đưa đến thành tựu phạm hạnh, an lạc giải thoát.
Kinh Tâm
Địa Quán, Đức Phật dạy: “Như người không có tay, tuy đến núi châu báu cũng
không lấy được gì; người không có lòng tin, dù gặp Tam bảo cũng không ích gì”.
Đức Phật lại dạy: “Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng
vô minh si ám, người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà
kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng có đủ để làm cội gốc tu hành” (Kinh
Niết Bàn).
Thấy được giá trị lợi ích của Chánh pháp đối với cuộc đời, chúng ta phát khởi lòng tin, và nhờ niềm tin ấy mà nỗ lực thực hành Chánh pháp. Càng thực hành, càng áp dụng vào đời sống, càng được an lạc hạnh phúc thì niềm tin càng tăng trưởng và kiên cố thêm. Kinh Niết Bàn nói: “Lòng tin làm nhân cho nghe pháp và nghe pháp làm nhân cho lòng tin”.
Đến với đạo Phật
không phải để cầu đảo van xin, không phải để nương tựa thần quyền. Niềm tin
trong đạo Phật hướng về những điều mà Đức Phật đã giác ngộ, đó là duyên sinh,
nhân quả nghiệp báo, là vô thường, khổ, không, vô ngã…
Nếu xây dựng niềm tin không vững chắc, hoặc niềm tin có được trên cơ sở nhận thức cảm tính mà không xuất phát từ lý trí, từ kinh nghiệm thực tiễn thì sớm muộn niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ. Người ta dễ dàng bỏ đạo, thay đổi thái độ, quan điểm cũng chỉ vì niềm tin không kiên cố. Người ta dễ dàng bị lôi cuốn, tha hóa, chạy theo tà đạo, rơi vào mê tín dị đoan, làm điều tà mị cũng vì không có niềm tin chân chính bền vững.
Ngoài ra còn một điều hết sức quan trọng là lòng tự tín của người Phật tử. Đây là niềm tin căn bản nhất không thể thiếu. Lòng tự tín là lòng tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin rằng mình sẽ thành Phật nếu nỗ lực tu hành. Bởi sự giác ngộ là tự mình giác ngộ chứ không ai có thể giác ngộ thay cho, vì thế nếu không có lòng tự tin thì chúng ta không nỗ lực.
Đức Phật đã dạy: “Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác (Kinh Niết Bàn), và “Các con phải tự mình nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là người thầy dẫn đường”(Pháp Cú, 276) .
Tóm lại niềm tin
căn bản trong đạo Phật là niềm tin Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng và niềm tin tự
thân, tin vào khả năng giác ngộ của chính mình, tin mình có thể đạt đến chỗ
toàn Chân, Thiện, Mỹ và giác ngộ giải thoát.
Một khi có niềm tin nơi Tam bảo là những gì được xem là chân lý, là thánh thiện thì con người sẽ phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất để đạt được mục tiêu an lạc hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, cũng như con thuyền đã xác định phương hướng, đã có bến đỗ.
Người Phật tử trên bước đường tu học cũng giống như một con thuyền đang lướt sóng trên biển, tức là phải gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhiều chông gai thử thách. Nhưng khi con thuyền đã xác định rõ phương hướng, biết đích xác đâu là bờ thì chỉ còn nhờ vào sự nỗ lực và tài năng lèo lái con thuyền của người thuyền trưởng mà thôi.
Người
Phật tử cũng vậy, một khi đã có niềm tin vững chắc vào Tam bảo, vào tự thân, đã
thấy rõ mục tiêu hướng đến, bằng sự tinh tấn nỗ lực sẽ mau chóng thành tựu, đạt
được lý tưởng của mình. Nếu niềm tin không kiên cố, hoặc tin mà không có trí
tuệ thì niềm tin ấy dễ dàng bị lung lạc bởi sự tác động của hoàn cảnh hay ngoại
đạo, tà thuyết.
Nguồn tin: Phan Minh Đức
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự