Đừng dùng tiền thật để mua tiền giả
- Thưa Thượng toạ, vì sao và bắt đầu từ đâu, ông quyết định không đốt vàng mã tại Chùa Liên Hoa nơi ông trụ trì?
- Thượng toạ Thích Duy Trấn: Từ một chuyến đi cứu trợ, tặng quà những người dân bất hạnh, có hoàn cảnh nghèo khó nơi vùng sâu, vùng xa ở miền Trung vào năm 1998.
Tôi đã không thể không khóc khi chứng kiến hình ảnh những học sinh nghèo, không có tiền mà phải bỏ học, biết bao gia đình khốn khó, lam lũ, không đủ ăn, đủ mặc... Tôi đã trăn trở nghĩ phải làm được một điều gì đó.
Trở về thành phố, chứng kiến những hình ảnh đối lập đến nhức nhối là việc người dân đốt quá nhiều vàng mã, những tập giấy còn đẹp hơn cả giấy học trò ở vùng đất nơi tôi vừa đến, câu hỏi “tại sao” cứ quay đi quay lại trong suy nghĩ. Tôi quyết định sẽ làm một “cuộc cách mạng nhỏ”, vận động Phật tử và người dân lễ chùa dành tiền mua vàng mã đốt để làm từ thiện. Từ đó đến nay đã 12 năm rồi.
- “Cuộc cách mạng nhỏ” đó có phải là một quyết định rất khó khăn không, thưa Thượng toạ?
- Đúng vậy, rất khó! 12 năm trước, tôi đã bị nhiều người phản đối. Giữa năm 1998, Chùa Liên Hoa ra thông báo: Các Phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền vàng mã để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa. Lò hoá vàng tại chùa cũng được dỡ bỏ.
Ngay sau đó, chính tôi bị phản đối gay gắt. Người thì thắc mắc : vì sao chùa Liên Hoa cấm đốt vàng mã, trong khi ở các ngôi chùa khác là việc bình thường. Người gay gắt hơn thì bỏ chùa ra đi, chuyển những hũ cốt đang gửi sang chùa khác... Tôi đã rất buồn bởi nhiều người đã không hiểu hết ý nghĩa của việc làm đó.
- Và giải pháp khi đó là gì, thưa Thượng toạ?
- Không còn cách nào khác là kiên trì giải thích. Tôi vận động bà con Phật tử bằng cái triết lý và tình người thật giản đơn: “Đừng dùng tiền thật để mua tiền giả”, hãy mang tiền đó để cứu giúp những mảnh đời nghèo khó. Phật giáo không có kinh sách nào nói Phật dạy cúng vong linh hoặc khấn vái người quá cố thì phải đốt vàng mã..
Mưa dầm thấm lâu. Cùng với việc vận động, chùa Liên Hoa đã tổ chức nhiều chuyến đi từ thiện tới các vùng sâu, vùng xa, những vùng đất mà cuộc sống của người dân còn quá nhiều khó khăn, bất hạnh. Lâu dần, các Phật tử của nhà chùa đã nhận ra giá trị từ việc làm này.
Mong có nhiều chùa Liên Hoa hơn nữa!
- Thượng toạ đã vận động người dân chuyển số tiền mua vàng mã đốt thành tiền thật cho quỹ từ thiện. Vậy trong suốt 12 năm qua, quỹ từ thiện đã tiết kiệm được bao nhiêu?
- Khi giác ngộ, mỗi người dân, Phật tử đã sử dụng số tiền định mua vàng mã, nhang đèn để đóng góp vào quỹ từ thiện.
Năm khởi đầu 1998, chùa Liên Hoa chỉ thu được gần 10 triệu đồng
Nhiều năm sau, số tiền cứ tăng dần như một sự tỉ lệ thuận với lòng người.
12 năm rồi, số tiền tiết kiệm đã hơn 6 tỉ đồng.
Chúng tôi sử dụng những đồng tiền này để giúp đỡ những gia đình khó khăn, xây nhà tình nghĩa, khoan giếng, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... Hàng ngàn phần quà thấm đẫm nghĩa tình từ ngôi chùa nhỏ, từ tấm lòng của các tăng ni, Phật tử và người dân đã đến với nhiều số phận bất hạnh, khó khăn.
- Với tư cách là Phó Ban Hoằng pháp, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài chùa Liên Hoa, Thượng toạ có mong muốn việc làm của mình sẽ được nhân rộng ra cộng đồng, nhất là trước thực trạng sử dụng và đốt quá nhiều vàng mã hiện nay không?
- Không chỉ ở chùa Liên Hoa, những năm qua tôi đã đến nhiều vùng đất, nhiều ngôi chùa để giảng đạo, thuyết pháp. Trong những bài giảng của mình, tôi luôn nhấn mạnh sự vô nghĩa của việc sử dụng, đốt vàng mã, đồ mã.
Mỗi năm hai chuyến đi từ thiện đến vùng sâu, vùng xa, chưa kể những chuyến đi cứu trợ đột xuất, bằng chính số tiền tiết kiệm từ việc không đốt vàng mã, tôi đã cùng các tăng ni, Phật tử mang đến niềm vui, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh. Cứ nhìn thấy những đứa nhỏ nhà nghèo có sách, bút đến trường, những mảnh đời bất hạnh đã không còn cảnh màn trời chiếu đất..., chúng tôi càng thấm thía và cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của việc làm này.
Còn sức khoẻ, tôi sẵn sàng tiếp tục đi tới mọi nơi để vận động, tuyên truyền người dân. Mong rằng sẽ có nhiều hơn những ngôi chùa Liên Hoa nữa, cũng như sẽ có nhiều hơn những Phật tử trên khắp mọi miền đất nước ủng hộ cách làm này. Để mỗi chúng ta không còn phải nhìn thấy quá nhiều cảnh tượng đau lòng đến rơi nước mắt.
- Nhưng nhiều nơi vẫn sử dụng và đốt quá nhiều vàng mã. Làm thế nào để sáng kiến của chùa Liên Hoa được nhân rộng?
- Ra Hà Nội đầu năm vừa rồi, tôi có dịp đến một số ngôi chùa nổi tiếng và chứng kiến cảnh tượng người dân đốt quá nhiều vàng mã, đồ mã với những mâm lễ chất chồng, nào xe, nào ngựa, ô tô... Tôi thấy xót xa và băn khoăn nhiều quá. Lạ là, sao Ban quản lý các di tích, đền chùa đó không nhắc nhở và ban hành những quy định chặt chẽ đối với người đi lễ?
Mỗi người hãy thử đặt một phép tính, một lần chỉ đốt khoảng 20- 30 ngàn đồng tiền vàng mã, nhân với số lần và khối lượng tiền, vàng liên tục làm đỏ lửa các lò hoá vàng thì số tiền thật bị đốt sẽ là bao nhiêu? Và nếu những đồng tiền đó được dùng để giúp đỡ người nghèo thì chẳng phải mỗi người đã tích đức một cách đúng nghĩa nhất rồi sao.
- Nếu có một lời khuyên các tăng ni Phật tử và đông đảo nhân dân, ông sẽ nói gì, thưa Thượng toạ?
- Mỗi người hãy cân nhắc kỹ việc mình làm. Mua và đốt vàng mã, đồ mã quá nhiều để làm gì? Hãy dành thời gian tụng kinh niệm Phật và dành tiền bạc để làm nhiều việc từ thiện, có ý nghĩa cho cộng đồng. Hãy tin tôi, đã là Thượng toạ thì không bao giờ hướng dẫn Phật tử đi sai đường cả...
- Xin cảm ơn ông!
* 12 năm, kể từ bước đi đầu tiên còn nhiều gian khó, đến nay chùa Liên Hoa vẫn giữ nếp đến những ngày lễ tết lại kêu gọi không đốt vàng mã để dành tiền làm từ thiện. Năm vừa qua, khi Chính Phủ ban hành Nghị định về cấm đốt đồ mã nơi công cộng, Thượng toạ Thích Duy Trấn càng vững tin hơn với việc làm mà ông lựa chọn.
* Với những nỗ lực quên mình, năm 2006 Thượng toạ Thích Duy Trấn đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm nay, nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cả nước, Thượng toạ vinh dự được đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Nguồn tin: An Nhi
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự