Đánh thức lương tâm

Chủ nhật - 08/05/2011 08:48
Khu nhà trọ tôi ở thường xảy ra trộm cắp, khi thì phòng này mất điện thoại (bọn trộm có thủ thuật "câu" điện thoại từ cửa sổ rất tài tình), khi thì phòng nọ mất xe, kể cả những bộ quần áo "tới tuổi" đã ngả màu phơi tòn teng trước cửa cũng không cánh mà bay, nếu như chủ nhà không xem chừng cẩn thận.

Thời gian gần và sau Tết bọn trộm lại càng ráo riết hơn, đồ đạc ai bỏ hở là chúng quơ, nhà nào lơ là thì chúng viếng, cửa đóng then cài mà vẫn lo chúng có chìa khóa vạn năng, có kéo kềm đa dụng.

Không biết tại sao nạn trộm cắp ở chỗ tôi mỗi ngày một tăng mau như thế? Chúng hoành hành khiến người dân lo lắng không yên. Tại hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn? Tại tình trạng thất nghiệp? Tại lối sống đua đòi? Tại ý thức đạo đức kém? Tại gia đình, nhà trường, xã hội không quan tâm giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên? Dường như nguyên nhân nào cũng góp phần tạo nên tệ nạn.

Bắt xử lý tội phạm như bắt cóc bỏ dĩa, nhiều kẻ vào tù ra khám thường xuyên đến mức chai lì. Sức lôi cuốn hấp dẫn của đời sống hưởng thụ vật chất cám dỗ làm cho họ trở lại phạm tội vì không tự làm chủ được mình. Có trường hợp kẻ hoàn lương không được xã hội đón nhận (xin việc làm không được, bị mọi người xa lánh, tránh né, khinh khi), họ không có cơ hội làm lại cuộc đời, bị lâm vào hoàn cảnh cùng quẫn, bế tắc, không đủ ý chí nghị lực để vượt qua, thế là trở lại con đường phạm tội.

Bà vợ ông bạn nhà kế bên sợ trộm viếng tệ xá của mình, bèn mua thêm một cái ổ khóa to tướng về khóa cửa, bà nghĩ dù sao khóa hai ổ khóa vẫn an toàn hơn. Ông bạn hàng xóm không tin tưởng vào mấy cái ổ khóa, bảo:

- Nếu chúng quyết tâm trộm nhà ông bà thì bao nhiêu ổ khóa cũng vô dụng thôi. Hình phạt của pháp luật chúng còn không sợ, chẳng lẽ lại sợ mấy cái ổ khóa ấy?

Thế là ông bà kia không khóa thêm ổ khóa nào nữa cả.

Mấy hôm sau thấy ông cắm cúi viết cái gì đó vào một mảnh giấy rồi đem dán ngay cửa nhà mình. Tôi tò mò đến xem, ông cười bảo:

- Tôi chống trộm.

Tôi đọc dòng chữ trên giấy và hết sức kinh ngạc: "Trộm cắp là hành vi xấu làm nhục ông bà cha mẹ, là hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật. Không nên có hành vi trộm cắp. Hãy sống xứng đáng là niềm tự hào của cha mẹ, vợ con bạn". Bên dưới còn ghi rõ: "Lời khuyên của chủ nhà". Ông giải thích với tôi:

- Tôi nghĩ, cho dù là trộm cướp thì cũng có lương tâm. Tôi muốn đánh thức lương tâm của họ.

Tôi không nói gì nhưng trong bụng hơi nghi ngờ về biện pháp chống trộm của ông hàng xóm.

Ai đi ngang qua, thấy mảnh giấy dán trước cửa nhà ông cũng cười mai mỉa:

- Vớ vẩn! Bỏ tù nó còn chưa sợ huống hồ khuyên lơn.

- Nó nghe lời ông khuyên mới lạ.

Bà vợ ông cũng cằn nhằn:

- Ông làm chuyện nực cười cho thiên hạ.

Ông không nói gì, chỉ cười cười, rõ là ông già dễ tính.

Thế mà không biết tại sao kể từ khi ông già bày ra cái cách chống trộm lạ kỳ đó thì khu nhà trọ không còn xảy ra nạn trộm rình nhà và mất đồ đạc nữa. Tôi cũng lấy làm lạ, trong đầu bán tín bán nghi: "Chẳng lẽ bọn trộm được đánh thức lương tâm thật sao?". Tôi nghĩ: "Nếu thật sự biện pháp này có hiệu quả thì các cơ quan phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự xã hội đỡ nhọc công, đau đầu vì tệ nạn.

Chỉ cần dùng lời khuyên nhủ thông qua các phương tiện truyền thông, kêu gọi những ai đang đi trên con đường lầm lỗi tỉnh thức, quay đầu phục thiện. Ai mà chẳng muốn mình là niềm tự hào của ông bà, cha mẹ, vợ con. Đây quả là một trong những biện pháp giáo dục có tác dụng chuyển hóa tích cực".

Tôi bỗng nhớ lại lời Đức Phật dạy: "Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh" (Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh). Ai cũng có vị Phật trong tâm mình, chỉ có điều người ta quên mà thôi. Vì vô minh phiền não tham, sân, si che mờ mà Phật tánh không hiển lộ. Người xưa cũng nói, ai cũng có thiên lương (tính lương thiện trời phú cho, ý nói vốn có sẵn), nhưng vì thị dục mà lương tri bị lu mờ.

Chỉ cần đánh thức vị Phật trong tâm, đánh thức lương tri đó để khôi phục lại cái tính thiện vốn sẵn có trong mỗi con người. Đánh thức một lần không tỉnh thì hai lần, ba lần, bốn lần, cho đến nhiều lần, bằng cách này hay cách khác, cho đến khi nào tỉnh mới thôi. Việc này cần sự chung tay của toàn xã hội: gia đình, nhà trường, các nhà văn hóa, giáo dục, các nhà hướng đạo tâm linh,… và tất cả mọi người.

Nguồn tin: Pham Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây