Trong cuộc sống tu
tập hằng ngày, mình ở trong chùa, tiếp xúc với Sư Phụ, chư huynh đệ, trong điều
kiện tu tập rất tốt, thanh tịnh và an lạc tâm hồn. Nên nhiều lúc cứ nghĩ mình
tu đã làm chủ được phiền não nơi tâm.
Sau khi rời chùa đi học tiếp xúc thế giới bên ngoài hoàn toàn khác lạ những gì mình nghĩ trước kia. Khi gặp một người nào đó khen mình, thì tâm sinh hoan hỷ. Khi có người khác chê mình thì buồn, tâm sân hận nổi lên, kình cãi…giận nhau và mặc cảm. (vì tự bảo vệ bản ngã của mình).
Mỗi khi tôi gặp chướng duyên như thế, tôi tự quán chiếu lại chính bản thân mình. Lúc cơn giận nổi lên không thể nào đủ trí tuệ để thắng cái cơn giận đó. Khi sự việc qua rồi, đêm nằm ngủ tôi bắt đầu bỏ ra 10 phút quán chiếu lại, suốt quá trình trong một ngày, mình đã làm gì? Việc nào mình đã làm đúng? Việc nào mình đã làm sai. Sau khi quán chiếu từng việc như thế, việc nào mình làm đúng thì phát triển trong tương lai, việc nào không đúng phải kiểm điểm lại. Mình đã làm sai từ chỗ nào. Nếu mình lỡ làm người bạn nào đó buồn tự mình phải đi xin lỗi thì mọi việc sẽ bình yên. Khi ai khinh chê và khen mình, tự tôi nghĩ đến
Thương, ghét, chê
Chữ thương, chữ ghét, chữ chê
Do ta vướng bận, si mê bám vào
Để tâm trong sáng ngàn sao
Ái biệt ly khổ ai nào dễ quên
Tiếng thương như gió diệu êm
Ai chê tức giận nổi sân hãi hùng
Thôi thì hãy sống ung dung
Thương chi cho khổ, ghét chung thêm sầu
Thích Trí Giải
Làm gì để thắng
cơn giận riêng bản thân của mình ? khi có lần tôi đàm Đạo với một người bạn.
Sau đó xảy ra bất đồng quan điểm, người bạn đó nói lời nặng chạm đến tự ái bản
ngã của tôi. Tôi bắt đầu sân si nổi lên không làm chủ được tâm mình, rồi giận
hờn, và mặc cảm với người bạn tôi. Sau đó tôi cảm thấy thật sự hổ thẹn là mình
tu chưa đến đâu cả cần phải nổ lực để tu tập để khắc phục phiền não.
Tự mình phải sám hối chính bản thân mình đã làm những điều không đúng. Tôi tự nghĩ những bài thơ mình làm ra chỉ là để đọc chơi vui thôi sao? chẳng có giá trị gì hết. Bởi vì mình nói được mà làm không được. Bấy giờ tôi mở laptop lấy bài thơ ra đọc đi đọc lại tự trách mình. Tại sao? mình nói được mà mình làm không được. Thì làm sao mình dạy cho người khác diệt phiền não tham sân si. Tôi mới đọc đi đọc lại bài thơ nhiều lần tự nhiên cơn giận tự nhiên dịu đi.
Tiền làm phương tiện kiếp nhân sinh
Với nhau chân thật một chữ tình
Danh lợi bạc tiền như mây khói
Được, mất, hơn, thua chẳng nhục vinh
Thích Trí Giải
Bấy giờ tôi đã
thắng được tâm ma của mình, tôi không đi tìm nguyên nhân của cái đúng cái sai.
Mà đi tìm người bạn đó để xin lỗi hoặc tự mình làm hòa với bạn ấy. Thế là mọi
việc yên lặng vui vẻ trở lại. Nếu tôi đợi người bạn đó đến để xin lỗi hoặc làm
hòa lại với mình điều đó rất khó có thể xảy ra. Vì ai cũng có bản ngã tự trọng
của mình.
Khi sự việc xảy ra tôi buồn tôi tự quán chiếu đến chuyện buồn vừa rồi như một file bị nhiễm virus độc trong máy của mình. Muốn cho máy laptop vận hành tốt tìm ra file đó chọn delete và Enter nó bỏ đi. Sau đó vào Recycle Bin chọn Empty Recycle Bin chọn ok. Thì tất cả sẽ tan biến đi (empty).
Tôi cũng làm y như thế những chuyện buồn xảy ra không để tâm nữa mọi chuyện sẽ vui vẻ an lạc trở lại, sở dĩ do mình bám chặt vào lời khen, tiếng chê sân si nổi lên cảm thấy khó chịu và bức xúc. Cũng cảm ơn bài thơ chữ Nhẫn của Tâm Khánh. Khi bình thường không thấy nó giá trị. Nhưng khi đụng chuyện phiền não nó giúp mình thắng cơn sân, biết nhẫn nhục để an lạc tâm hồn (Tâm Nhẫn) bấy giờ bài thơ giá trị vô cùng.
TÂM
Ngày nào “Tâm” dứt lòng tham
Thì ta an lạc Niết bàn hiện ra
Dù nơi cảnh giới ta-bà
Tây phương cực lạc cũng là trong “Tâm”
Khi sân khuôn mặt nổi lên
Thân ngoài biểu hiện lòng thêm ưu phiền
Vốn là trong sáng tự nhiên
Không tham, không hận, không phiền, không si
Khi Tâm hiện thể từ bi
Ánh trăng chân lý thấu miền hư vô
Khi nào vọng tưởng nhiễm ô
Hơn thua đố kỵ đi vô lỗi lầm
Đánh mất bản thể chân Tâm
Bao nhiêu ác nghiệp âm thầm theo sau
Tâm như mãnh lực đứng đầu
Chúng sinh lục đạo âu sầu tử sinh
Khiến người phiền não điêu linh
Tâm là nguồn tội vô hình thế gian
Gây bao ác nghiệp sai lầm
Nhưng người hiểu đạo tri ân Tâm nhiều
Nhờ Tâm thấu rõ mọi điều
Sống trong an lạc bao nhiêu thái bình
Đến khi xả báo thân mình
Quay về bản thể an khinh Niết Bàn
Thích Trí Giải
NHẪN
Nhẫn một bước, sóng yên biển lặng,
Nhẫn một đời, tâm cảnh từ bi.
Nhẫn với mình, tâm sinh hoan hỷ,
Nhẫn với người, hơn thiệt lợi chi?
Tâm Khánh
Có những lúc mình thật dại khờ bao giờ cũng bảo thủ cho mình là đúng và hơn người, giỏi hơn người. Mình chính là người ngu si, vì mình luôn ôm bản ngã trong mình. Đức Phật dạy:
“Người ngu biết mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu cho mình có trí, thật là chí ngu” (Pc 63)
Bởi thế khi cơn sân nổi lên làm lu mờ đi trí tuệ sáng suốt của mình. Cho nên mình không biết mình đã làm sai và không bao giờ chịu xin lỗi bạn bè, Sau khi tôi làm bài thơ Sám Hối tôi đọc đến câu:
Khi con người có lỗi
Không nhận tội của mình
Chính là kẻ vô minh
Sinh tử mãi luân hồi
Thì bấy giờ suy
nghĩ lại cái tâm, cái bản ngã bảo thủ của mình trước kia là sai hoàn toàn. Mặc
dù sự việc dù có đúng đi nữa. Nhưng do có bản ngã của mình tham gia vào, đã
khiến người khác buồn và sân si thì mình cũng có tội.
Nên mình phải xin lỗi người bạn mà mình đã gây ra chuyện đó. Đó là hạnh nhẫn nhục mình cần học hỏi, xin lỗi bạn là một đức tính tốt không có gì xấu hổ. Điều xấu hổ nhất là tự mình đánh mất cái tâm của mình chạy theo cái sân hận, giận hờn, hơn thua, ganh tỵ. Thấy người ta hơn mình là khởi tâm ganh tỵ. Đó mới là điều xấu hổ của người học Đạo giải thoát.
Cho nên hằng ngày
trong cuộc sống, thường xảy ra va chạm, không làm sao tránh khỏi. Nhưng lỡ xảy
ra rồi, quan trọng bạn phải biết làm sao để hàn gắn lại vết thương đó mới là
điều đáng khen. Vì tất cả chúng ta là hàng phàm phu phiền não vô minh dày đặc,
trí tuệ thấp kém không thể nào làm chủ cơn sân. Chúng ta là hành giả đang trên
bước đường tu tập chẳng phải Thánh Nhân đã đoạn phiền não tham, sân, si.
Cho nên đừng bao giờ tự cho mình là đã thắng được cái tâm phiền não. Điều tôi muốn chia sẻ ở đây là làm cách nào để hàn gắn vết thương khi gây ra để tốt đẹp như cũ. Còn muốn diệt cái sân một cách trực tiếp trong mọi hoàn cảnh xấu. Đòi hỏi phải luyện tập thiền quán hằng ngày để tâm hòa, và quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ. Để chúng ta diệt cái bản ngã tiềm ẩn nơi tâm. Bấy giờ mới thắng được cơn sân trong tâm của chúng ta
Cho nên khi chúng ta gặp chuyện không hay xảy ra giữa bạn bè, gia đình vvv. Chúng ta không nên đi tìm cái đúng cái sai để giải quyết, càng tìm nguyên nhân đúng sai, thì tình cảm lại càng xa, càng rắc rối thêm chẳng có lợi ích gì. Ai ai cũng nhịn một chút, thông cảm cho nhau. Sống với nhau bằng một chữ tình. Đó mới là quan trọng, khi bản ngã nổi lên dẫn đến tâm sân, thì cũng từ tâm mình dẹp bản ngã chính mình.
Khi chúng ta thắt
nút nơi nào, thì từ nút đó mở ra. Nếu tốt nhất đừng bao giờ thắt nút u sầu của
phiền não. Lỡ như chúng ta thắt nút phiền não thì tự mình mở trói nó, thì mọi
việc sẽ tốt đẹp. Trên đời này người ta làm ra ổ khóa, dĩ nhiên có chìa khóa
để mở. Rủi như mình đánh mất chìa khóa rồi mình phải tạo một chìa khóa sao phù
hợp thì chắc chắn mình sẽ mở ra.
Chuyện phiền phức sứt mẻ giữa gia đình, bạn bè, vợ chồng……cũng như vậy tự mình thắt nút thì tự mình mở ra. Bấy nhiêu lời chia sẻ đến quý Pháp hữu cho vui không phải là một vấn đề gì cao siêu cả. Đây là chuyện đời thường, thường xảy ra như cơm bữa. Văn của Trí Giải lủng củng không hay nên mong quý vị cũng hoan hỷ khi chia sẻ.
Nguồn tin: Trí Giải
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự