Trẻ ham lêu lổng ăn chơi, Già sâu khóe mắt khóc đời lầm than

Chủ nhật - 10/04/2011 11:51
Đại Phú (Maha Dhana) tái sanh tại thành Ba-la-nại trong một gia đình cực kỳ giàu có. Vì nhà giàu con một nên cha mẹ Đại Phú thầm nghĩ: Chúng mình mang danh phú hộ, nhà cửa cao sang, của cải tiêu xài mấy đời không hết thì việc gì phải để con mình tính chuyện mưu sinh. Cứ cho nó tự do thoải mái mà hưởng thụ mọi lạc thú trên đời.

Thế là cậu quý tử mới lớn được phép lao vào các hộp đêm tửu điếm, quay cuồng theo hương sắc trần gian với những cuộc say đầu sáng trận cười thâu đêm. Và để chứng tỏ mình là tay đào hoa, sành điệu ca múa, cậu ra sức học hát và tập chơi được nhiều loại nhạc cụ. Cuộc sống của cậu, do đó mà mỗi lúc một cuốn hút vào nhịp phách cung đàn, hương tình men rượu.

Và trong thành phố này, không biết ngẫu nhiên hay trùng hợp, cũng có một gia đình phú hộ chỉ sanh được một ái nữ xinh đẹp nên ông bà hết lòng chiều chuộng, không để con nối nghiệp bán buôn mà chỉ cho con ca múa xướng hát cho gia phong hưng thịnh, phú quý song hành.

Và cũng để tương xứng với tập tục môn đăng hộ đối, trưởng giả phú hào, hai gia đình hân hạnh kết tình thông gia cho hai con mặc sức hưởng thụ. Nhưng tiếc thay, trời còn có gió mưa bất chợt, người tránh sao họa phước hôm mai, cha mẹ của đàng trai và đàng gái lần lượt qua đời, để lại cho cặp vợ chồng đồng điệu hai gia tài đồ sộ.

Theo thông lệ, Đại Phú mỗi ngày phải đến hoàng cung hầu hạ quốc vương ba lần. Một hôm, có một tên lừa đảo chuyên nghiệp, biệt danh là Cua-rơ, vì hắn lắm mưu nhiều kế, chạy chọt tài tình, nói với đồng bọn:

- Đại Phú là con trai duy nhất của một trưởng giả đã qua đời. Nay hắn được toàn quyền quyết định về cái sản nghiệp đồ sộ đó. Hắn lại đam mê tửu sắc, ca hát xập xình, thật là thuận lợi cho phe ta nếu dụ hắn vào bẫy.

- Dụ bằng cách nào? Tên cầm đầu băng nhóm hất hàm hỏi.

- Dễ thôi đại ca! Tìm dịp mời hắn nhậu với anh em tụi mình vài ba lần là dính chấu ngay.

- Hay đấy!... Thế thì cậu trổ tài ngoại giao đi!

Cua-rơ cố tìm các thứ sơn hào hải vị, mỹ tửu bồ đào chế biến sẵn, bày biện bên một bìa rừng râm mát như đang mở tiệc du ngoạn, chờ Đại Phú trên đường từ hoàng cung trở về là ra tay chiêu mộ.

Và y như rằng, với tính tình buông lung hời hợt, sau vài câu mời chào xã giao của đám chủ mưu lường gạt, Đại Phú hăng hái nhập tiệc, cụng ly cốp cốp, nói cười hả hê. Từ đó về sau, Đại Phú sẵn sàng chi trả cho tất cả các buổi yến tiệc, tha hồ ôm vai bá cổ với các nàng chuyên nghiệp đong đưa. Và, đã vũ ca xướng hát thì phải đi với bài bạc kiệu cờ. Vàng bạc châu báu của Đại Phú cứ thế mà rơi trọn vào tay của bọn lưu manh đàng điếm, bán phấn buôn hương.

Đại Phú tiêu xài hoang phí, phá nát sản nghiệp của tổ phụ lưu truyền mà chưa sáng mắt. Cậu còn lớn tiếng tự hào rằng hết tài sản này còn tài sản khác. Của cải của vợ ta cũng là của ta. Và thế là cậu tha hồ vứt tiền qua cửa sổ.

Chẳng bao lâu sau, cậu bán hết vàng bạc châu báu, nhà cửa đất đai, của chìm của nổi cứ tan dần theo men tình khói thuốc, vũ khúc nhịp nhàng. Thậm chí cậu còn bán cả y phục tùy thân và vật dụng tầm thường trong nhà như nồi niêu xoong chảo, chăn gối mùng mền để có tiền ăn chơi trác táng.

Rốt cuộc, sản nghiệp chẳng còn gì, ngoài chiếc khố che thân với cái bát sành trên tay, cậu đành phải dắt vợ lang thang ăn xin và ngủ nhờ mé hiên nhà của người hàng xóm. Lắm lúc cậu phải ăn cơm thừa canh cặn của giới buôn thúng bán bưng ở góc chợ đầu đường.

Một hôm, cậu đứng trước cửa của một quán trọ, xin thức ăn san sẻ của các thầy và các chú. Thế Tôn nhìn cậu mỉm cười. Trưởng lão A-nan thấy vậy bèn hỏi:

- Bạch Thế Tôn, có gì vui chăng?

- A-nan, hãy nhìn Đại Phú kìa, con trai của một trưởng giả lừng danh tại thị thành này đó, cậu ấy đã vung tay hoang phí, phá nát cả hai tài sản của song thân và nhạc phụ để lại; bây giờ phải dắt vợ đi ăn mày.

Nếu như thời còn son trẻ, cậu ấy biết phấn đấu làm ăn, không hoang đàng phung phí, thì cậu ấy hẳn đã trở thành một phú hộ; còn nếu như cậu ấy giã từ gia nghiệp, xuất gia tu hành, thì cậu ấy cũng chắc đã chứng quả A-la-hán; vợ cậu ấy cũng vậy, nếu cô ấy xuất gia tu tập thì giờ này cô ấy đã chứng quả A-na-hàm.

Nếu thời trung niên, cậu ấy đừng hoang phí tài sản, thì cậu ấy đã có sự nghiệp vững vàng, là phú hộ thứ hai; và nếu như cậu ấy xuất gia làm Sa-môn, thì cậu ấy đã chứng quả A-na-hàm, còn vợ cậu ấy tu hành thì cũng chứng quả Tư-đà-hàm.

Nếu những năm cuối đời mà cậu ấy không hoang phí tiền của, tận tụy với ngành nghề, thì cậu ấy đã thành phú hộ thứ ba; và nếu cậu xuất gia hành đạo, khoác áo Sa-môn, thì cậu ấy đã chứng quả Tu-đà-hoàn.

Bây giờ thì cậu ấy đã trắng tay dưới dạng ăn mày của một ông già cùng khổ, và cũng chẳng có vị trí nào trong giới thiền môn. Cậu ấy bây giờ như một con cò già đang lóm thóm kiếm mồi trong một ao hồ khô cạn. A-nan, tu hành mà giải đãi thì cũng như thế đó.

Ngài mỉm cười đọc kệ:

Lúc trẻ không phạm hạnh,

Tiền của chẳng góp gom,

Như cò già ủ rũ,

Bên hồ không cá tôm!

Lúc trẻ không phạm hạnh,

Tiền của chẳng góp gom,

Như cánh cung mòn gãy,

Than dĩ vãng chẳng còn!

(PC. 155, 156)

Nguồn tin: Tịnh Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây