Tình thương chỉ có mặt khi tuệ giác ở nơi ta được phát khởi, khi tâm trở về trọn vẹn với thân. Vì lẽ đó cho nên, khi vua Trần Thánh Tông gửi thái tử Trần Khâm tới để học hỏi đạo lý với Tuệ Trung Thượng Sĩ, và trước khi ra về, Trần Khâm kính cẩn hỏi yếu chỉ của Thiền, thì được dạy rằng: "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" (Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được - Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục).
Thủ bút của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Thật vậy, chúng ta
chỉ cần nhìn lại thân tâm mình cho thật kỹ càng và tường tận, thì sẽ thấy được
vô vàn điều kiện hạnh phúc. Tuệ Trung Thượng Sĩ khẳng định cho Trần Khâm biết
rằng, cốt lõi của sự sống an vui, giải thoát, nó vốn tại đây rồi, đừng chạy đi
tìm kiếm ở nơi nào khác mà vô ích.
Câu nói trên tuy ngắn, nhưng thật là thâm sâu, hàm chứa toàn bộ yếu chỉ của Thiền. Nhờ lời dạy thâm sâu đó, về sau đã giúp cho vua Trần Nhân Tông sáng đạo và trở thành Sơ tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Nhìn lại, có nghĩa
là hãy quay đầu lại, hãy trở về đây mà thấy. Tức là sự sống đích thực, nó đang
có mặt tại đây, ta hãy trở về để tiếp nhận và thừa hưởng, chứ không phải ở một
nơi nào khác. Vậy thì, nhìn lại là ta nhận diện rõ ràng sự vận hành của thân
tâm, cũng như hoàn cảnh đương tại.
Nhìn lại, là trạng thái tâm ý tỉnh thức và trong sáng, không bị mê mờ hay dao động bởi ngoại cảnh. Một khi tâm ý trở về trọn vẹn với tự thân, thì ta sẽ cảm nhận được những dòng dấy khởi từ thân tâm mình một cách rõ ràng. Nhờ biết rõ những hiện thực ấy, nên ta làm chủ được bản thân mình, và đồng thời không bị bản ngã sai sử, chi phối.
Trong đời sống hàng ngày, ta thường quên nhìn lại chính mình, nhất là khi đi tới ở chỗ đông người. Khi đi chợ hay là vào siêu thị để mua sắm, thì ta dễ bị hoàn cảnh thu hút. Những lúc ấy, ta không biết rõ mình đang làm cái gì, mà chỉ hành xử theo bản năng, quán tính.
Trong đời sống
hàng ngày, ta thường bị bản ngã điều động và làm theo như một công thức có sẵn.
Khi ai nói một câu khó nghe, thì lập tức bản ngã xen vào để phản ứng. Lúc đó,
ta không thấy rõ được sự vận hành của tâm ý như thế nào cả, vì vậy không làm
chủ được chính mình, nên ta la mắng người đó hoặc dùng mọi thủ đoạn để buộc tội
hay trừng phạt.
Hiện trạng bực bội này làm cho thân thể ta gồng cứng lên, những tế bào co rúm lại và khuôn mặt biến dạng đỏ phừng phừng hoặc tái nhạt đi, tim đập không đều, khó thở, máu huyết bị tắc nghẽn. Chúng ta thừa biết rằng, mỗi khi máu trong cơ thể không được lưu thông, thì sẽ dẫn đến đủ thứ căn bệnh phát sinh. Như vậy, không hiểu rõ và làm chủ chính mình, thì sẽ làm hại cho bản thân và những người khác.
Như vậy, đối với bản thân mình ta không thương yêu, mà còn tạo ra đau khổ, thì làm sao ta có thể thương yêu ai được? Thế thì muốn thương yêu mọi người, trước hết ta phải biết thương lấy chính mình. Mà thương bản thân mình, thì phải có cái nhìn sâu sắc vào trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày, để biết rằng ta nên tiếp xúc và tiêu thụ những gì, nhằm đem lại sự lợi lạc cho ta và cho những người chung quanh.
Thực ra, khi trở về với tự thân, ta sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm; từ những nỗi khổ niềm đau, giận hờn, ghen ghét, sự phản ứng… Tất cả những diễn biến ấy, đều là bài học quý giá cho ta cả, và đồng thời tuệ giác cũng được biểu hiện từ nơi đây. Có thể nói rằng, những người có tình thương lớn, là nhờ họ trải qua rất nhiều cay đắng trong cuộc đời, nên họ dễ dàng buông xả và thông cảm, thương yêu đối với mọi người.
Vì vậy, nhìn lại
chính mình là vấn đề rất quan trọng cho đời sống của chúng ta. Có khi nào bạn
ngồi yên và lắng lòng để nghe những tiếng nói thì thầm trong tâm mình chưa? Bạn
đã từng nhận diện rõ ràng hơi thở vào và hơi thở ra của mình hay không? Hơi thở
như bà mẹ hiền, đã nuôi dưỡng cho bạn sống mấy mươi năm, nhưng có khi nào bạn
quan tâm nhìn lại hơi thở và tỏ lòng biết ơn chưa? Hơi thở rất là quan trọng,
bởi nó ngừng thở trong vòng một phút, thì bao nhiêu sự nghiệp bạn gầy dựng
được, kể như tiêu tan trong chốc lát.
Thế mà chúng ta vô tình quên lãng và xem thường, đến khi nằm hấp hối trên giường bệnh, thì lúc ấy ta mới thấy hơi thở quan trọng đến mức độ nào! Khi đó, ta chỉ biết tiếc nuối và hối hận trong muộn màng.
Khi ta biết nhìn lại chính mình, thì sẽ được tự do và bình an trong mọi xung đột, phức tạp của cuộc đời. Một khi tâm ta bình thản, tươi mát, thì tình thương chân thực đồng thời cũng được biểu hiện. Do đó, khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh éo le, tiêu cực xảy ra, ta dễ dàng buông xả và tha thứ cho những ai đang còn yếu kém, vụng về hay lầm lỡ. Trong tâm ta không còn ôm ấp nỗi hiềm hận hay oán ghét ai cả, bởi nhờ có cái nhìn trong sáng, thâm sâu vào thực tại.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự